Xuất huyết não là vấn đề có thể gặp ở bất cứ ai, trong đó phổ biến hơn cả là trẻ sơ sinh. Do di chứng xuất huyết não ở trẻ sơ sinh vô cùng nguy hiểm, bởi thế việc áp dụng các giải pháp điều trị sớm là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.
1. Nguyên nhân xuất huyết não ở trẻ sơ sinh là gì?
Xuất huyết não là khái niệm để chỉ tình trạng một mạch máu não bị vỡ, rò rỉ gây chảy máu não và màng não. Với trẻ sơ sinh, hiện tượng này thường xuất hiện ở lớp màng xương sọ, phổ biến ở những trẻ sinh non hoặc mẹ mang thai khi lớn tuổi dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó có tử vong.
Một số nguyên nhân thường dẫn đến hiện tượng này gồm có:
- Trẻ đẻ non: Theo các tài liệu khảo sát, có khoảng 15 - 20 % trẻ đẻ non, trẻ non tháng < 32 tuần hoặc cân nặng < 1.500gr xuất hiện hiện tượng xuất huyết vùng mầm hoặc trong não thất.
- Một số yếu tố nguy cơ: Các vấn đề bao gồm ngạt, chấn thương, toan chuyển hóa, hồi sức phòng sinh kéo dài, giảm oxy máu, tăng hoặc giảm C02 máu, co giật, viêm ruột hoại tử cũng được xem là những nguyên nhân có nguy cơ dẫn đến xuất huyết não.
- Ảnh hưởng từ mẹ: Nếu thai phụ sử dụng thuốc chống đông, viêm màng ối, đây cũng được xem là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng xuất huyết não ở trẻ.
- Liên quan tới vitamin K: Vấn đề này có thể gây rối loạn đông máu, cơ thể dễ chảy máu.
- Do tác dụng phụ của thuốc: Nếu mẹ bầu sử dụng các loại thuốc như isoniazid, rifampicin, barbiturat hoặc nhiễm dioxin trong thời kỳ mang thai, lúc này trẻ sẽ dễ bị xuất huyết não hơn so với thông thường.
2. Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm gì không?
Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh mắc xuất huyết não thường khá cao, rơi vào khoảng 25 - 45%. Trong trường hợp trẻ sống sót cũng sẽ gây tổn thương thần kinh nặng, để lại nhiều di chứng nặng nề như liệt vận động, động kinh, chậm phát triển, trẻ bị tàn tật suốt đời, ứ nước não thất.
Ngoài ra, điểm đáng chú ý là không phải lúc nào trẻ bị xuất huyết não cũng có biểu hiện sớm và rõ ràng. Một số cuộc khảo sát được thực hiện cho thấy có khoảng 5/10.000 trẻ sơ sinh bị xuất huyết não không có triệu chứng, chỉ khi bệnh biến chứng nặng mới phát hiện ra nên kết quả điều trị không cao.
3. Giải pháp điều trị xuất huyết não ở trẻ sơ sinh
Việc điều trị xuất huyết não ở trẻ sơ sinh cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện chăm sóc và điều trị. Nếu bé xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bị xuất huyết não, bố mẹ cần sớm đưa trẻ tới bệnh viện để chẩn đoán xác định.
Những dấu hiệu nhận biết điển hình gồm có:
- Tiền căn sản khoa: Trẻ đẻ non, cân nặng lúc sinh thấp, khi sinh bị ngạt, sang chấn sản khoa, trẻ không được tiêm vitamin K lúc sinh, mẹ từng sử dụng các thuốc như phenobarbital, chống đông khi mang thai.
- Trẻ có biểu hiện thiếu máu: Da xanh niêm mạc nhạt (tuy nhiên giai đoạn đầu thường khó nhận biết), rối loạn nhịp thở, xanh tím có cơn ngừng thở >20s, bỏ bú hoặc bú ít, mệt mỏi lừ đừ, khóc thét, co giật nhẹ, thóp phồng.
Khi đưa đến bệnh viện, trẻ sẽ được tiến hành cầm máu, ngăn ngừa chảy máu màng não. Nếu xuất hiện các ổ tụ máu sẽ cần can thiệp phẫu thuật loại bỏ. Nếu nguyên nhân xuất huyết do thiếu Vitamin K, trẻ sẽ cần được tiêm bổ sung Vitamin K, bổ sung kết hợp với chăm sóc đặc biệt.
Với những trẻ xuất huyết não nặng rơi vào hôn mê, không bú sẽ được cần được theo dõi đặc biệt, hỗ trợ thở và bổ sung dinh dưỡng.
Mặc dù áp dụng các giải pháp điều trị trên nhưng tỉ lệ trẻ tử vong và di chứng do xuất huyết não ở mức khá cao. Vì thế, việc dự phòng bệnh là điều cần được ưu tiên hàng đầu.
4. Giải pháp phòng ngừa bệnh xuất huyết não ở trẻ
Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh có thể để lại nhiều di chứng cho trẻ nên việc phòng ngừa là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.
Với mẹ bầu, bạn cần chú ý chăm sóc sức khỏe và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ ở thời kỳ mang thai. Những thực phẩm giàu Vitamin K mà bạn nên ưu tiên sử dụng gồm thịt bò, thịt lợn nạc, trứng gà, ngũ cốc, rau xanh, trứng gà, sữa,... Khi được chẩn đoán thiếu Vitamin K, mẹ bầu có thể tiêm bắp 5mg vào 2 tuần cuối trước khi sinh.
Sau khi sinh, trẻ vẫn cần nhận Vitamin K từ sữa mẹ hoặc bổ sung từ bên ngoài bằng cách tiêm bổ sung Vitamin K (Thông thường tiêm 1 mũi Vitamin K1 1mg hoặc Vitamin K3 2mg). Trẻ sơ sinh cũng có thể uống vitamin K với liều 3 lần, sau khi sinh, lúc 7 ngày tuổi và 1 tháng tuổi (Mỗi lần 2mg).
Trên đây là những thông tin cần biết về xuất huyết não ở trẻ sơ sinh mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo. Do việc điều trị bệnh thường gặp nhiều khó khăn, thế nên bố mẹ cần áp dụng các giải pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.