Điều trị u mô đệm đường tiêu hóa

U mô đệm đường tiêu hóa là bệnh lý ít gặp, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm và có phương án điều trị phù hợp.

1. Sơ lược về u mô đệm đường tiêu hóa

Bệnh lý u mô đệm đường tiêu hóa còn gọi là GIST (viết tắt của Gastrointestinal Stromal Tumor) - một loại ung thư của các mô liên kết và xương. Khối u mô đệm đường tiêu hóa có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên ống tiêu hóa (chủ yếu ở dạ dày, ruột non và đại trực tràng), thường gặp ở người 50 - 80 tuổi.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây các khối u đường tiêu hóa. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng phát hiện một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: Độ tuổi, giới tính, lối sống sinh hoạt, di truyền,... Bệnh có thể được nghi ngờ và phát hiện nếu có các triệu chứng như thiếu máu, đau bụng, có máu trong phân hoặc nôn ra máu,...

Khối u mô đệm đường tiêu hóa khởi phát tại đường tiêu hóa, có thể phát triển và ảnh hưởng tới các cơ quan, cấu trúc gần đó. Khối u cũng có thể lan sang các hạch bạch huyết, di căn tới các cơ quan xa hơn trên cơ thể. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ nâng cao cơ hội sống cho bệnh nhân.

2. Các phương pháp điều trị u mô đệm đường tiêu hóa

Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như: Kích thước khối u, số lượng tế bào phân chia, vị trí u nguyên phát, u đã di căn chưa, u đã bị vỡ chưa - nếu vỡ thì do tự vỡ hay do phẫu thuật,... Các phương pháp điều trị cụ thể gồm:

2.1. Phẫu thuật điều trị u mô đệm đường tiêu hóa

Đây là phương pháp cắt bỏ khối u và các mô lành lân cận. Với bệnh nhân bị u mô đệm đường tiêu hóa, phẫu thuật là cách điều trị chuẩn, nên thực hiện ngay khi có thể. Trong trường hợp khối u đã lan tới vị trí khác thì phẫu thuật sẽ khó lấy hết được nên bệnh sẽ không được trị khỏi hẳn. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể được cân nhắc nếu khối u vẫn khu trú, chưa lan rộng.

Trước khi phẫu thuật, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể gặp trong và sau thủ thuật này.

2.2. Liệu pháp sử dụng thuốc điều trị u mô đệm đường tiêu hóa

Đây là phương pháp sử dụng thuốc để phá hủy tế bào ung thư. Với phương pháp này, bác sĩ đưa thuốc vào máu bệnh nhân (qua đường uống hoặc tiêm truyền), thuốc sẽ đi vào tế bào ung thư.

Phương pháp sử dụng thuốc cũng bao gồm liệu pháp nhắm trúng đích. Với phương pháp dùng thuốc, người bệnh có thể điều trị bằng 1 liệu pháp hoặc kết hợp nhiều liệu pháp với nhau. Đây cũng là một phần của kế hoạch điều trị.

Các bác sĩ sẽ liên tục đánh giá hiệu quả của những loại thuốc điều trị u mô đệm đường tiêu hóa. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về loại thuốc được sử dụng, tác dụng chính - phụ hoặc tương tác giữa các loại thuốc. Người bệnh cũng nên chia sẻ với bác sĩ về loại thuốc mà mình đang sử dụng vì chúng có thể tương tác với thuốc điều trị ung thư.


Phẫu thuật là cách điều trị chuẩn cho người bị u mô đệm đường tiêu hóa
Phẫu thuật là cách điều trị chuẩn cho người bị u mô đệm đường tiêu hóa

2.3. Liệu pháp nhắm trúng đích

Đây là liệu pháp điều trị nhắm vào gen, protein đặc trưng của u mô đệm đường tiêu hóa hoặc nhắm vào môi trường giúp khối u tồn tại và phát triển. Liệu pháp này giúp ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư, hạn chế nguy cơ tổn thương tới các tế bào lành.

Không phải mọi khối u đều có lựa chọn điều trị giống nhau. Các bác sĩ sẽ thực hiện nhiều xét nghiệm để tìm ra gen, protein hoặc yếu tố tác động tới khối u rồi đưa ra phương án điều trị hiệu quả nhất.

Thuốc ức chế men tyrosine kinase (TKIs) là những loại thuốc nhắm vào các protein đặc hiệu là kinase - góp phần vào sự tồn tại và phát triển của khối u. TKIs thường được dùng để điều trị u mô đệm đường tiêu hóa. Một số loại thuốc cụ thể là:

  • Imatinib (Gleevec): Thường là thuốc đầu tiên được sử dụng để điều trị u đường tiêu hóa. Việc sử dụng thuốc giúp tiên lượng của bệnh nhân được cải thiện hơn. Thuốc có thể sử dụng sau phẫu thuật để trì hoãn hoặc ngăn chặn u tái phát. Nếu khối u đã di căn thì bệnh nhân nên sử dụng Imatinib trong suốt thời gian sống còn lại để kiểm soát khối u. Tác dụng phụ của thuốc gồm: Tụ dịch, buồn nôn, phát ban, tiêu chảy, đau cơ nhẹ và mệt mỏi, chảy máu, viêm gan,...;
  • Sunitinib (Sutent): Có tác dụng làm chậm sự phát triển của khối u. Nó cũng làm bất hoạt gen KIT và quá trình hình thành các mạch máu mới. Các bác sĩ thường chỉ định sử dụng Sunitinib cho bệnh nhân trong trường hợp điều trị Imatinib thất bại hoặc khi Imatinib có tác dụng phụ quá nghiêm trọng. Các tác dụng phụ của Sunitinib là mệt mỏi, buồn nôn và nôn ói, ợ nóng, tiêu chảy, cao huyết áp, thay đổi vị giác, giảm các tế bào máu, thay đổi màu da,...;
  • Regorafenib (Stivarga): Có tác dụng làm chậm sự phát triển của khối u, ức chế phân tử KIT và ức chế quá trình hình thành các mạch máu mới tại khối u. Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân u mô đệm đường tiêu hóa giai đoạn muộn mà không thể phẫu thuật cắt bỏ, sau khi dùng Imatinib và Sunitinib không có tác dụng (hoặc có tác dụng phụ nghiêm trọng). Các tác dụng phụ của Regorafenib gồm: Buồn nôn, mệt mỏi, huyết áp cao, hội chứng tay chân, tiêu chảy, viêm gan,...;
  • Một số loại thuốc khác: Larotrectinib (Vitrakvi), Avapritinib (Ayvakit), Ripretinib (Qinlock),...

Ngoài ra, xạ trị thường không sử dụng để điều trị cho bệnh nhân u mô đệm đường tiêu hóa nhưng nó có thể dùng để trị các triệu chứng như giúp giảm đau xương và làm ngưng tình trạng chảy máu.

2.4. Chăm sóc giảm nhẹ - tâm lý

Bệnh u mô đệm đường tiêu hóa và quá trình điều trị có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tới tâm lý và bệnh nhân. Việc giải quyết các vấn đề này được gọi là chăm sóc giảm nhẹ.

Chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào việc cải thiện ảm xúc của bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị ung thư bằng cách kiểm soát triệu chứng, giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc chăm sóc giảm nhẹ nên bắt đầu càng sớm càng tốt, ngay khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân được chăm sóc giảm nhẹ cùng lúc điều trị ung thư sẽ ít gặp tác dụng phụ hơn và có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Phương pháp điều trị giảm nhẹ gồm: Sử dụng thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng, thư giãn, hỗ trợ cảm xúc và tâm linh. Trước và trong quá trình điều trị, người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ về cảm giác của mình, những vấn đề mình đang gặp phải,... để được hỗ trợ tốt nhất.


Điều trị u mô đệm đường tiêu hóa bằng liệu pháp nhắm trúng đích
Điều trị u mô đệm đường tiêu hóa bằng liệu pháp nhắm trúng đích

3. Điều trị u mô đệm đường tiêu hóa theo giai đoạn

Mỗi giai đoạn u mô đệm đường tiêu hóa có thể áp dụng những phương pháp điều trị khác nhau. Cụ thể:

3.1 Giai đoạn u khu trú tại chỗ

Nếu khối u tại chỗ càng nhỏ thì cơ hội cắt bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật càng lớn. Trong một số trường hợp, chỉ cần phẫu thuật là được. Nếu khối u đã lớn hoặc lan sang cơ quan lân cận thì đầu tiên cần điều trị bằng Imatinib để thu nhỏ khối u rồi chuyển phẫu thuật (điều trị tân bổ trợ).

Để cắt bỏ hoàn toàn khối u, bác sĩ có thể phải cắt 1 phần cơ quan lân cận tùy vị trí khối u. Thông thường, việc nạo vét hạch sẽ không cần thiết vì u mô đệm đường tiêu hóa thường không lan tới hạch. Nếu u tại chỗ không thể phẫu thuật cắt bỏ thì sẽ điều trị đích.

Khối u sau phẫu thuật có nguy cơ tái phát và di căn tới các cơ quan khác. Vì vậy, sau phẫu thuật, bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao sẽ được điều trị bằng Imatinib trong tối thiểu 3 năm để phòng và trì hoãn tái phát, di căn (điều trị bổ trợ).

3.2. Giai đoạn u di căn

Di căn là khi khối u từ nơi khởi phát đã lan tới những cơ quan khác trên cơ thể. Khi đã bước sang giai đoạn này, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch can thiệp điều trị tốt nhất. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân u mô đệm đường tiêu hóa di căn có thể sống bình thường khỏe mạnh trong nhiều năm với lựa chọn điều trị ngoại trú bằng thuốc uống.

Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và các yếu tố nguy cơ, bệnh nhân u mô đệm đường tiêu hóa có thể được điều trị khỏi hoặc kéo dài thời gian sống. Nếu có biểu hiện cho thấy có nguy cơ mắc bệnh, tốt nhất bệnh nhân nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm, nâng cao cơ hội sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe