Điều trị thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn có thể gây ra nhiều vấn đề phức tạp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh có thể khiến phẫu thuật khó khăn hơn, nguy cơ tái phát cao, tăng tỷ lệ tử vong do hoại tử tạng, nhiễm trùng, nhiễm độc,... Vì vậy, bệnh nhân không được chủ quan, coi thường tình trạng này.

1. Thoát vị bẹn là gì?

Thoát vị bẹn là tình trạng 1 tạng trong ruột (mạc nối, ruột,...) không nằm ở vị trí thông thường mà chui ra khỏi 1 điểm trên thành bụng ở bẹn. Thoát vị bẹn có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu có tình trạng nghẹt - tức là tạng thoát vị không thể chui trở lại ổ bụng, gây phù nề dẫn tới thiếu máu nuôi tạng, hoại tử và nhiễm trùng.

Có khoảng 2 - 3% trẻ sơ sinh nam bị thoát vị bẹn, tỷ lệ ở trẻ sơ sinh nữ chỉ dưới 1%. Người lớn tuổi cũng thường bị thoát vị bẹn trực tiếp vì các cân cơ thành bụng bị yếu đi khi về già. Ngoài ra, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị thoát vị bẹn là: Di truyền, ho, táo bón mãn tính, phụ nữ mang thai, hút thuốc lá, trẻ sinh non, chấn thương vùng bẹn,...

Bệnh nhân bị thoát vị bẹn có những triệu chứng như:

  • Xuất hiện khối phồng vùng bẹn
  • Kích thước khối này tăng khi đứng lâu, ho hoặc rặn khi đi đại tiện
  • Khối phồng mất đi khi nằm xuống
  • Đau tức khi ho, tập thể dục, cúi người
  • Có cảm giác đau nhói, nóng ran hoặc nặng ở bẹn
  • Nam giới bị sưng bìu

Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể tương đồng với một số bệnh lý ở cơ quan sinh dục (tràn dịch tinh mạc, xoắn tinh hoàn,...) nên bệnh nhân cần đi thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.


Thoát vị bẹn với triệu chứng xuất hiện khối phồng vùng bẹn
Thoát vị bẹn với triệu chứng xuất hiện khối phồng vùng bẹn

2. Biến chứng của thoát vị bẹn

Nếu không được điều trị thoát vị bẹn kịp thời, trường hợp nhẹ sẽ gây đau tức vùng bẹn, ảnh hưởng tới tâm lý, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trường hợp không chữa trị trong thời gian dài, tạng bị thoát vị thường xuyên trồi ra ngoài thì có thể bị dính vào mô xung quanh, không thể trở lại ổ bụng (thoát vị kẹt). Lúc này, người bệnh bị khó chịu nhiều hơn, có nguy cơ chấn thương tạng bị thoát vị.

Nếu bệnh nhân bị biến chứng nghẹt (tạng thoát vị không thể chui trở lại vào ổ bụng) thì sẽ gây phù nề, dẫn tới thiếu máu nuôi tạng, hoại tử và nhiễm trùng. Nếu tạng thoát vị là ruột thì có thể gây tắc ruột (triệu chứng buồn nôn, nôn ói, chướng bụng, đau bụng, không đi tiêu được,...). Nếu không kịp thời phẫu thuật trong vòng 4 - 6 tiếng sau khi khởi phát thì ruột có thể bị hoại tử, đe dọa tới tính mạng bệnh nhân. Việc phẫu thuật chữa thoát vị bẹn lúc này cũng phức tạp hơn, cần cắt bỏ đoạn ruột, có thể không đặt được lưới gia cố vùng bẹn, làm tăng nguy cơ tái phát.

3. Điều trị thoát vị bẹn bằng phương pháp nào?

Khi có dấu hiệu cảnh báo thoát vị bẹn, bệnh nhân nên đi khám để được bác sĩ khám trong tư thế đứng, ho hoặc rặn. Trường hợp khám lâm sàng không rõ, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện siêu âm, chụp CT hoặc MRI để chẩn đoán.

Về phương pháp điều trị thoát vị bẹn, hiện phẫu thuật vẫn là lựa chọn chính. Phẫu thuật mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân. Nguyên tắc phẫu thuật là: Loại bỏ túi thoát vị, phục hồi thành bụng để tăng cường sức chịu đựng của thành bụng.

Bác sĩ có thể lựa chọn mổ mở hoặc mổ nội soi tùy tình huống cụ thể:

  • Mổ mở: Bác sĩ dùng dao phẫu thuật, rạch 1 đường lớn ở vùng bẹn bệnh nhân để đưa các cơ quan về đúng vị trí trong ổ bụng, sau đó dùng cân cơ hoặc lưới nhân tạo để gia cố thành bụng vùng bẹn. Đây là phương pháp phẫu thuật truyền thống, thực hiện sau khi gây tê hoặc gây mê;
  • Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ rạch một số đường nhỏ trên bụng bệnh nhân, dùng 1 ống soi (phần đầu có gắn camera) và các dụng cụ chuyên dụng để gia cố vùng bẹn. Phương pháp điều trị thoát vị bẹn này có ưu điểm là ít xâm lấn, sẹo nhỏ, người bệnh mau phục hồi sức khỏe, sớm ra viện.

Phương pháp điều trị bảo tồn (mặc quần chật, sử dụng dải đeo túi thoát vị,...) chỉ thực hiện với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi do ít bị nghẹt, ống phúc tinh mạc có thể bít lại hoặc áp dụng cho bệnh nhân già yếu có nhiều bệnh lý đi kèm.


Phương pháp phẫu thuật nội soi được ứng dụng trong điều trị thoát vị bẹn
Phương pháp phẫu thuật nội soi được ứng dụng trong điều trị thoát vị bẹn

4. Phòng ngừa thoát vị bẹn như thế nào?

Thoát vị bẹn có yếu tố di truyền, tuổi tác, giới tính, mắc một số bệnh nhất định (ho kéo dài, táo bón mãn tính,...). Vì vậy, dựa vào nguyên nhân gây bệnh, mỗi người có thể phòng ngừa thoát vị bẹn bằng cách:

  • Xây dựng một chế độ ăn uống giàu chất xơ, trái cây, rau xanh, uống đủ nước mỗi ngày; hạn chế đồ ăn cay nóng, khó tiêu hóa để tránh nguy cơ táo bón;
  • Tránh sử dụng thuốc lá, rượu bia hay các chất kích thích;
  • Tránh những hoạt động có thể gây áp lực lớn lên vùng bụng;
  • Điều trị triệt để các nguyên nhân gây triệu chứng ho kéo dài;
  • Định kỳ khám sức khỏe và đi khám chuyên khoa nếu có nghi ngờ bị thoát vị bẹn.

Thoát vị bẹn là bệnh lành tính, thường chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến hoại tử ruột, viêm phúc mạc rất nguy hiểm. Do đó, nếu nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên đi thăm khám và điều trị thoát vị bẹn càng sớm càng tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe