Điều trị táo bón do thuốc giảm đau nhóm Opioid

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Bác sĩ Nội tiêu hoá - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Thuốc giảm đau opioid là một loại thuốc cần được kê toa, thường được dùng để giảm đau cho bệnh nhân ung thư. Táo bón do opioid có thể là một tác dụng phụ mà nhiều bệnh nhân than phiền. Một số loại thuốc giảm đau opioid phổ biến trên lâm sàng là oxycodone (OxyContin), hydrocodone (Zohydro ER), codeine, morphin.

1. Tại sao thuốc giảm đau opioid gây táo bón?

Các loại thuốc giảm đau opioid có tác dụng giảm đau thông qua việc ngăn chặn các tín hiệu đau bằng cách cạnh tranh gắn vào các thụ thể trong toàn bộ hệ thống thần kinh. Một điều đặc biệt là các thụ thể này cũng được tìm thấy trong hệ đường ruột của cơ thể. Khi thuốc giảm đau opioid gắn vào các thụ thể trong ruột, thời gian phân đi qua hệ tiêu hóa sẽ bị kéo dài.

Táo bón được định nghĩa là có ít hơn ba lần đại tiện mỗi tuần. Theo các thống kê, có khoảng 41- 81% những người dùng opioid để giảm đau kéo dài, không bao gồm các bệnh nhân ung thư, đều bị táo bón.

2. Một số thuốc điều trị táo bón do opioid

Có những loại thuốc có thể hỗ trợ người bệnh cảm thấy thoải mái hơn bằng cách giảm nhẹ triệu chứng.

Nhóm thuốc không cần kê đơn

  • Chất làm mềm phân: các loại thuốc này có tác dụng làm tăng lượng nước trong ruột già và giúp phân đi qua dễ dàng hơn.
  • Chất kích thích nhu động ruột: Những chất này kích thích hoạt động của ruột bằng cách tăng co bóp.
  • Thuốc nhuận tràng theo cơ chế thẩm thấu: Sự thẩm thấu giúp tăng lượng chất lỏng di chuyển qua ruột già. Chúng bao gồm magie hydroxit đường uống và polyethylene glycol.
  • Dầu khoáng là một chất nhuận tràng bôi trơn cũng giúp phân di chuyển dễ dàng hơn qua ruột già. Nó có sẵn dưới dạng uống và dạng bơm trực tràng.
  • Thuốc xổ hoặc thuốc đạn nhét vào trực tràng có thể làm mềm phân và kích thích hoạt động của ruột. Tuy nhiên chúng cũng có nguy cơ làm hỏng trực tràng nếu được đưa vào không đúng cách.

Nhóm thuốc cần kê toa

Thuốc theo toa dành riêng cho chứng táo bón do opioid nên có khả năng điều trị tận gốc vấn đề. Những loại thuốc này ngăn cản tác động của opioid lên hệ đường ruột và giúp phân đi ngoài dễ dàng hơn. Các loại thuốc được phê duyệt để điều trị táo bón do opioid bao gồm:

  • Naloxegol
  • Methylnaltrexone
  • Lubiprostone
  • Naldemedine

Tuy nhiên, nhóm các loại thuốc kê đơn này cũng có thể gây ra các tác dụng phụ, chẳng hạn như:

Nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu gặp phải các tác dụng phụ trong thời gian sử dụng thuốc. Bác sĩ có thể sẽ phải thay đổi liều lượng của thuốc hoặc chuyển sang một loại thuốc khác.


Người bệnh nên dùng thuốc điều trị táo bón do opioid theo đơn của bác sĩ
Người bệnh nên dùng thuốc điều trị táo bón do opioid theo đơn của bác sĩ

3. Các biện pháp tại nhà hỗ trợ chứng táo bón do opioid gây ra

Một số chất bổ sung và thảo mộc có thể làm giảm chứng táo bón do opioid bằng cách kích thích hoạt động của ruột, bao gồm:

3.1 Bổ sung chất xơ

Chất xơ có tác dụng nhuận tràng vì nó làm tăng khả năng hấp thụ nước trong ruột già. Điều này tạo thành phân đóng khuôn và giúp phân trôi qua dễ dàng hơn. Mặc dù bổ sung chất xơ là một biện pháp khắc phục hiệu quả chứng táo bón, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu và khảo sát hơn để xác nhận hiệu quả của chất bổ sung chất xơ đối với chứng táo bón do opioid.

Chất xơ có thể là một phương pháp điều trị đối với táo bón do opioid, nhưng điều quan trọng là phải uống nhiều nước trong khi bổ sung chất xơ. Nếu bạn không uống đủ nước, tình trạng mất nước có thể làm cho tình trạng chứng táo bón do opioid trở nên tồi tệ hơn.

Nhu cầu chất xơ mỗi ngày nên được duy trì ở mức trung bình từ 25 đến 30 gam. Bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn uống hằng ngày. Các nguồn chất xơ tuyệt vời từ thực phẩm bao gồm:

  • Mận khô
  • Nho khô
  • Quả mơ
  • Măng tây
  • Đậu

Quá nhiều chất xơ có thể gây tiêu chảy và đau bụng. Vì vậy cần từ từ tăng số lượng thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn.

Bổ sung chất xơ có thể làm giảm sự hấp thu của một số loại thuốc như aspirin. Nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi kết hợp bổ sung chất xơ với bất kỳ loại thuốc theo toa nào.

3.2 Bổ sung nha đam

Nha đam cũng có thể làm giảm chứng táo bón do opioid. Trong một nghiên cứu, chuột được cho uống loperamide để gây táo bón. Sau đó, chúng được điều trị bằng nha đam với liều lượng như sau trong bảy ngày: 50, 100 và 200 milligram (mg) cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Nghiên cứu cho thấy những con chuột nhận được chiết xuất nha đam đã cải thiện nhu động ruột và khối lượng phân. Dựa trên nghiên cứu, tác dụng nhuận tràng của nha đam có thể cải thiện chứng táo bón do thuốc.

Hỏi ý kiến ​​bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng nha đam. Loại thực phẩm này có thể làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc, chẳng hạn như:


Bổ sung nha đam có thể điều trị tình trạng táo bón do opioid
Bổ sung nha đam có thể điều trị tình trạng táo bón do opioid

3.3 Bổ sung senna

Senna là một loài thực vật có hoa màu vàng. Lá của nó có tác dụng nhuận tràng có thể giúp làm giảm chứng táo bón do opioid một cách tự nhiên.

Các chất bổ sung Senna được điều chế dưới dạng viên nang hoặc trà. Bạn có thể mua lá senna khô từ cửa hàng thực phẩm và ủ chúng trong nước nóng. Hoặc có thể mua viên nén sennosides (Senokot) từ cửa hàng tạp hóa hoặc hiệu thuốc.

Liều khởi đầu thông thường cho người lớn là 10 mg đến 60 mg mỗi ngày. Trẻ em nên uống một lượng senna ít hơn, vì vậy cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn của sản phẩm để biết liều lượng khuyến nghị.

Senna nên được sử dụng để hỗ trợ chứng chứng táo bón do opioid trong ngắn hạn. Sử dụng lâu dài có thể gây tiêu chảy và gây mất cân bằng điện giải. Loại thảo mộc này cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi dùng chung với warfarin (Coumadin), một chất chống đông máu.

3.4 Tăng cường hoạt động thể chất

Tập thể dục và hoạt động thể chất kích thích các cơn co thắt trong đường ruột và thúc đẩy hoạt động của ruột. Hãy tập thể dục 30 phút hầu hết các ngày trong tuần. Nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi bắt đầu một thói quen tập thể dục mới.

3.5 Uống nhiều nước

Mất nước gây khó khăn khi đi tiêu. Uống 8-10 ly chất lỏng mỗi ngày. Bổ sung nước một cách đa dạng từ nhiều loại thức uống như nước lọc, trà, nước trái cây.

3.6 Dùng đá hoặc liệu pháp nhiệt

Táo bón có thể gây đầy hơi và đau bụng. Đắp một miếng gạc ấm hoặc lạnh lên vùng xương chậu có thể giúp giảm bớt sự khó chịu.

3.7 Loại bỏ thực phẩm gây kích thích khỏi chế độ ăn uống hằng ngày

Thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm giàu chất béo khó tiêu hóa có thể làm cho chứng táo bón do opioid nặng hơn. Hạn chế ăn các loại thực phẩm gây kích thích, chẳng hạn như thức ăn nhanh và đồ ăn vặt.

Tóm lại, mặc dù opioid có thể làm giảm cơn đau của bạn một cách hiệu quả, nhưng bạn vẫn có nguy cơ bị táo bón khi dùng những loại thuốc này. Nếu thay đổi lối sống, phương pháp điều trị tại nhà và sử dụng các loại thuốc không kê đơn không mang lại kết quả mong muốn, hãy nói chuyện với bác sĩ về các đơn thuốc để giúp điều chỉnh hoạt động hệ đường ruột của bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe