Thiểu năng tuần hoàn não là tình trạng lượng máu lên não giảm, khiến lượng oxy và các chất dinh dưỡng cung cấp cho não cũng giảm theo. Người bệnh cần điều trị thiểu năng tuần hoàn não sớm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.
1. Thiểu năng tuần hoàn não là gì?
Thiểu năng tuần hoàn não hay thiếu máu não thất thường là tình trạng lượng máu, oxy và các chất dinh dưỡng tới nuôi các tế bào máu bị thiếu hụt, dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực đến các chức năng của não bộ cũng như hệ thần kinh trung ương.
Thiểu năng tuần hoàn não thường do 2 nguyên nhân chính là xơ vữa động mạch và thoái hoá đốt sống cổ, làm giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng não, giảm khả năng cung cấp oxy cho não... gây ra các triệu chứng:
- Hoa mắt chóng mặt;
- Nhức đầu;
- Ù tai;
- Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ;
- Mệt mỏi, sức khoẻ giảm sút;
- Căng thẳng thần kinh, giảm khả năng lao động trí óc, trí nhớ giảm, khả năng tập trung chú ý cũng giảm, chậm chạp;
- Các biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật: Tim đập nhanh, dị cảm ở chân tay, rối loạn huyết động, bốc hỏa;
- Ở người lớn tuổi có thể nhận biết thiểu năng tuần hoàn não qua các biểu hiện tâm lý cảm xúc vui buồn lẫn lộn, hay cáu giận, mất trí nhớ tạm thời, khi thời tiết thay đổi thì cảm thấy đau nhức ê ẩm đầu.
2. Các nguyên nhân gây thiểu năng tuần hoàn não
Có một số nguyên nhân gây ra tình trạng thiểu năng tuần hoàn não gồm:
- Xơ vữa động mạch khiến các mao mạch dẫn máu bị hẹp và chậm lại, làm tắc quá trình lưu thông máu.
- Thoái hoá cột sống cổ khiến mấu gai bên trong đốt sống chèn ép động mạch đốt ống, đặc biệt là sau các động tác đột ngột như quay cổ, gập cổ quá mức khiến cản trở đường đi của động mạch đốt sống đối bên ở đoạn cổ.
- Dị dạng mạch máu hoặc viêm tắc động mạch.
- Ảnh hưởng từ các chấn thương như thoát vị đĩa đệm tại cột sống cổ, thoái hoá đốt sống cổ... khiến mạch máu bị chèn ép và hạn chế quá trình tuần hoàn máu lên não.
- Chèn ép từ bên trong não bộ như u não, u dây thần kinh số 8 hay các bệnh lý thần kinh khác.
- Rối loạn về huyết áp.
Xu hướng xã hội hiện đại cũng khiến không ít người trẻ tuổi gặp các vấn đề về thiểu năng tuần hoàn não, đặc biệt là ở các nhóm đối tượng như:
- Người thường xuyên lao động trí óc, làm việc hoặc học tập với cường độ cao và áp lực cao, ngủ không đủ giấc.
- Stress, căng thẳng kéo dài.
- Lười vận động khiến hệ mạch lưu thông kém.
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Ăn quá nhiều đồ dầu mỡ, đồ ngọt, thức ăn nhanh... làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch, hình thành các cục máu đông.
3. Điều trị thiểu năng tuần hoàn não như thế nào?
Phương chữa thiểu năng tuần hoàn não chủ yếu hiện nay là điều trị nguyên nhân (rối loạn lipid máu, thoái hoá cột sống cổ,...) với các thuốc tăng cường tuần hoàn não nhằm giúp đưa máu đi đến khắp các vùng của não bộ, các thuốc bảo vệ thần kinh... Bên cạnh đó là điều trị tích cực các bệnh nội khoa phối hợp như đái tháo đường, tăng huyết áp, hạn chế các yếu tố nguy cơ gây bệnh xơ vữa động mạch.
Các nhóm thuốc điều trị thiểu năng tuần hoàn não có thể sử dụng có thể kể đến như:
- Điều trị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn: Có thể dùng acetyl DL leucin uống. Thuốc này không dùng cho phụ nữ mang thai và bệnh nhân bị bệnh gan, thận và bệnh dạ dày.
- Piracetam: Là thuốc tác dụng trực tiếp lên não và hệ thống thần kinh trung ương nhằm bảo vệ não bộ khỏi tình trạng thiếu hụt oxy và glucose bằng cách chống lại các rối loạn chuyển hoá do thiếu máu não cục bộ, bảo vệ não (tăng huy động sử dụng chuyển hoá oxy, glucose não). Tuy nhiên khi sử dụng liều cao Piracetam có thể gây mất ngủ, đau đầu, kích thích.
- Cinnarizine: Là thuốc có tác dụng chẹn kênh calci chọn lọc đồng thời làm giảm hoạt tính co mạch của adrenalin. Từ đó làm tăng lưu lượng máu đến các vùng, giảm thiểu tình trạng thiếu oxy, cải thiện lưu lượng thông vi mạch của não bộ và ngoại vi bị giảm sút.
- Thuốc bảo vệ thần kinh: Tanakan, cavinton, cebrium...
4. Các phương pháp phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não
Để giảm thiểu nguy cơ thiểu năng tuần hoàn não, đặc biệt là giới trẻ cần lưu ý tới các vấn đề sau:
- Hạn chế ăn thức ăn dầu mỡ, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa chất bảo quản.
- Sử dụng các thực phẩm dinh dưỡng, giảm hàm lượng cholesterol. Có thể dùng các thực phẩm giúp tăng lưu lượng máu lên não như cá béo, rau xanh (súp lơ, rau bina), hải sản, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả mọng nước (cam, quýt, bưởi, dâu tây, việt quất), thịt đỏ (thịt cừu, bò,...).
- Nên nghỉ ngơi giữa các công việc trí óc liên tục sau 2 giờ ít nhất là 10 phút.
- Tăng cường thể dục thể thao để nâng cao sức khoẻ, hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì. Tuỳ theo thể trạng sức khoẻ mà có thể lựa chọn các bài tập, môn thể thao phù hợp.
- Hạn chế căng thẳng, stress kéo dài. Thay vào đó, cố gắng để cơ thể thư giãn ở mức tốt nhất.
Cuối cùng, hãy nhớ thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bất thường trong cơ thể sớm nhất, đặc biệt là người cao tuổi có nhiều bệnh lý nội khoa đi kèm với thiểu năng tuần hoàn não.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.