Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Trẻ rất dễ có nguy cơ bị rối loạn nước và điện giải khi có bất kì một tình trạng sức khỏe bất thường nào và nhanh chóng rơi vào hệ quả nặng nề hơn nếu không được phát hiện để điều chỉnh kịp thời.
1. Rối loạn nước và điện giải ở trẻ sơ sinh là gì?
Nước là thành phần chiếm chủ yếu trong mọi tế bào của một cơ thể sống. Điện giải là các nguyên tử có tính phân cực, có khả năng di chuyển qua lại màng tế bào, vừa đảm bảo nhiệm vụ ổn định điện thế màng và tham gia các hoạt động sống. Cụ thể là các chất điện giải như các khoáng chất tích điện là natri, kali, canxi, phốt pho và magie, rất quan trọng đối với chức năng tế bào thần kinh và cơ. Chính vì thế, cân bằng nước và điện giải là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng nhằm duy trì tính ổn định của môi trường nội môi.
Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, so với trẻ lớn và người trưởng thành, tỷ lệ nước trên toàn khối lượng cơ thể còn chiếm khá cao. Mặt khác, chế độ dinh dưỡng của trẻ trong những ngày tháng đầu đời là chất lỏng hoàn toàn với sữa công thức và sữa mẹ; đồng thời, tỷ lệ diện tích da trên khối lượng toàn cơ thể lớn, vấn đề cân bằng nước và điện giải rất dễ bị ảnh hưởng.
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của rối loạn nước và điện giải ở trẻ sơ sinh là gì?
Chất điện giải được tìm thấy trong mọi môi trường có chứa chất lỏng trong cơ thể sống. Tình trạng mất nước có thể làm đảo lộn sự cân bằng của chất điện giải ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ và ngược lại, việc thiếu hụt hay dư thừa các chất điện giải chuyên biệt cũng có thể thay đổi sự phân phối nước.
Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh khi mọi nguồn nước và điện giải đưa vào cơ thể là hoàn toàn phụ thuộc vào đối tượng khác sẽ rất dễ bị mất nước, do kích thước cơ thể vốn rất nhỏ so với diện tích da và sự trao đổi chất lại luôn diễn ra với tốc độ rất nhanh. Từ đó, chức năng cân bằng nước và chất điện giải cần được duy trì với tốc độ nhanh hơn so với người lớn rất nhiều lần.
Bất kỳ một tình trạng sức khỏe hay bệnh lý nào, dù đơn giản nhưng vẫn có thể gây ra rối loạn điện giải đồ ở trẻ sơ sinh. Cụ thể là khi trẻ nôn ói nhiều lần hay với lượng nhiều trong ngày, trẻ bị tiêu chảy hay sốt cao, bỏ bú hay bú kém... đều làm tăng nguy cơ rối loạn điện giải đồ. Không chỉ thế, khi nhiệt độ môi trường quá cao, nhất là những trẻ nằm trong lồng ấp, khiến trẻ chảy mồ hôi nhiều cũng có thể làm tăng nguy cơ mất nước và điện giải.
Ngoài ra, rối loạn điện giải đồ sẽ trở nên phổ biến và sẽ rất khó điều chỉnh nếu trẻ có một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Cụ thể là các bệnh lý có ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone tuyến thượng thận, tuyến giáp và tuyến cận giáp... dẫn đến mất cân bằng trong điều chỉnh nồng natri, kali và canxi trong máu. Bên cạnh đó, nếu trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, bệnh thận có thể khiến cơ thể có khuynh hướng giữ lại natri và nước, gây phù nề và tăng huyết áp. Ngoài ra, đối với trẻ mắc các bệnh lý ung thư hay cần được ghép tủy xương, điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và sốt; dùng thuốc hóa trị cũng có nguy cơ cao bị mất cân bằng nước và điện giải.
3. Trẻ sơ sinh bị rối loạn nước và điện giải sẽ có triệu chứng như thế nào?
Dấu hiệu của tình trạng rối loạn điện giải đồ rất khác nhau ở mỗi cơ thể trẻ. Điều này tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh và các đặc điểm sức khỏe kèm theo. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, nếu trẻ chỉ bị rối loạn điện giải đồ nhẹ thì sẽ thường không gây ra triệu chứng và chỉ phát hiện được khi xét nghiệm máu. Những biểu hiện ra bên ngoài lúc này chủ yếu là nằm ở các bệnh nguyên như trẻ bị nhiễm trùng gây sốt cao, tiêu chảy, nôn ói...
Ngược lại, khi bị mất nước nặng, trẻ sẽ giảm số lượng nước tiểu hay nước tiểu sẫm màu, da trẻ mất sự căng bóng và đàn hồi, trở nên nhăn nheo hơn, có dấu véo da và màu da trông có vẻ tối hơn bình thường. Khi khám, trẻ sẽ có huyết áp thấp và các phản xạ trở nên chậm chạp hơn bình thường. Song song đó, các rối loạn điện giải đồ nặng như hạ natri máu nặng sẽ khiến trẻ lừ đừ, ngủ gà, li bì, yếu cơ, chuột rút và xảy ra các cơn co thắt cơ bắp. Một số trẻ có thể xuất hiện tình trạng khó thở, chóng mặt và nhịp tim nhanh.
Khi cha mẹ nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào trên đây, đặc biệt là nếu trẻ đang mắc bệnh hoặc sốt cao, nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
4. Cách chẩn đoán và điều trị rối loạn nước và điện giải ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Việc chẩn đoán và điều trị nhanh chóng tình trạng rối loạn nước và điện giải ở trẻ sơ sinh là rất quan trọng. Mất nước nghiêm trọng và rối loạn điện giải đồ đi kèm có thể làm giảm lưu lượng máu và khoáng chất đến các cơ quan quan trọng, bao gồm não, tim và gan. Trong một số trường hợp hiếm gặp, điều này có thể làm cho mô não sưng lên hoặc co lại, gây co giật, rối loạn đe dọa tính mạng trong nhịp tim, được gọi là rối loạn nhịp tim.
Vì vậy, ngoài những dấu hiệu nêu trên, tình trạng rối loạn nước và điện giải ở trẻ sơ sinh sẽ được xác định bằng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm với bệnh phẩm là máu và nước tiểu của trẻ. Từ đó, dựa trên những kết quả này, bác sĩ nhi khoa sẽ lập phác đồ điều chỉnh cho phù hợp cũng như điều trị các nguyên gây ra tình trạng này giúp ngăn ngừa biến chứng.
Cụ thể là nếu trẻ bị thiếu nước, thường đi kèm với tình trạng thiếu hụt điện giải, cha mẹ và người chăm sóc sẽ được hướng dẫn bổ sung thêm nước cho trẻ bằng cách bú thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức. Do dạ dày của trẻ mới sinh có thể tích còn nhỏ và còn ở tư thế nằm ngang, nguy cơ trào ngược cao, việc tăng lượng sữa bú vào sẽ được thực hiện bằng cách tăng số cữ bú trong ngày và lượng sữa bú trong mỗi cữ.
Tuy nhiên, đối với trẻ không có khả năng bú được, cần cung cấp cho trẻ nguồn sữa cũng như các dung dịch nước và điện giải nhân tạo qua ống thông dạ dày nhằm đảm bảo dung nạp đủ số lượng và tốc độ ổn định liên tục. Hơn thế nữa, trong trường hợp trẻ bị rối loạn nước và điện giải nghiêm trọng, nhất là có kèm theo các bệnh lý nặng hay ở trẻ sinh non, sinh nhẹ cân, chức năng hấp thụ tại niêm mạc ruột chưa thực hiện được, cần xem xét duy trì tính cân bằng nước và điện giải qua đường tĩnh mạch.
Tóm lại, vai trò của nước và điện giải là vô cùng quan trọng ở mỗi cơ thể sống. Riêng đối với trẻ sơ sinh, tình trạng này cần đặc biệt quan tâm, nhất là khi trẻ có các bệnh lý nặng kèm theo. Lúc này, cha mẹ không nên tự ý để trẻ tại nhà mà nên đưa trẻ đến bệnh viện để được xét nghiệm, điều chỉnh cân bằng nước và điện giải kịp thời, đồng thời giải quyết các bệnh lý đi kèm, ngăn chặn diễn tiến nặng nề thêm.
Để có thêm kiến thức nuôi con đúng cách, bố mẹ hãy chủ động cập nhật các thông tin y tế hữu ích trên website Vinmec.com và liên hệ ngay với các bác sĩ, chuyên gia tại Vinmec khi cần hỗ trợ nhé.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong