Dinh dưỡng cho bệnh nhân đang điều trị HIV

Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh và dinh dưỡng trong quá trình điều trị HIV sẽ giúp bệnh nhân tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời đẩy lùi nguy cơ mắc các biến chứng do virus HIV gây ra.

1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng khi nhiễm HIV

Dinh dưỡng là quá trình tiêu hóa, hấp thu, chuyển đổi hóa - lý thức ăn và tạo ra các chất dinh dưỡng cần thiết cho các hoạt động cơ thể gồm sinh trưởng, phát triển, miễn dịch, lao động và sức khỏe.

Đối với người bị bệnh HIV, cơ thể sẽ bị yếu và không đảm bảo các chức năng do hệ miễn dịch bị suy giảm, bệnh nhân sẽ bị sụt cân, hao mòn và suy dinh dưỡng dẫn đến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Do vậy, chế độ đầy đủ dinh dưỡng cho người HIV là việc làm cần thiết bởi:

  • Nó có thể giúp cải thiện chất lượng sống bằng cách cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho nhu cầu của cơ thể.
  • Giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các bệnh nhiễm trùng cơ hội như tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi và các rối loạn chuyển hóa thường gặp ở bệnh nhân HIV.
  • Giúp kiểm soát các biến chứng, hạn chế các tác dụng phụ của thuốc điều trị HIV.

Chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm HIV giai đoan đầu tiên rất quan trọng, khi chưa có triệu chứng, cũng như trong tất cả các giai đoạn sau của bệnh.


Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng đối với bệnh nhân HIV, đặc biệt ở giai đoạn đầu của bệnh
Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng đối với bệnh nhân HIV, đặc biệt ở giai đoạn đầu của bệnh

2. Dinh dưỡng cho bệnh nhân đang điều trị HIV

Với những người đangg mắc căn bệnh thế kỷ này, việc lựa chọn cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất cần thiết. Vậy người có HIV nên ăn gì để hỗ trợ điều trị bệnh?

Theo đó, chế độ dinh dưỡng cho người HIV cần thêm khoảng 10 – 50% nhu cầu năng lượng so với người không bị HIV. Tuy nhiên, tùy vào mức độ, giai đoạn của bệnh; lứa tuổi nhiễm bệnh để thiết lập dinh dưỡng HIV cho người nhiễm bệnh.

2.1.Nhu cầu năng lượng đối với người nhiễm HIV

  • Chế độ dinh dưỡng HIV giai đoạn chưa có triệu chứng: Tăng 10% nhu cầu năng lượng so với người không nhiễm HIV cùng tuổi, giới tính.
  • Chế độ dinh dưỡng HIV giai đoạn có triệu chứng: Cần tăng 20-30% nhu cầu năng lượng so với người không nhiễm HIV cùng tuổi, giới.
  • Chế độ dinh dưỡng cho người lớn nhiễm HIV có triệu chứng và có mắc nhiễm trùng cơ hội: Tăng thêm 50% nhu cầu năng lượng so với người không bị nhiễm HIV cùng tuổi, giới.
  • Trẻ em bị nhiễm HIV: Chưa có triệu chứng tăng 10% năng lượng; có triệu chứng tăng 20%–30% năng lượng; nếu có dấu hiệu sút cân thì tăng 50% nhu cầu năng lượng so với trẻ không bị nhiễm HIV cùng tuổi và giới.

2.2. Cân bằng giữa các dạng thức ăn

  • Các dạng thức ăn tinh bột:

Người bị HIV bổ sung thêm gạo nguyên vỏ, bánh mì, khoai mì, ngũ cốc, chuối xanh, hạt kê, bột ngô, khoai tây, mì sợi, gạo ... vì dạng thức ăn tinh bột chiếm khoảng một phần ba lượng thức ăn mỗi ngày. Chúng cung cấp carbohydrate để chuyển hóa thành năng lượng cũng như các khoáng chất, vitamin và chất xơ nuôi cơ thể.

  • Trái cây và rau xanh:

Chúng cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất xơ. Hãy cố gắng ăn tối thiểu năm khẩu phần trái cây hoặc rau mỗi ngày vì chúng có thể giúp ngăn ngừa ung thư và bệnh tim mạch.

  • Chất béo:

Chất béo là một thành phần cần thiết trong chế độ dinh dưỡng HIV đối với trường hợp không bị tiêu chảy, kém hấp thu mỡ. Ăn các chất béo như chất béo trong dầu cá, các loại hạt, quả bơ, dầu ô liu và dầu thực vật. Các chất béo có trong thịt, phô mai, bơ , thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng cholesterol, do đó chỉ nên ăn một lượng nhỏ.

  • Vitamin và chất khoáng

Các vitamin và chất khoáng đóng vai trò quan trọng đối với tăng cường khả năng miễn dịch cho người nhiễm HIV nên đây là nhóm cần thiết đối với dinh dưỡng HIV cho người bệnh.

Cung cấp đủ các vitamin và chất khoáng này có thể giúp người nhiễm HIV làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn đối phó với HIV và cải thiện hệ miễn dịch của mình. Đừng quên kết hợp việc ăn uống với các chương trình tập thể dục để tối đa hóa hiệu quả của cả hai.


Người bệnh cần cân bằng chế độ ăn uống, duy trì chế độ ăn lành mạnh
Người bệnh cần cân bằng chế độ ăn uống, duy trì chế độ ăn lành mạnh

2.3. Chế biến thức ăn và đồ uống an toàn

Hãy đảm bảo rằng các loại thức ăn mà người bệnh ăn hoặc chế biến là thật sự an toàn bởi hệ thống miễn dịch của những người nhiễm HIV rất yếu. Các vi trùng có thể dễ dàng xâm nhập cơ thể từ các nguồn thức ăn và chế biến không sạch. Do vậy, khi chế biến thức ăn cần lưu ý:

  • Rửa tay thật kỹ ttrước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.
  • Thường xuyên lau chùi nơi nấu ăn và bàn ghế bằng xà phòng và nước sạch.
  • Dùng nước sạch để nấu ăn và để uống.
  • Rửa tất cả rau, hoa quả bằng nước sạch. Bạn có thể pha một ít muối vào để làm sạch.
  • Ăn chín uống sôi. Không nên ăn sống, ăn tái vì dễ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa.
  • Không để ruồi và các động vật khác chạm vào thức ăn.
  • Không ăn thức ăn thừa từ các buổi tối trước, trừ khi nó được bảo quản ở nơi sạch và mát.
  • Tránh những thức ăn hoặc đồ uống gây đau dạ dày và gây tiêu chảy, gồm cả trà đặc và cà phê...

3. Đối phó với một số biến chứng của HIV

Trong một số tình huống cụ thể như tiêu chảy, sốt kéo dài, đau miệng ... người nhiễm HIV nên ăn uống theo cách sau để hạn chế những nguy cơ trên:

  • Khi đang bị tiêu chảy: Hãy chia nhiều bữa trong ngày, ăn thức ăn mềm khi còn ấm, ăn hoa quả mềm, nên ăn nhiều rau có chất xơ. Uống nhiều nước, uống thêm dung dịch Oresol.
  • Khi đang bị sốt: Ăn những thức ăn lỏng dễ tiêu, chia nhiều bữa trong ngày, ăn thức ăn mềm, có thể ăn cháo khi còn ấm, ăn hoa quả mềm. Uống nhiều nước, uống thêm dung dịch Oresol (ORS), uống nước dừa tươi cũng rất tốt vì có năng lượng vitamin và khoáng chất.
  • Khi bị buồn nôn và nôn ói: hãy ngồi ăn, chỉ nằm sau khi ăn 1 - 2h. Uống thêm nước sau khi ăn. Nhờ người khác nấu ăn giùm để không ngửi thấy mùi thức ăn làm tăng cảm giác buồn nôn. Uống chút nước chanh nóng, uống trà gừng
  • Đang bị đau miệng, đau họng hoặc nuốt đau khi ăn: Nên ăn thức ăn mềm, uống đồ uống mát lạnh, súp, rau và nước hoa quả, sử dụng ống hút để uống. Viêm lợi không đánh răng được thì súc miệng bằng dung dịch Bicarbonate với nước.
  • Khi đau họng: Hãy vắt chanh và trộn với mật ong, uống 1 thìa to khi cần thiết. Súc miệng bằng nước muối hoặc ngậm chanh muối hay gừng.
  • Nếu bị táo bón: Hãy ăn nhiều hoa quả và rau có nhiều chất xơ như rau khoai lang, củ khoai lang. Uống nhiều nước và đi bộ nhiều trong ngày.
  • Cảm giác đầy bụng: Không uống quá nhiều nước khi ăn. Tránh ăn các loại thức ăn như bắp cải, đậu, hành, súp lơ, ... không uống nước ngọt có ga.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp Gói Khám, Sàng lọc các bệnh xã hội giúp cho khách hàng có thể phát hiện sớm các bệnh lý và có hướng điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Gói khám sàng lọc các bệnh xã hội tại Vinmec dành cho mọi lứa tuổi, cả nam giới và nữ giới.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe