Đoán ý trẻ qua tiếng khóc của trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS. TS. BS Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác là một trong những chuyên gia về Nhi - Sơ sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh với gần 30 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh về nội tiết nhi, thận nhi khoa và các vấn đề Nhi - Sơ sinh khác.

Khóc là cách để trẻ giao tiếp với bố mẹ của mình khi trẻ chưa biết nói. Sở dĩ nói như vậy là vì tiếng khóc của trẻ, đặc biệt là khi trẻ quấy khóc bất thường thể hiện được trẻ đang đói, đang buồn ngủ, đang khát hay đang bị đau ốm và các cảm xúc khác. Thế nhưng để đoán ý trẻ qua tiếng khóc của trẻ thì không phải bố mẹ nào cũng biết.

1. Các nguyên nhân thường gặp khiến trẻ quấy khóc

  • Trẻ đói bụng

Đây là điều đầu tiên bố mẹ cần nghĩ tới khi trẻ khóc. Khi đói, trẻ hay khóc và kèm theo các dấu hiệu: quấy khóc xen giữa là các động tác mút tay, nhóp nhép miệng. Khi cho trẻ bú xong, sau khoảng thời gian ngắn trẻ khóc lại, đây có thể là dấu hiệu cho biết trẻ chưa được bú no.

  • Tã trẻ bị bẩn, quá ẩm ướt do nước tiểu và phân của trẻ

Trẻ sẽ báo hiệu cho cha mẹ biết mình muốn thay tã bằng cách khóc nhưng tiếng khóc thường bình thường, không có gì đặc biệt, đôi khi thét to lên, nước mắt dàn dụa. Nguyên nhân này có thể giải quyết bằng cách kiểm tra tã của trẻ, tốt nhất ba mẹ nên thay bỉm tã cho trẻ 2-3 giờ/lần để tránh hăm đỏ từ bỉm tã của trẻ và thay ngay lập tức nếu trẻ ị ra tã bỉm.

  • Trẻ buồn ngủ

Đối với trẻ lớn và người lớn, khi buồn ngủ có thể ngủ bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Nhưng với trẻ em thì khác, khi buồn ngủ chúng thường quấy khóc và gắt ngủ, lấy tay dụi mắt, gãi đầu gãi tai, một số bé có thể mút tay, ban đầu khóc tương đối nhỏ, nếu xung quanh ồn ào quá không ngủ được thì trẻ sẽ khóc to và liên tục hơn. Lúc này để dỗ trẻ, chỉ cần ôm ấp vỗ về trẻ thì trẻ sẽ ngừng khóc và ngủ.

  • Trẻ muốn làm nũng, muốn được ôm ấp

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng khi bế và ôm ấp con quá nhiều rất dễ làm hư trẻ, tuy nhiên trong những tháng đầu đời trẻ rất cần sự âu yếm vỗ về của cha mẹ. Do vậy khi trẻ làm nũng muốn được ôm ấp, trẻ sẽ có các biểu hiện sau: trẻ khóc lúc cao, lúc thấp, có thể không có nước mắt, chân tay múa máy lung tung, mắt nhìn sang trái sang phải.

  • Trẻ bị khó chịu ở vùng bụng: đầy hơi, đau bụng hoặc các vấn đề khác

Khi bị đau bụng, trẻ sẽ thường xuyên quấy khóc sau khi bú, đến nỗi không thể dỗ dành được, tình trạng khóc của trẻ thường xuất hiện ít nhất 3 giờ mỗi ngày, 3 ngày mỗi tuần và kéo dài ít nhất 3 tuần liên tục.

Đôi khi việc đầy hơi ở bụng trẻ cũng có thể là nguyên nhân làm trẻ khó chịu và khóc. Khi nghi ngờ trẻ bị đầy hơi, cha mẹ có thể thử một vài biện pháp đơn giản như đặt bé nằm ngửa, nắm hai chân của con và cho bé cử động như đang đạp xe.


Trẻ bị khó chịu ở vùng bụng: đầy hơi, đau bụng hoặc các vấn đề khác
Trẻ bị khó chịu ở vùng bụng: đầy hơi, đau bụng hoặc các vấn đề khác

  • Quá lạnh hoặc quá nóng

Khi trẻ cảm thấy lạnh hoặc thấy nóng, chúng sẽ cách khóc, tuy nhiên khi bị lạnh chúng sẽ khóc gay gắt hơn khi bị nóng. Mỗi khi thay quần áo cho trẻ hoặc sau khi tắm trẻ sẽ khóc, đây là dấu hiệu cho thấy có thể trẻ đang cảm thấy lạnh.

  • Do trẻ hoảng sợ

Tình trạng hoảng sợ này của trẻ có thể do tiếng động lớn, ánh sáng hay đêm tối... Lúc này trẻ khóc thét lên, toàn thân dãy dụa lung tung.

  • Trẻ khóc vì mọc răng

Khi mọc răng, trẻ luôn có cảm giác đau đớn và quấy khóc nhiều. Do đó cha mẹ cần biết để xử lý và giúp giảm đau cho trẻ trong giai đoạn này. Các biểu hiện thường thấy khi trẻ mọc răng như lấy tay sờ, cọ răng, gặm, nhấm đồ, thích nhét đồ vào miệng thì rất có thể bé đang khó chịu vì mọc răng.

  • Trẻ bị đau đớn, rối loạn khó chịu hay trong cơ thể mắc các bệnh lý
    • Trẻ khóc từng cơn, kèm theo nôn mửa, đại tiện phân lẫn máu, là trẻ có khả năng lồng ruột.
    • Trẻ khóc thét liên tục, thỉnh thoảng ngừng một lát, rồi lại tiếp tục, kèm theo nôn mửa là trẻ có khả năng có bệnh ở não hay màng não.
    • Trẻ khóc thét, không nhanh, không chậm, đều đều, sắc mặt trắng nhợt, vã mồ hôi, nôn mửa, tiêu chảy, không cho sờ vào bụng, nếu sờ vào thì khóc to hơn là trẻ có khả năng viêm ruột cấp, tiêu hóa trục trặc, ký sinh trùng (giun) hoành hành.
    • Trẻ khóc giọng khàn khàn, khóc liên tục, nhất là về đêm, khó thở, kèm theo sốt bỏ bú là trẻ có khả năng bị viêm amidan cấp.
    • Trẻ khóc với âm điệu bình thường, trẻ ở trạng thái không yên, dỗ thế nào cũng không nín, đó là trẻ bị đau đầu, ngạt mũi, cảm cúm.
    • Trẻ khóc xong lại thở khò khè là trẻ có khả năng viêm phổi.
    • Trẻ khóc tím tái mặt: đây là dấu hiệu rất nguy hiểm có thể gây nên tình trạng tử vong ở trẻ, đặc biệt là các trẻ sau khi sinh. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ có nguy cơ rất cao bị tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn thể trên tim có tắc nghẽn bệnh lý tim mạch phức tạp.
    • Trẻ khóc yếu ớt, xen lẫn tiếng rên ngắt quãng là trẻ có khả năng viêm phổi và suy tim, phải theo dõi sát sao.
    • Trẻ khóc không yên, kèm theo sốt, lắc đầu, vò tai, lấy tay ép vào vành tai lại càng khóc dữ dội là trẻ có khả năng viêm tai giữa.
    • Trẻ khóc suốt đêm, sợ hãi, vã mồ hôi nhiều là trẻ có khả năng bị còi xương giai đoạn đầu.
    • Trẻ khóc trước khi ngủ là thường trẻ bị giun kim, ở cửa hậu môn bò ra, gây ngứa ngáy, khó chịu.
    • Trẻ khóc khi đi tiểu tiện thường là trẻ bị viêm đường tiểu, có thể thấy miệng niệu đạo nhiễm trùng, tấy đỏ.
    • Trẻ khóc, không chịu bú, hễ ngậm vú thì khóc là trẻ có khả năng niêm mạc lợi bị sưng, viêm miệng, nên không bú được.
    • Trẻ khóc dữ dội, luôn tay quờ quạng, vơ nắm mọi vật để ôm vào người là trẻ có khả năng bị mọc mụn, do ẩm nóng, gây ngứa ngáy, khó chịu.
    • Trẻ khóc sau khi đi đại tiện thường là trẻ bị rạn nứt hậu môn.

Trắc nghiệm: các chỉ số cần chú ý về sự phát triển thể chất của trẻ

Chiều cao, cân nặng của bé ở từng giai đoạn nên là bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường? Cùng ThS.BS Ma Văn Thấm điểm lại xem bạn đã nắm được các chỉ số phát triển thể chất của bé chưa nhé!

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

Ma Văn Thấm
Ma Văn Thấm
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nhi
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

2. Làm gì khi trẻ quấy khóc


Thái độ bình tĩnh trước tiếng khóc của trẻ sẽ giúp cha mẹ có thể tỉnh táo nhận ra những thông điệp mà trẻ muốn chuyển tải
Thái độ bình tĩnh trước tiếng khóc của trẻ sẽ giúp cha mẹ có thể tỉnh táo nhận ra những thông điệp mà trẻ muốn chuyển tải

  • Cố gắng giữ bình tĩnh: Thái độ bình tĩnh trước tiếng khóc của trẻ sẽ giúp cha mẹ có thể tỉnh táo nhận ra những thông điệp mà trẻ muốn chuyển tải, cần dỗ dành trẻ bằng giọng nói nhẹ nhàng.
  • Khi cảm thấy bất an, trẻ thường muốn được cha mẹ vuốt ve để lấy lại bình tĩnh. Vuốt ve giúp trẻ có thể bớt căng thẳng và có được cảm giác an toàn, lúc này trẻ sẽ tự bình tĩnh trở lại và không khóc nữa. Cha mẹ nên cố gắng bồng bế trẻ nhiều hơn, điều này có thể làm giảm bớt những cơn khóc của trẻ.
  • Sắp xếp các hoạt động trong ngày theo lịch trình của con: Điều này có nghĩa là nếu trẻ thường khóc vào một thời điểm nhất định buổi tối thì đừng bố trí làm việc gì vào lúc này, cần cân nhắc để ăn tối trước thời điểm trẻ thường khóc.
  • Khi bố mẹ cảm thấy tuyệt vọng vì trẻ khóc mà không thể dỗ được dẫn đến cảm xúc tiêu cực. Hãy bình tĩnh đặt trẻ tại 1 nơi an toàn và đi ra chỗ khác 1 chút. Điều này giúp bố mẹ hay người trông coi trẻ có thể ổn định được tinh thần và việc dỗ trẻ sẽ đạt hiệu quả hơn sau đó.
  • Khi cảm thấy trẻ có dấu hiệu bất thường hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Dựa vào tiếng khóc của trẻ, cha mẹ có thể đoán được ý của con mình khi trẻ chưa biết nói. Do vậy các bậc cha mẹ cần phải hiểu rõ để chăm sóc con cái mình một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là khi trẻ bị ốm đau mà không thể nói được với cha mẹ. Trẻ sơ sinh giai đoạn từ 1 - 6 tháng tuổi nhìn chung dễ gặp bệnh về đường hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng đường tiêu hóa...dẫn đến tính trạng quấy khóc ngày đêm. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu được) và tiêm vắc-xin đúng lịch. Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc thì cần đứa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn theo dõi và điều trị.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe