Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bệnh ngón tay cò súng hay ngón tay bật ở trẻ em là tình trạng các ngón tay gặp khó khăn khi duỗi, duỗi không tự nhiên hoặc đau khi cố gắng duỗi. Ngón tay cò súng ở trẻ em thường bị ảnh hưởng là ngón cái hoặc ngón trỏ do bao gân của các ngón này dài.
1. Chẩn đoán bệnh ngón tay cò súng ở trẻ em
Việc chẩn đoán cần dựa trên bệnh sử và khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng không giúp ích gì nhiều:
- Bệnh sử: Ngón tay hơi cứng, khó gập và nghe tiếng cục khi duỗi thẳng. Nặng hơn thì ngón tay có thể bị khóa ở tư thế gập.
- Lâm sàng: Nhìn thấy ngón tay khóa ở tư thế gập hoặc duỗi, khi cử động nghe tiếng cục. Sờ thấy khối u ở vị trí kẹt gân, mặt lòng khớp bàn đốt.
- Cận lâm sàng: Siêu âm ngón tay cò súng nhằm đánh giá bề dày của ròng rọc và nốt gân.
Trước khi tiến hành khám tay, bác sĩ sẽ cần nắm được bệnh sử đầy đủ. Mức độ nghiêm trọng của bệnh ngón tay cò súng ở trẻ em và tình trạng trẻ được bác sĩ chia ra như sau:
- Cấp độ I: Đã có những bằng chứng cho thấy tình trạng viêm ở vùng mô ròng rọc A1 của ngón tay bị tật nhưng lại không phát hiện thấy tình trạng bật ngón rõ ràng.
- Cấp độ II: Đã có những bằng chứng cho thấy tình trạng viêm ở vùng mô ròng rọc A1 của ngón tay bị tật với tình trạng bật ngón rõ ràng khi trẻ được yêu cầu duỗi thẳng ngón tay đang trong tư thế gập lại hoàn toàn
- Cấp độ III A: Cấp độ II cũng cho thấy những quan sát tương tự, nhưng ngoài ra, trẻ còn không thể chủ động duỗi hẳn ngón tay vì ngón tay bị khóa ở vị trí uốn gập và chỉ có thể duỗi khi dùng tay còn lại để gỡ ra
- Cấp độ III B: Trẻ không thể gập ngón lại hoàn toàn do bị viêm nặng ở vùng mô ròng A1
- Cấp độ IV: Xuất hiện biến dạng uốn gập cố định tại vùng khớp gian đốt gần do tình trạng viêm kéo dài
2. Điều trị ngón tay cò súng ở trẻ em
Có 3 phương pháp để điều trị ngón tay cò súng ở trẻ em:
2.1 Phương pháp điều trị không cần phẫu thuật, không xâm lấn
Với phương pháp này, bệnh nhân phải dùng liệu trình thuốc chống viêm không chứa steroid kết hợp với việc trị liệu tay, nẹp tay và điều chỉnh hoạt động. Nhìn chung, phương pháp này chỉ được áp dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng này lần đầu hoặc bệnh nhân đang trong cấp độ I hoặc giai đoạn đầu của cấp độ II.
- Bắt đầu điều trị bằng cách nẹp cho khớp bàn đốt duỗi trong 10-14 ngày.
- Có thể dùng thuốc kháng viêm giảm đau không steroid hoặc tiêm corticoid vào màng gân.
- Thể bệnh nhẹ bệnh nhân có thể đến khám ở bác sĩ chuyên khoa xương khớp, chấn thương chỉnh hình để chữa trị bằng thuốc kháng viêm.
2.2 Phương pháp điều trị không cần phẫu thuật, có xâm lấn
Với phương pháp này, cần phải tiêm trực tiếp vào vùng màng bao quanh gân gấp. Thuốc tiêm có chứa hỗn hợp chất gây tê cục bộ và chế phẩm corticosteroid. Hỗn hợp này sẽ giúp chữa viêm ở vùng mô ròng rọc A1 và giảm nhẹ bệnh ngón tay cò súng ở trẻ em. Hiệu quả có thể ngắn hoặc lâu dài và luôn có khả năng tái phát bệnh.
Tuy nhiên không nên tiêm quá nhiều lần. Các bác sĩ chuyên khoa xương khớp khuyến khích tối đa 2 lần tiêm vào 1 ngón tay bị tật, trừ ngón út thì chỉ tiêm 1 lần. Người ta tin rằng corticosteroid có thể gây yếu gân và dẫn tới vỡ (rách) gân nhẹ nếu tiêm chất này quá nhiều lần.
Phương pháp điều trị này được khuyến khích sử dụng nếu phương pháp không xâm lấn không có hiệu quả và áp dụng cho bệnh ở cấp độ II hoặc III.
2.3 Can thiệp phẫu thuật
Sau khi được chẩn đoán, việc điều trị sẽ là giải phóng vị trí gân bị kẹt lại:
- Với phương pháp này, vùng mô ròng rọc A1, mô ròng rọc hình tròn và thậm chí một phần của mô ròng rọc A2 được cắt bỏ thông qua một đường rạch nhỏ ở gốc ngón tay;
- Thời điểm phẫu thuật sẽ do bác sỹ quyết định, hiện tại có thể tiến hành phẫu thuật ở mọi lứa tuổi tuỳ thuộc vào mức độ nặng của bệnh;
- Ở lứa tuổi nhỏ, việc này sẽ tiến hành dưới gây mê, thời gian gây mê ngắn 5-10 phút;
- Rạch da 1 đoạn nhỏ 0.5 – 1cm để giải phóng hoạt động của gân gấp;
- Sau mổ trẻ tỉnh nhanh, xuất viện trong ngày, vết mổ nhỏ, lành tốt, chưa ghi nhận nhiễm trùng hay sẹo xấu;
- Kết hợp với tập vật lý trị liệu thì tỷ lệ hồi phục cử động gần như tuyệt đối;
- Tuy nhiên các bậc phụ huynh sau khi phát hiện nên đưa bé đến khám sớm nhất có thể, vì nếu để lâu gân gấp có thể bị co rút khiến cho việc điều khị khó khăn hơn rất nhiều.
Việc tái phát ngón tay cò súng ở trẻ em sau khi phẫu thuật là rất hiếm gặp. Khi bệnh ở cấp độ IV, bác sĩ có thể thực hiện thêm một thủ thuật để giải phóng khớp gian đốt gần, khớp nối giữa các xương ngón tay giúp ngón có thể uốn gập vào trong lòng bàn tay. Bác sĩ sẽ cần phải rạch thêm một đường khác ở trên vùng khớp này để thực hiện thủ thuật.
Các bậc phụ huynh cần nắm rõ về bệnh ngón tay cò súng và cách điều trị đồng thời cần quan sát kỹ bàn tay của trẻ để kịp thời phát hiện bệnh giúp cho việc điều trị phục hồi chức năng tay cho trẻ được tốt hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.