Ở người suy thận giai đoạn cuối thường có rất nhiều nguy cơ do thận đã hoàn toàn mất chức năng và một trong những biến chứng nguy hiểm đó là biến chứng do tăng kali máu.
1. Vai trò của kali trong cơ thể
Kali là một chất điện giải vô cùng quan trọng của cơ thể với vai trò không thể thiếu trong các hoạt động thần kinh-cơ. Thừa kali luôn là một mối đe dọa tiềm tàng cho tính mạng bệnh nhân do kali máu tăng thường gây ra triệu chứng loạn nhịp tim nguy hiểm.
Tổng lượng kali trong toàn cơ thể ( bao gồm trong tế bào, khoảng kẽ và trong máu vào khoảng 50 mEq/kg cân nặng với 98% lượng kali ở trong tế bào. Nồng độ kali máu bình thường từ 3,5-5 mEq/L. Khi lượng kali máu >5 mEq/L được gọi là tăng kali máu và khi lượng kali tăng >6,5 mEq/L có thể gây những loạn nhịp nguy hiểm cho bệnh nhân.
Lượng kali máu thay đổi phụ thuộc vào lượng kali ở trong, ngoài tế bào và lượng kali mất qua thận, qua mồ hôi, qua phân. Một chế độ ăn bình thường cũng đảm bảo tương đối đầy đủ cho việc bổ sung lượng kali mất hàng ngày.
Kali được đưa vào cơ thể chủ yếu qua thức ăn. Một phần là qua việc các tế bào trong cơ thể ( như hồng cầu) phân hủy giải phóng ra và đôi khi do tiêm truyền các loại thuốc, dịch có chứa nhiều kali dẫn đến tăng kali máu.
2. Tăng kali máu ở bệnh nhân suy thận
Thận là cơ quan chính chịu trách nhiệm cho sự điều hòa kali. Có thể nói, khi chức năng thận còn tốt, lượng kali máu không bao giờ vượt quá ngưỡng tăng. Vì thế, khi thận bị suy, đặc biệt là những trường hợp suy hoàn toàn phải lọc máu chu kỳ hoặc lọc màng bụng, lượng kali luôn có xu hướng tăng cao trong máu.
Triệu chứng của tăng kali máu nói chung là nghèo nàn, bệnh nhân chỉ thấy cảm giác yếu cơ, liệt cơ, đau mỏi các bắp chân, bắp tay, dị cảm, chuột rút, buồn nôn, nôn. Các triệu chứng tim mạch luôn có và là biến chứng vô cùng nguy hiểm. Bệnh nhân sẽ có cảm giác đánh trống ngực, nhịp tim bị bỏ nhịp ( ngoại tâm thu), nặng hơn sẽ có tụt huyết áp, ngừng tim và bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
3. Phác đồ điều trị tăng kali máu ở bệnh nhân suy thận
3.1. Nguyên tắc chung
Đảm bảo 3 bước CAB trong cấp cứu nói chung. Theo dõi điện tâm đồ, huyết áp và SpO2. Xét nghiệm ure, creatinin và điện giải đồ, tình trạng nhiễm acid chuyển hóa.
- Ngừng cung cấp kali dưới mọi hình thức (trong chế độ ăn, kali đường uống, dung dịch tĩnh mạch, nuôi dưỡng ngoài đường tiêu hóa).
- Ngừng và tránh các loại thuốc có chứa kali (penicillin K).
- Ngừng và tránh các thuốc giữ kali (lợi tiểu giữ kali, ức chế men chuyển angiotensin), hoặc thuốc gây tái phân phối kali (succinylcholine).
- Điều trị các yếu tố làm chuyển kali ra ngoài tế bào (toan hóa máu, thiếu insulin, tăng áp lực thẩm thấu).
- Theo dõi kali huyết thanh một cách thường quy, xét nghiệm lại mỗi 2 giờ trong những trường hợp nặng.
3.2. Điều trị cụ thể
Khi bệnh nhân suy thận mạn có các biểu hiện nghi ngờ do tăng kali máu, lập tức dừng tất cả các nguồn đang đưa kali vào cơ thể như các loại thuốc hoặc dịch truyền có chứa kali. Sau đó nhanh chóng xác định xem bệnh nhân có tăng kali máu thực sự hay không. Nếu có tăng kali máu, nhanh chóng làm giảm nồng độ kali bằng các biện pháp như:
Đẩy kali từ máu vào trong tế bào (tổng lượng kali trong toàn cơ thể vào khoảng 3.500mEq trong đó, lượng kali máu chỉ xấp xỉ 20mEq nên khả năng chứa kali của tế bào là rất lớn) bằng truyền insulin nhanh với dung dịch đường glucose (10, 20%); khí dung thuốc kích thích beta 2 giao cảm như salbutamol, albuterol; kiềm hóa máu bằng dung dịch natribicarbonate...
Dùng thuốc đối kháng đều làm giảm hoặc mất tác dụng gây loạn nhịp của kali bằng tiêm hoặc truyền canxi.
Tất cả các biện pháp này chỉ làm giảm kali ở máu mà không làm giảm kali thực sự nên khi các thuốc hết tác dụng, lượng kali máu lại tăng cao. Vì vậy, cuối cùng việc loại bỏ lượng kali thừa ra khỏi cơ thể vẫn là quan trọng hàng đầu. Các biện pháp bao gồm tăng thải kali qua nước tiểu bằng các thuốc lợi tiểu mạnh, lọc màng bụng hoặc chạy thận nhân tạo (lọc máu chu kỳ hoặc lọc máu liên tục) để loại bỏ kali ra ngoài. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng nhựa trao đổi ion để loại bỏ kali qua đường ruột bằng cách cho bệnh nhân uống sodium polystyrene sulfonate resin với liều 25-50 g kết hợp với sorbitol để gây tiêu chảy kéo kali ra khỏi cơ thể.
Ở bệnh nhân suy thận mạn, luôn phải cảnh giác việc tăng kali máu vì vậy cần chú ý tới một số biện pháp dự phòng như: Không uống, tiêm truyền những thuốc hoặc dung dịch có chứa kali, chế độ ăn hàng ngày cũng phải tránh những thực phẩm có chứa nhiều kali như chuối, đu đủ, sữa có nhiều kali. Và thường xuyên chú ý những dấu hiệu của tăng kali máu và làm xét nghiệm thường xuyên để kiểm tra. Tuân thủ đúng lịch lọc màng hoặc lọc máu chu kỳ để loại bỏ lượng kali thừa.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để xác định nguy cơ bệnh và có hướng điều trị khoa học.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.