Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phú - Bác sĩ Hồi sức tích cực - Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Lao cột sống còn được biết đến là bệnh hủy xương sống do lao. Đây là một dạng bệnh lý do vi khuẩn lao gây ra ngoài phổi và là dạng lao thường gặp nhất trong hệ vận động. Vậy bệnh thường gặp ở độ tuổi nào và hướng điều trị hiệu quả nhất hiện nay là gì?
1. Lao cột sống là gì?
Bệnh lao cột sống được tác giả Percival Pott mô tả từ năm 1779 nên bệnh còn có tên gọi là bệnh Pott. Thường gặp nhất trong các thể lao xương khớp (60-70%). Chiếm 10-35% các trường hợp lao ngoài phổi và gần 2% các trường hợp lao nói chung.
Bệnh thường tổn thương ảnh hưởng đến vùng ngực dưới và vùng ngang thắt lưng trên. Ít gặp ở vùng cổ và lồng ngực trên. Sự tiến triển của lao cột sống thường bắt đầu bằng tình trạng viêm mặt trước của khớp đĩa đệm, sau đó lan ra phía sau của dây chằng trước làm tổn thương đốt sống liền kề. Khi 2 đốt sống liền kề dính vào nhau, tổn thương viêm sẽ lan vào khe đĩa đệm liền kề.
Độ tuổi thường mắc lao cột sống hiện nay từ 16-45 (62,4%). Tổn thương chủ yếu ở phần đĩa đệm và thân đốt sống (bệnh lao cột sống phần trước). Rất hiếm gặp tổn thương lao ở phần vòng cung sau và mỏm gai (bệnh lao cột sống phần sau). Vị trí tổn thương thường gặp là vùng ngực dưới và vùng thắt lưng trên, vùng lưng 60-70%, vùng thắt lưng 15-30%, vùng cổ 5%, vùng cùng cụt rất hiếm.
Khoảng 70% trường hợp 2 đốt sống bị tổn thương và khoảng 20% tổn thương từ 3 đốt sống trở lên. Bệnh diễn biến thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn có triệu chứng và tiên lượng khác nhau, bệnh càng được chẩn đoán sớm, điều trị đúng nguyên tắc thì tiên lượng càng tốt.
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do vi khuẩn lao người, có thể gặp vi khuẩn lao bò, rất hiếm gặp vi khuẩn kháng cồn kháng toan không điển hình (NTM). Lao cột sống thường xuất hiện sau lao sơ nhiễm 2-3 năm. Hay thấy gặp sau lao các màng và gặp trước lao các nội tạng.
Vi khuẩn lao có thể lan từ phức hợp sơ nhiễm tới bất kỳ xương hoặc khớp nào trong cơ thể. Thông thường vi khuẩn lao tới khớp chủ yếu qua đường máu, ít trường hợp qua đường bạch huyết, có thể theo đường tiếp cận như lao khớp háng do lan từ ổ áp xe lạnh của cơ thắt lưng. Bệnh thường bắt đầu bằng tình trạng viêm các khớp đĩa đệm và có thể lan sang thân đốt sống lân cận. Khi hai đốt sống liền kề bị tổn thương có thể dẫn đến xẹp đốt sống.
2. Tuổi nào hay mắc lao cột sống?
Tuổi mắc bệnh trước đây đa số là tuổi trẻ dưới 20 tuổi. Hiện nay lao cột sống chủ yếu gặp ở người lớn, lứa tuổi từ 16-45 tuổi. Trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng lao với vắc-xin BCG, có tiếp xúc với nguồn lây đặc biệt là nguồn lây chính, nguy hiểm, tiếp xúc thường xuyên liên tục.
Trường hợp đã và đang điều trị lao sơ nhiễm, lao phổi hay một lao ngoài phổi nào khác. Có thể mắc một số bệnh có tính chất toàn thân như: đái tháo đường, loét dạ dày tá tràng, cắt bán phần dạ dày. Cơ thể suy giảm miễn dịch, còi xương, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS, suy kiệt nặng.
3. Chẩn đoán lao cột sống như thế nào?
Chẩn đoán lao cột sống dựa vào các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, dịch tễ và các yếu tố thuận lợi. Ở giai đoạn khởi phát, triệu chứng chủ yếu là đau (đau tại chỗ hoặc đau kiểu rễ).
- Đau tại chỗ: đau vùng cột sống bị tổn thương, đau cố định, cường độ đau ít nhiều tùy từng trường hợp, đau tăng lên khi vận động, mang vác, giảm khi nghỉ ngơi. Đau tăng dần và dùng các thuốc giảm đau không bớt.
- Đau kiểu rễ: do tổn thương kích thích vào một vài nhánh của rễ thần kinh thường là cả hai bên, đôi khi chỉ có một bên. Nếu tổn thương ở vùng cổ, đau thường lan xuống cánh tay. Nếu tổn thương ở vùng lưng đau lan xuống dưới theo đường đi dây thần kinh đùi hay dây thần kinh hông to. Đau có tính chất dai dẳng, kéo dài, ngày càng tăng.
Khi khám cột sống tại vị trí tổn thương có đoạn cứng đờ, không mềm mại khi làm động tác (cúi, ngửa, nghiêng, quay). Khối cơ hai bên co cứng, trục cột sống thẳng và thường không vẹo sang một bên. Gõ vào vùng tổn thương thấy đau rõ.
Người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu toàn thân đặc trưng của vi khuẩn lao (nhiễm trùng, nhiễm độc mãn tính) như: sốt nhẹ hoặc sốt vừa về chiều tối, kéo dài, mệt mỏi ăn ngủ kém, gầy sút cân, da xanh tái, vã mồ hôi trộm.
Khi xét nghiệm và chụp chiếu ở giai đoạn này ta có thể thấy các hình ảnh tổn thương sau đây:
X- quang cột sống: rất có giá trị để chẩn đoán sớm lao cột sống, tuy nhiên đòi hỏi phải chụp đúng kỹ thuật và nhận xét thật tỉ mỉ. Cần phải chụp cột sống thẳng và nghiêng. Những hình ảnh trên xquang thường gặp là:
- Hình đĩa đệm hẹp hơn so với các đốt trên và dưới (rõ nhất trên phim nghiêng).
- Đường viền đốt sống mờ, đốt bị tổn thương có thể kém đậm hơn các đốt khác.
- Phá hủy nhẹ của thân đốt sống, nhất là phần trước và mặt trên.
- Phần mềm quanh đốt sống hơi đậm hơn vùng xung quanh.
Các trường hợp khó phải chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sẽ cho thấy hình khuyết thân đốt sống.
Sinh thiết đốt sống bằng kim, bằng phẫu thuật để chẩn đoán giải phẫu bệnh và vi khuẩn. Xét nghiệm máu, tăng bạch cầu lympho, tốc độ máu lắng tăng cao.
Sang giai đoạn toàn phát, tổn thương phát triển, đĩa đệm và đốt sống bị phá hủy nhiều, tạo thành túi áp xe lạnh quanh vùng tổn thương, có dấu hiệu chèn ép. Đây là giai đoạn dễ chẩn đoán, thường sau thời kỳ khởi phát nhiều tháng, điều trị thường gặp nhiều khó khăn. Người bệnh thường đau cố định tại một vùng, đau liên tục, ngày càng tăng. Đau lan kiểu rễ rất rõ rệt. Hạn chế các động tác như cúi, ngửa, nghiêng, xoay.
Khám người bệnh sẽ thấy đốt sống bị lùi ra phía sau, có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy một đốt sống lồi ra phía sau rất rõ, một số trường hợp thấy cột sống vùng tổn thương vẹo sang một bên. Ngoài ra, có thể gặp dấu hiệu chèn ép tủy: do cột sống và đĩa đệm bị phá hủy nặng, di lệch và chèn ép vào tủy sống gây liệt. Thường liệt mềm hai chi dưới, liệt từ từ tăng dần, kèm theo giảm cảm giác và rối loạn cơ tròn. Có thể thấy triệu chứng lao các bộ phận khác của cơ thể: các màng, các nội tạng, và các hạch ngoại biên...
Các dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc mạn tính ngày một rõ: sốt thường xuyên, liên tục kéo dài, tăng cao về chiều và tối, ăn ngủ kém, gầy sút cân, da xanh tái.
Cận lâm sàng ở giai đoạn này cho thấy các tổn thương khá rõ, bao gồm: Về hình ảnh: (X quang, cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ cột sống) Đĩa đệm hẹp nhiều, gần như mất. Thân đốt sống bị phá hủy nhiều, nhất là phần trước, tạo nên hình chêm và tụt ra phía sau (phim nghiêng). Từ 2 mặt khớp của 2 đốt sống trên và dưới tổn thương sẽ vẽ được một góc gọi là góc Konstam-Blerovaky, góc này đánh giá độ gù của cột sống.
Có thể có hình ảnh abscess lạnh trên phim chụp x quang thẳng
Phản ứng mantoux dương tính. Hút dịch, mủ abscess lạnh tìm vi khuẩn lao. Xét nghiệm máu thấy tốc độ máu lắng tăng cao, tăng BC lympho.
Khi sang giai đoạn cuối, nếu bệnh nhân được điều trị sớm, đúng nguyên tắc thì triệu chứng toàn thân tốt lên, tổn thương ngừng tiến triển, abscess lạnh thu nhỏ lại, sau từ 1-2 năm cột sống dính lại, vùng bị phá hủy được tái tạo dần, di chứng còn lại là hiện tượng gù và hạn chế vận động.
Nếu không được điều trị hoặc cơ thể quá suy kiệt, bệnh có thể nặng dần lên, tổn thương lan rộng, lan thêm vào các tạng khác, chèn ép tủy. Bệnh nhân chết vì biến chứng thần kinh và nhiễm trùng.
Trên thực tế, bệnh lao cột sống cần phải phân biệt với các bệnh lý cột sống khác như: ung thư cột sống (nguyên phát hoặc thứ phát do di căn từ nơi khác tới), u tủy xương, viêm cột sống dính khớp, viêm xương do vi khuẩn, gai đôi cột sống, thoái hóa cột sống...
4. Điều trị lao cột sống như thế nào?
Hiện nay điều trị lao cột sống chủ yếu vẫn là nội khoa, điều trị sớm, đúng nguyên tắc từ đầu. Phối hợp 4 đến 5 loại thuốc chống lao trong giai đoạn tấn công, 2 đến 3 loại trong giai đoạn củng cố. Điều trị phối hợp các thuốc chữa triệu chứng, chống bội nhiễm, bảo vệ gan và nâng cao thể trạng.
Phác đồ điều trị lao cột sống hiện nay đang sử dụng công thức 12 tháng (2RHZE/10RHE). Người bệnh sẽ được điều trị tấn công 2 tháng bằng 4 thuốc Rifampicin (R), Isoniazid (H), Pyrazinamide (Z), Ethambutol (E). Trước đây thường dùng Streptomycin nhưng do độc tính cao trên thận, tiền đình, ốc tai nên đã được thay thế bằng Ethambutol. Riêng trẻ em không dùng Ethambutol ở giai đoạn củng cố.
Các phương pháp điều trị khác như cố định cột sống chờ ổn định (nay ít dùng), ngoại khoa (cắt bỏ bao hoạt dịch, lấy ổ abscess lạnh, lấy xương chết, cố định cột sống, bơm xi măng sinh học...).
Để phục vụ tốt trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao cột sống, hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đầy đủ các loại máy chụp X-quang hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế để thực hiện thăm khám, chẩn đoán các bệnh lý được kết quả hình ảnh chân thực, rõ nét và tìm ra các tổn thương, viêm từ cột sống từ đó có hướng điều trị tích cực.
Bên cạnh đó quy trình thăm khám tại bệnh viện được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm, do đó khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng y tế tại Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.