Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Khi điều trị chứng táo bón mạn tính chức năng ở trẻ, nếu việc thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt không mang lại hiệu quả thì cần phải sử dụng thuốc. Tuy nhiên, quá trình điều trị như nào, phác đồ ra sao sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và mức độ táo ở trẻ.
1. Bệnh táo bón mạn tính chức năng ở trẻ có biểu hiện gì?
Khi mắc phải bệnh táo bón mạn tính chức năng thì cơ thể trẻ vẫn khỏe mạnh bình thường và không gặp bất cứ vấn đề gì ngoài việc đi vệ sinh khó khăn. Ở mỗi độ tuổi khác nhau thì bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau, cụ thể:
Biểu hiện ở trẻ sơ sinh và dưới 1 tuổi
Trẻ sơ sinh sẽ được chẩn đoán mắc táo bón chức năng nếu có các dấu hiệu sau:
- Trẻ không đi đại tiện được trong 3 ngày với trẻ bú bình và 1 tuần với trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn.
- Phân khô, cứng.
- Trẻ quấy khóc, rặn và căng thẳng khi đi tiêu.
Biểu hiện ở trẻ trên 1 tuổi
Với đối tượng là trẻ trên 1 tuổi thì sẽ được chẩn đoán mắc táo bón chức năng nếu mắc ít nhất 2 trong số các biểu hiện sau:
- Đi tiêu dưới 3 lần/1 tuần (trẻ từ 12 - 24 tháng).
- Đối với trẻ trên 2 tuổi thì đi tiêu dưới 2 lần/tuần.
- Phân khô, rắn, đi đại tiện gặp khó khăn.
- Đau khi đi đại tiện.
- Có lẫn chất nhầy hoặc máu trong phân.
2. Điều trị táo bón mạn chức năng ở trẻ em
Khi chữa táo bón chức năng ở trẻ thì cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề:
- Thật sự kiên nhẫn, vì táo bón là chứng bệnh không thể vừa điều trị đã khỏi ngay được.
- Cần phải kết hợp điều trị với sự thay đổi về chế độ ăn uống và thói quen đại tiện của trẻ.
- Nếu cần thì có thể tham khảo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý.
Thông thường, khi chữa táo bón chức năng ở trẻ, bác sĩ sẽ căn cứ vào độ tuổi và mức độ táo bón ở trẻ, trong trường hợp trẻ bú mẹ hoàn toàn mà có biểu hiện chậm đi đại tiện nhưng phân vẫn mềm thì vẫn là bình thường và chỉ cần theo dõi là được, nếu có tình trạng ứ phân thì cần phải điều trị bằng cách tháo/ xổ phân ngay, khi không có ứ phân thì cần điều trị ngay.
Điều trị tháo/ xổ phân (dựa theo điều kiện trẻ ở Việt Nam)
- Đối với trẻ dưới 1 tuổi: Sử dụng Glycerin đặt hậu môn, thụt tháo bằng nước (6ml/kg, tối đa 135 ml). Lactulose hoặc sorbitol: 4ml/kg chia 2 lần trong 7 ngày. PEG 3350: 1/2- 1 gói /ngày.
- Đối với trẻ trên 1 tuổi: Tháo/xổ phân nhanh bằng cách dùng Glycerin đặt hậu môn. Tiến hành thụt tháo 6ml/kg (max 135 ml)/ 12- 24 h * 1-3 lần. Phối hợp theo liệu trình: Ngày 1 thụt tháo, ngày 2 dùng Bisacodyl đặt hậu môn 10mg mối 12- 24 giờ và ngày 3 dùng Bisacodyl 5mg mối 12- 24 giờ. Nếu cần thiết thì lập lại liệu trình 3 ngày từ 1-2 lần nữa.
- Tháo xổ phân cho trẻ chậm: Sử dụng Lactulose hoặc sorbitol 4ml/kg chia 2 lần/ngày, điều trị trong 7 ngày.
Điều trị duy trì:
- Nhuận trường thẩm thấu: dùng Lactulose 10 mg/ 15 ml 1-3 ml /kg/ ngày chia làm 2 lần và Sorbitol 1-3 ml /kg/ ngày chia làm 2 lần. Liều thuốc nhuận tràng để chữa táo bón chức năng cho trẻ sẽ được điều chỉnh tăng hay giảm tùy theo tính chất phân. Cha mẹ cần phối hợp với bác sĩ để dò được liều phù hợp cho trẻ.
- Nhuận trường kích thích: Dùng Bisacodyl 5mg: 1-3 viên/ ngày chia 1-2 lần, tuy nhiên, không nên chọn nhuận trường kích thích ngay khi điều trị duy trì mà chỉ sử dụng khi táo bón trơ, thất bại với nhuận trường thẩm thấu.
Khi điều trị duy trì đạt kết quả thì nên tiếp tục điều trị ít nhất 6 tháng và sau đó giảm liều chậm, tuyệt đối không được ngừng thuốc đột ngột.
Ngoài ra, khi chữa táo bón chức năng thì cần tuân thủ các nguyên tắc sử dụng thuốc nhuận tràng là dùng trong vòng 6 tháng liên tục, tăng giảm liều theo tính chất của phân (nếu phân cứng thì hãy tăng liều và loãng quá thì giảm liều), mỗi ngày dùng tối đa 4 gói, chia làm 2 lần. Khi đã có được liều thích hợp thì cần duy trì liên tục thuốc chứ không được tự ý ngưng sử dụng.
Trẻ khi chữa táo bón chức năng sẽ có thể xảy ra tình huống bị tiêu chảy do viêm ruột hoặc tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, trong trường hợp này hãy liên hệ với bác sĩ để có được cách xử trí tốt nhất.
Thuốc nhuận tràng có thể sử dụng trong thời gian dài mà không gây ra tác dụng phụ gì, do đó cha mẹ tuyệt đối không được bỏ thuốc khi thấy con bắt đầu đi phân bình thường. Song song với quá trình điều trị bằng thuốc thì cần kết hợp:
- Rèn luyện thói quen đi đại tiện đúng cho trẻ, nên đi đại tiện sau bữa tối 20 - 30 phút.
- Giúp trẻ cảm thấy dễ chịu bằng cách xoa nhẹ bụng trẻ theo chiều kim đồng hồ.
- Không la mắng trẻ khi trẻ lỡ ị đùn.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo đủ các chất trong bữa ăn hàng ngày, nên chọn rau có tính nhớt và các loại hoa quả như thanh long, đu đủ, chuối,...
Trên thực tế, trẻ bị táo bón mạn tính chức năng thường phải trải qua cảm giác đau đớn khi cố gắng đào thải phân ra ngoài, thậm chí là bị chảy máu, rách hậu môn, do đó, trẻ sẽ có xu hướng gồng mình để giữ cục phân lại cho qua cơn mót. Tuy nhiên, không nên vì thế mà la mắng trẻ, hãy giúp trẻ bằng cách làm cho phân mềm ra để trẻ có thể đi đại tiện dễ dàng hơn và không còn sợ hãi mỗi khi đại tiện.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang áp dụng phương pháp điều trị cho các trường hợp táo bón do giảm hoặc mất phản xạ đại tiện bằng kích thích điện hậu môn kết hợp với sóng giao thoa, tập phản hồi sinh học (Biofeedback). Phương pháp trên đã giúp cho hơn 80% các bệnh nhân phục hồi phản xạ đại tiện, cải thiện tình trạng nhu động ruột và quá trình tống phân giúp cải thiện tình trạng táo bón.
Tùy vào tình trạng táo bón của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các thăm dò cần thiết như: Chụp khung đại tràng có thuốc cản quang, đo áp lực hậu môn trực tràng, đánh giá chức năng đại tiện và các bệnh lý liên quan đến vùng sàn chậu,... để tìm nguyên nhân, từ đó đưa ra phác đồ điều trị tối ưu. Hàng trăm bệnh nhân ở những độ tuổi khác nhau đã đạt được kết quả điều trị mong muốn. Tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá thành công điều trị là bệnh nhân đi ngoài đều đặn hàng ngày, đi ngoài dễ dàng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong