Viêm màng ngoài tim là một tình trạng bệnh lý có nguồn gốc do phản ứng viêm của màng ngoài tim với các triệu chứng chính là đau ngực, tiếng cọ màng ngoài tim và các biến đổi điện tâm đồ. Bệnh hay gặp ở nam giới hơn so với nữ giới. Vậy viêm màng ngoài tim điều trị thế nào?
1. Nguyên nhân viêm màng ngoài tim
Túi màng ngoài tim, hay màng ngoài tim, bao gồm hai lớp, được ngăn cách bởi một lượng nhỏ dịch. Dịch này giữ cho chuyển động giữa hai lớp màng được trơn tru.
Nếu màng ngoài tim bị nhiễm trùng và sưng phù, hai lớp sẽ tiếp xúc với nhau, gây ra ma sát.
Trong nhiều trường hợp, không tìm được nguyên nhân chính gây viêm màng ngoài tim. Do đó nó còn được gọi là viêm màng ngoài tim vô căn. Nhiều trường hợp được cho là do nhiễm vi rút mà không phát hiện được.
Các loại vi rút sau có liên quan đến viêm màng ngoài tim cấp tính:
- Enterovirus, bao gồm cả cảm lạnh thông thường và viêm màng não do vi rút;
- HIV;
- Sốt viêm tuyến bạch cầu;
- Herpes simplex;
- Cytomegalovirus;
- Adenoviruses bao gồm viêm phổi và viêm phế quản;
- Bệnh cúm mùa;
- Viêm gan C.
Viêm màng ngoài tim thường xuất hiện sớm sau một cơn đau tim. Điều này được cho là do các cơ tim bên dưới bị kích thích. Tương tự, viêm màng ngoài tim có thể xảy ra sau phẫu thuật tim.
Thỉnh thoảng, viêm màng ngoài tim sẽ xảy ra vài tuần sau một cơn đau tim hoặc phẫu thuật, điều này còn được gọi là hội chứng Dressler. Trong trường hợp này, nguyên nhân có khả năng là do bệnh tự miễn.
Các nhà nghiên cứu tin rằng mô tim chết đi vào máu và hoạt động như một kháng nguyên, kích hoạt phản ứng miễn dịch. Cơ thể phản ứng nhầm với các mô của tim và màng ngoài tim.
Các nguyên nhân khác của viêm màng ngoài tim bao gồm:
- Rối loạn nhiễm trùng hệ thống, bao gồm viêm khớp dạng thấp hoặc lupus;
- Chấn thương;
- Suy thận;
- Ký sinh trùng;
- Xạ trị;
- Nấm, như histoplasmosis và Candida;
- Các tình trạng tiềm ẩn, như AIDS, ung thư và bệnh lao;
- Suy giáp;
- Một số loại thuốc, bao gồm penicillin, warfarin và phenytoin.
2. Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng cơ năng:
- Đau ngực do viêm màng ngoài tim thường đau ở sau xương ức, đau buốt, có thể mức độ nặng dữ dội nhưng cũng có thể âm ỉ kéo dài suốt ngày, đau thường lan lên cổ và ra sau lưng. Thường kèm theo sốt và dấu hiệu đau mỏi cơ như các trường hợp nhiễm virus thông thường.
- Khó thở đôi khi có thể gặp, nhưng thông thường xuất hiện sau giai đoạn đau ngực khi viêm màng ngoài tim cấp diễn biến thành tràn dịch màng ngoài tim.
- Bệnh nhân thường cảm giác căng thẳng, buồn bã và khó chịu.
Triệu chứng thực thể:
- Nghe tim là dấu hiệu chủ yếu để chẩn đoán. Nghe thấy có tiếng cọ màng ngoài tim. Vị trí tốt nhất để nghe thấy tiếng cọ màng ngoài tim là ở phía thấp của bờ trái xương ức, khi bệnh nhân ngồi hơi cúi ra trước và hít sâu vào rồi nín thở.
3. Phác đồ điều trị viêm màng ngoài tim
Việc lựa chọn phác đồ điều trị viêm màng ngoài tim tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng cùng như nguyên nhân gốc rễ của bệnh. Vậy viêm màng ngoài tim điều trị thế nào?
Một số trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ, không cần can thiệp gì mà bệnh có thể thường tự khỏi.
Khi cần thiết, sử dụng thuốc là lựa chọn đầu tiên.
Các thuốc thường được sử dụng như:
- Thuốc giảm đau: thường được bác sĩ chỉ định các thuốc như aspirin hay ibuprofen, có thể giúp giảm đau và nhiễm trùng trong viêm màng ngoài tim. Trường hợp đau nhiều có thể sử dụng các thuốc có tác dụng giảm đau nhiều hơn nhưng phải có chỉ định của bác sĩ.
- Colchicine (Colcrys): Trong trường hợp viêm màng ngoài tim có triệu chứng đau nhiều hoặc tái phát, có thể sử dụng colchicine. Tác dụng của thuốc này là chống viêm, có thể giảm thời gian và ngăn ngừa bệnh tái phát. Tuy nhiên, nhiều người mắc các bệnh hiện có như bệnh gan hoặc thân, thì chống chỉ định dùng thuốc này. Một số tác dụng phụ không mong muốn bao gồm đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
- Corticosteroid: Trường hợp sử dụng cả hai loại thuốc trên nhưng không có tác dụng có thể nghĩ đến việc dùng corticosteroid. Nguyên nhân là do tiêm steroid trong đợt viêm màng ngoài tim cấp tính, sẽ có nguy cơ bị tái phát. Do đó, steroid là lựa chọn cuối cùng. Các tác dụng phụ không mong muốn bao gồm tăng cân, tâm trạng thay đổi và tăng tiết mồ hôi.
Điều trị chọc dẫn lưu dịch màng ngoài tim qua da (tràn dịch màng tim có ép tim): Chỉ định khi người bệnh có tình trạng tràn dịch nhiều, có ảnh hưởng đến huyết động hay trong trường hợp cần chọc dò để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Can thiệp phẫu thuật: chỉ thực hiện ở những bệnh viện lớn với bác sĩ chuyên ngành và đầy đủ trang thiết bị, bao gồm việc can thiệp như sau:
- Mở dẫn lưu màng ngoài tim ở dưới xương ức thường chỉ định cho trường hợp người bệnh mắc viêm màng ngoài tim do nguyên nhân từ ung thư.
- Phẫu thuật cắt màng ngoài tim trong trường hợp người bệnh bị tràn dịch tái phát nhiều lần hay viêm co thắt màng ngoài tim.
Điều trị theo nguyên nhân:
- Viêm màng ngoài tim do virus.
- Viêm màng ngoài tim do lao.
- Viêm màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim: Chỉ định dùng Aspirin là lựa chọn điều trị đầu tiên. Chống chỉ định các thuốc kháng viêm không steroid do có thể gây co thắt động mạch vành, còn các thuốc steroid thì lại có thể gây thủng tim trong viêm màng ngoài tim sau nhồi máu co tim cấp.
- Hội chứng Dressler: Đây là tình trạng hiếm gặp xuất hiện vài tuần cho đến vài tháng sau nhồi máu cơ tim với tỷ lệ gặp khoảng 1%. Triệu chứng bệnh thường gặp là sốt, tràn dịch màng phổi, tiếng cọ màng tim, màng phổi, xỉu và đau ngực nhiều. Điều trị bằng việc dùng thuốc giảm đau Aspirin và thuốc chống viêm không steroid, yêu cầu người bệnh nghỉ ngơi tại giường, tránh hoạt động mạnh.
- Hội chứng sau mở màng ngoài tim: Tương tự như hội chứng Dressler, xuất hiện khoảng một tuần sau phẫu thuật. Đa số bệnh thường có thể tự khỏi, không cần điều trị gì. Tuy nhiên, cũng có trường hợp kéo dài vài tuần. Điều trị bằng Aspirin, chống viêm không steroid, chỉ định dùng Corticoid cho người bệnh khi không đáp ứng với điều trị trên.
- Viêm màng ngoài tim do tăng urê máu: Thận trọng khi điều trị bằng các thuốc chống viêm không Steroid, một số trường hợp sử dụng Steroid có thể đạt hiệu quả cao. Điều trị dẫn lưu dịch màng ngoài tim qua da. Đa số người bệnh được chỉ định thực hiện lọc máu khi viêm màng ngoài tim do tăng urê máu nếu có triệu chứng. Nếu tràn dịch màng tim số lượng nhiều với tăng bạch cầu, sốt hay có ép tim thì việc chọc dẫn lưu dịch màng tim là cần thiết. Điều trị ngoại khoa: chỉ thực hiện tại cơ sở y tế có trung tâm mổ tim với đầy đủ tiện nghi. Mở màng ngoài tim dưới xương ức, cắt màng ngoài tim tối thiểu được chỉ định cho các trường hợp tái phát nhiều lần hoặc không hút dẫn lưu dịch qua da được.
- Viêm màng ngoài tim do ung thư:
Điều trị bằng cách dẫn lưu dịch màng ngoài tim qua da: Chọc dẫn lưu dịch màng tim: Nên thực hiện phối hợp dưới sự hướng dẫn của siêu âm, chỉ định cho các trường hợp người bệnh có nhiều triệu chứng của tình trạng tràn dịch màng ngoài tim. Dùng bóng nong màng ngoài tim là kỹ thuật nguy hiểm hơn, chỉ nên áp dụng ở các bệnh nhân tái phát tràn dịch màng ngoài tim nhiều lần.
Phẫu thuật: Khi người bệnh cần can thiệp bằng phẫu thuật như mở màng ngoài tim dưới xương ức. Làm cứng màng ngoài tim bằng Tetracycline với nước muối sinh lý. Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp các biến chứng như đau nhiều, rối loạn nhịp và sốt. Cắt màng ngoài tim là loại can thiệp không phải là lựa chọn hàng đầu cho các bệnh nhân tràn dịch màng ngoài tim do ung thư.
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin hữu ích về điều trị bệnh viêm ngoài màng tim. Người bệnh ngay khi phát hiện các triệu chứng điển hình của bệnh, hãy đến Bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.