Điều trị và xử trí hạ Kali máu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng trong đó nồng độ kali trong máu thấp hơn so với mức bình thường; Hạ kali trong máu được coi là cấp cứu nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

1. Hạ Kali máu là gì?

Kali chủ yếu là một ion nội bào cần thiết để duy trì điện thế màng tế bào. Khoảng 2% tổng lượng kali cơ thể có trong ngăn ngoại bào. Những thay đổi trong ion này ảnh hưởng chủ yếu đến hệ tim mạch, thần kinh cơ và hệ tiêu hóa. Mức kali trong máu thường là 3,5 - 5,5 mmol/L. Nồng độ kali trong máu cao hơn 6.0 mmol/L hay thấp hơn 2.5mmol/L có thể nguy hiểm và cần phải điều trị ngay lập tức.

Hạ kali máu được đánh giá theo từng mức độ như sau:

  • Mức độ nhẹ: Hạ kali máu không có triệu chứng lâm sàng và điện tâm đồ.
  • Mức độ vừa: Hạ kali máu có thể có chướng bụng, chuột rút, điện tâm đồ có sóng T dẹt, đoạn ST chênh xuống nhưng không có các triệu chứng nặng như rối loạn nhịp tim nặng nề, liệt thần kinh cơ.
  • Mức độ nặng: Hạ kali máu có các triệu chứng nặng trên lâm sàng (rối loạn nhịp tim hoặc yếu cơ, liệt, hoặc hội chứng tiêu cơ vân cấp).

Nguyên nhân Hạ Kali máu:

Đi vào nội bào Mất qua thận Mất ngoài thận Giảm cung cấp
Nhiễm kiềm cấp tính Lợi tiểu Tiêu chảy Suy dinh dưỡng
Tăng thông khí Kiềm chuyển hóa Mất mồ hôi quá mức Nghiện rượu
Insulin Nhiễm toan ĐTĐ Hút dịch sonde dạ dày Chán ăn mạn tính
Đồng vận Beta adrenergic Tổn thương ống thận
Thuốc (lợi tiểu,
aminoglycosides,
amphotericin B)
Hạ magne máu
Cường Aldosteron
Hội chứng Cushing

2. Biểu hiện của hạ Kali máu

Kali máu có vai trò quan trọng trong hệ thống thần kinh cơ, cả cơ tim vì vậy các biểu hiện của hạ kali máu chủ yếu ở hệ thống tim mạch và thần kinh cơ.

Các biểu hiện ở tim mạch bao gồm:

  • Mạch nảy yếu
  • Huyết áp tối thiểu giảm, hạ huyết áp tư thế
  • Nghe tim có tiếng thổi tâm thu.
  • Điện tim thấy có sóng U, đoạn ST dẹt, ngoại tâm thu các loại, đặc biệt nguy hiểm là khi kali máu giảm nặng thường có đoạn QT kéo dài và loạn nhịp kiểu xoắn đỉnh, vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân nếu không được bù đủ kali kịp thời.

Các biểu hiện ở cơ như: Yếu cơ ( tứ chi,cơ hô hấp...), đau cơ, co rút cơ, tiêu cơ vân. Các biểu hiện ở tiêu hóa như: Bụng chướng, giảm nhu động ruột, táo bón, nôn, buồn nôn.


Hạ kali máu gây giảm huyết áp
Hạ kali máu gây giảm huyết áp

3. Điều trị hạ Kali máu

  • Mục tiêu điều trị hạ kali máu ngăn ngừa các biến chứng đe dọa tính mạng của hạ kali máu như rối loạn nhịp tim, liệt cơ...
  • Người bệnh hạ kali máu nặng kali ≤ 2,5 mmol/l, có triệu chứng liệt cơ và dấu hiệu trên điện tim cần phải xử trí ngay lập tức bằng cách truyền qua đường tĩnh mạch.
  • Cần phải tìm và xử lý nguyên nhân gây hạ kali máu

Tùy từng trường hợp mà có phương pháp điều trị khác nhau:

  • Hạ kali nhẹ (trên 3,0mmol/l) có thể được điều trị bằng cách bổ sung kali clorua theo đường uống. Vì đây thường là một phần của chế độ dinh dưỡng kém, các thực phẩm chứa kali có thể được khuyên dùng như cà chua, cam (trái cây) hay chuối. Bổ sung kali bằng chế độ ăn và thuốc được dùng ở bệnh nhân điều trị với thuốc lợi tiểu.
  • Những người có nồng độ kali thấp nhẹ hoặc vừa phải (2,5-3,5 mEq/l), những người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chỉ cần uống kali dưới dạng viên hoặc dạng lỏng.
  • Nếu có loạn nhịp tim hoặc các triệu chứng quan trọng hay nếu mức kali thấp dưới 2,5 mEq /l, bệnh nhân cần được truyền kali tĩnh mạch. Trong tình huống này, bạn cần được nhập viện hoặc theo dõi tại khoa cấp cứu được chỉ định. Kali được truyền rất chậm vào tĩnh mạch và theo dõi kỹ lưỡng trong nhiều giờ để tránh các vấn đề nghiêm trọng về tim và tránh kích ứng mạch máu chỗ đặt kim truyền.
  • Đối với những người hạ kali máu nghiêm trọng và biểu hiện các triệu chứng, phải sử dụng cả kali để truyền tĩnh mạch và uống.
  • Trường hợp hạ kali máu có biến đổi trên điện tim, theo dõi điện tim liên tục trên máy theo dõi cho đến khi điện tim trở về bình thường.
  • Khi hạ kali máu nên bổ sung kali qua chế độ dinh dưỡng như cà chua, cam, chuối.

Sơ đồ xử lý hạ kali máu
Sơ đồ xử lý hạ kali máu

4. Một số lưu ý khi điều trị hạ kali máu

  • Theo dõi xét nghiệm kali máu. Hạ kali mức độ nặng 3 giờ/lần, mức độ vừa 6 giờ/lần, mức độ nhẹ 24 giờ/lần cho đến khi kali máu trở về bình thường.
  • Tránh truyền đường glucose ở người bệnh hạ kali máu sẽ gây tăng bài tiết insulin làm giảm kali máu.
  • Tốc độ và liều lượng cần theo đúng phác đồ.
  • Liệu pháp thay thế kali sẽ được tiến hành tuỳ theo phân loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Việc điều trị hạ kali máu bắt đầu ngay khi các xét nghiệm xác định chẩn đoán.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe