Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Thuyên tắc động mạch phổi cấp xảy ra khi động mạch trong phổi bị tắc nghẽn do cục máu đông. Các triệu chứng của thuyên tắc phổi cấp thường xảy ra đột ngột và nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời.
1. Biến chứng của thuyên tắc động mạch phổi cấp
- Thuyên tắc phổi có thể đe dọa tính mạng. Khoảng 1/3 người bị thuyên tắc phổi không được chẩn đoán và điều trị dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, khi người bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời, con số này giảm đi đáng kể.
- Thuyên tắc phổi cũng có thể dẫn đến tăng áp động mạch phổi, đây là tình trạng trong đó áp lực máu trong phổi và bên phải của tim tăng lên quá cao. Khi người bệnh có vật cản (ví dụ huyết khối) trong lòng động mạch ở bên trong phổi, sẽ khiến tâm nhĩ phải và tâm thất phải làm việc nhiều hơn để đẩy máu đi qua các mạch bị chặn đó, khiến tăng áp lực động mạch phổi và cuối cùng làm suy yếu tim của người bệnh.
- Trong một số ít trường hợp, thuyên tắc nhỏ xảy ra thường xuyên và phát triển theo thời gian, dẫn đến tăng huyết áp phổi mãn tính, còn được gọi là tăng áp phổi do huyết khối thuyên tắc mạn tính (Chronic Thromboembolic Pulmonary Hypertension-CTEPH).
2. Điều trị thuyên tắc động mạch phổi cấp
Điều trị thuyên tắc phổi nhằm mục đích giữ cho cục máu đông không bị to hơn và ngăn ngừa cục máu đông mới hình thành. Điều trị kịp thời (Prompt treatment) là điều cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm hoặc tử vong.
2.1 Thuốc
Thuốc bao gồm các loại khác nhau của hai nhóm: Thuốc làm loãng máu và thuốc hòa tan cục máu đông.
2.1.1 Thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu)
- Những loại thuốc này ngăn ngừa cục máu đông lớn lên và ngăn cục máu đông mới hình thành trong cơ thể người bệnh.
- Heparin là thuốc chống đông máu thường được sử dụng do có tác dụng nhanh chóng và hiệu quả, với hai cách sử dụng: truyền qua tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da. Thuốc có tác dụng nhanh chóng và thường được kết hợp trong vài ngày với thuốc chống đông máu đường uống, chẳng hạn như warfarin, cho đến khi thuốc có hiệu lực, có thể mất vài ngày.
- Ngày nay, thuốc chống đông máu thế hệ mới hoạt động nhanh hơn và có ít tương tác hơn với các loại thuốc khác. Một số có lợi thế là được sử dụng bằng đường uống, tuy nhiên, tất cả các thuốc chống đông máu đều có tác dụng phụ và chảy máu là tác dụng phụ phổ biến nhất.
2.1.2 Các thuốc hòa tan cục máu đông
Thuốc làm tan huyết khối (“thuốc làm tan cục máu đông”), bao gồm chất kích hoạt plasminogen mô (TPA), được sử dụng để làm tan cục máu đông. Thuốc làm tan huyết khối luôn được sử dụng tại bệnh viện - nơi bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ. Những loại thuốc này được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như huyết áp của bệnh nhân thấp hoặc nếu tình trạng của bệnh nhân không ổn định do thuyên tắc phổi.
2.2 Phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác
2.2.1 Loại bỏ cục máu đông
Nếu người bệnh có một cục máu đông rất lớn trong phổi, đe dọa đến tính mạng, bác sĩ có thể chỉ định loại bỏ cục máu động đó bằng cách sử dụng ống catheter luồn qua các mạch máu của người bệnh để lấy cục máu đông.
2.2.2 Đặt lưới lọc tĩnh mạch (Vein filter)
Bác sĩ sẽ sử dụng ống catheter để đặt một bộ lọc trong tĩnh mạch lớn của cơ thể (tĩnh mạch chủ dưới) đi từ chân của người bệnh lên tim. Bộ lọc này có thể giúp giữ cho cục máu đông không đi lên phổi. Tuy nhiên, kỹ thuật này thường dành riêng cho những người không thể dùng thuốc chống đông máu hoặc khi họ có cục máu đông tái phát mặc dù đã sử dụng thuốc chống đông máu. Một số bộ lọc có thể được gỡ bỏ khi không còn cần thiết.
2.3 Chăm sóc liên tục
Do người bệnh có nguy cơ có huyết khối tĩnh mạch sâu khác hoặc thuyên tắc phổi, nên người bệnh cần được tiếp tục điều trị, như dùng thuốc làm loãng máu và được theo dõi thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh còn phải thường xuyên tái khám theo lịch để phòng ngừa tái phát hoặc điều trị các biến chứng.
3. Phòng ngừa thuyên tắc động mạch phổi cấp
Ngăn ngừa cục máu đông trong các tĩnh mạch sâu ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu) sẽ giúp ngăn ngừa thuyên tắc phổi. Vì lý do này, hầu hết các bệnh viện rất tích cực trong việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa cục máu đông, bao gồm:
- Sử dụng chất làm loãng máu (thuốc chống đông máu). Những loại thuốc này thường được dùng cho những người có nguy cơ bị cục máu đông trước và sau khi phẫu thuật cũng như cho những người nhập viện với các bệnh lý khác, chẳng hạn như đau tim, đột quỵ hoặc biến chứng ung thư.
- Tất (vớ) y khoa (Compression stockings). Do tất liên tục siết chặt chân của người bệnh nên sẽ giúp tĩnh mạch và cơ chân di chuyển máu hiệu quả hơn. Đây là biện pháp an toàn, đơn giản và rẻ tiền để giữ cho máu không bị ứ đọng trong và sau khi phẫu thuật.
- Nâng phần sau của giường lên 4 đến 6 inch (10 đến 15 cm) bằng các khối gỗ hoặc gạch.
- Hoạt động thể chất. Vận động càng sớm càng tốt sau phẫu thuật có thể giúp ngăn ngừa thuyên tắc phổi và đẩy nhanh quá trình phục hồi tổng thể. Đây là một trong những lý do chính khiến điều dưỡng có thể đỡ người bệnh đứng dậy ngay trong ngày phẫu thuật và đi bộ mặc dù người bệnh cảm thấy rất đau tại vết mổ vừa được phẫu thuật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.