Điều trị u xơ tử cung không cần phẫu thuật với chế độ ăn lành mạnh, sử dụng các loại thảo mộc tốt cho sức khỏe phụ nữ,... là những cách đơn giản nhất. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể tham khảo các biện pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà, kiểm soát căng thẳng để hỗ trợ giảm bớt các triệu chứng của bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Sức khoẻ phụ nữ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. U xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung là sự phát triển của khối u (thường có cấu trúc xơ xen lẫn cơ) trong tử cung của bạn. Một số nghiên cứu ước tính rằng từ 20% đến 80% phụ nữ khi đến tuổi 50 có thể mắc u xơ. U xơ tử cung còn được biết đến dưới các tên gọi như "khối u lành tính", "u cơ tử cung".
Mặc dù đa số 99% trường hợp u xơ tử cung là lành tính nhưng vẫn có thể gây ra những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe như băng huyết, rong huyết, thiếu máu, đau bụng...,và vấn đề điều trị nên khá nhiều người quan tâm nhất là “điều trị u xơ tử cung không cần phẫu thuật có được không?”.
2. Triệu chứng và yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh u xơ tử cung
2.1 Triệu chứng
Đa số bệnh nhân không nhận biết bản thân đang mắc bệnh u xơ do dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tùy thuộc vào kích thước, vị trí, và số lượng khối u xơ. Một số trường hợp không có bất kỳ triệu chứng nào thường được phát hiện khi khám sức khỏe, trong khi những bệnh nhân khác sẽ khám và phát hiện có u xơ tử cung khi có một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
- Băng kinh/ Rong kinh: lượng máu kinh ra nhiều lẫn máu cục, kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu máu, mệt mỏi.
- Ra máu bất thường: Có vết sẫm màu hoặc chảy máu giữa các chu kỳ kinh nguyệt.
- Dấu hiệu bị chèn ép vùng chậu: Cảm thấy nặng nề hoặc đau vùng chậu hoặc thắt lưng, tiểu nhiều lần, táo bón....
- Khó có thai.
2.2 Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh u xơ tử cung, bao gồm:
- Tuổi tác: Những người trong độ tuổi từ 30 đến 50 thường dễ mắc bệnh u xơ tử cung hơn.
- Cân nặng: Sự thừa cân hoặc béo phì có thể tăng nguy cơ mắc bệnh 2-3 lần.
- Di truyền: Người có tiền sử gia đình gắn liền với bệnh u xơ tử cung cũng có nguy cơ cao hơn.
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống không hợp lý làm tăng lượng estrogen làm tăng nguy cơ u xơ tử cung.
- Huyết áp cao.
3. Phương pháp điều trị u xơ tử cung không cần phẫu thuật
3.1 Chế độ dinh dưỡng - sinh hoạt
3.1.1 Kiểm soát cân nặng
Kết quả của một vài nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng béo phì và thừa cân đều tăng nguy cơ mắc u xơ tử cung, nguyên nhân là do các tế bào mỡ sản sinh lượng estrogen cao, làm tăng nguy cơ hình thành và phát triển khối u. Do vậy, kiểm soát cân nặng hỗ trợ việc ngăn ngừa hình thành cũng như hạn chế sự phát triển của u xơ tử cung. Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp kiểm soát cân nặng ổn định.
3.1.2 Những loại thực phẩm nên tránh
Các loại thực phẩm quá nhiều carbohydrat tinh chế, các loại thực phẩm có nguy cơ làm tăng đường huyết:
- Gạo trắng, mì ống, bột mì, ngũ cốc đóng hộp, khoai tây chiên, ngũ cốc đóng hộp..
- Các loại đồ uống có đường, nước uống có gas, Si rô
- Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều muối, đặc biệt là thực phẩm đã qua chế biến và đóng gói.
3.1.3 Những thực phẩm có ích
Các thực phẩm tự nhiên và không qua chế biến, giàu chất xơ , tạo cảm giác no sau khi ăn, hạn chế việc tăng cân, bao gồm:
- Rau củ quả/ trái cây.
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt - đậu - gạo
3.1.4 Các loại Vitamin và vi chất
Một vài nghiên cứu cho rằng nguy cơ mắc u xơ tử cung có thể tăng nếu cơ thể thiếu hụt vitamin D, vitamin A, Omega hoặc canxi, magie và photpho...có nguồn gốc từ thực phẩm động vật, như sữa... việc bổ sung phù hợp cần có sự thảo luận với bác sĩ.
3.2 Thuốc nội tiết
Nhóm thuốc Progesteon / GnRHas hoặc Ulipristal acetat.. làm chậm lại sự phát triển hoặc làm giảm kích thước của khối u tránh nguy cơ bị phẫu thuật, giúp giảm các triệu chứng do u gây ra như băng kinh, đau bụng. Bảo tồn được chức năng sinh sản cho những phụ nữ mong muốn có con. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc có các chỉ định và các tác dụng phụ riêng, bác sĩ sẽ tư vấn trong từng trường hợp cụ thể.
3.3 Thảo dược (Thuốc đông y)
Một số thảo dược với các thành phần như: ramulus cinnamomi (cành quế chi), radix paeoniae rubra (xích thược), radix paeoniae alba (bạch thược), cortex moutan (mẫu đơn bì), trà xanh... thường được sử dụng để làm chậm tốc độ phát triển của u xơ và có khả năng giảm bớt các triệu chứng.
3.4. Điều trị bằng sóng cao tần
Sử dụng sóng cao tần qua kênh cổ tử cung là thủ thuật dưới sự hỗ trợ hướng dẫn của siêu âm làm giảm kích thước khối u và giảm bớt triệu chứng.
3.5 Đốt niêm mạc tử cung
Sử dụng nhiệt năng loại bỏ niêm mạc tử cung, nguyên nhân gây ra chảy máu nặng.
3.6 Nút mạch
Là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Sau khi được an thần - giảm đau cục bộ, các hạt nhỏ sẽ được tiêm vào mạch làm tắc các mạch nuôi dưỡng u xơ làm u xơ co nhỏ lại. Bệnh nhân sau điều trị 5-10 ngày trở lại hoạt động bình thường.
3.7 Một số phương pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà
Việc chăm sóc tại nhà đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát căng thẳng và làm giảm sự nghiêm trọng bệnh u xơ tử cung. Bệnh nhân có thể thử áp dụng những phương pháp điều trị tại nhà sau:
- Chườm ấm hoặc chườm nóng tại các vùng cần thiết.
- Tắm nước ấm để giảm căng cơ và thư giãn tinh thần.
- Thực hiện yoga và tập thể dục nhẹ để giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
- Áp dụng liệu pháp xoa bóp để giảm căng cơ và cải thiện tuần hoàn máu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.