Hội chứng ruột kích thích là các rối loạn chức năng của đại tràng thường gặp trên lâm sàng, biểu hiện qua các triệu chứng như đau bụng, trướng bụng, táo bón xen kẽ với tiêu chảy,... Hiện nay, vì tính an toàn cao hơn nên ngày càng nhiều bệnh nhân lựa chọn các phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích bằng Đông y.
1. Hội chứng ruột kích thích dựa trên Y Học Hiện Đại
1.1. Định nghĩa
Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome - IBS) hay hội chứng đại tràng co thắt là một rối loạn chức năng ống tiêu hóa mà nhiều nhất là ở đại tràng (ruột già). Hội chứng này đặc trưng bởi các triệu chứng như đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy xen kẽ với táo bào và thay đổi thói quen đại tiện mà không kèm theo bất kỳ tổn thương thực thể, hay thay đổi về mặt giải phẫu nào trên đường ruột.
1.2. Dịch tễ học
Hội chứng ruột kích thích thường gặp ở độ tuổi thanh niên và trung niên từ 30 - 40 tuổi và giảm sau khi qua tuổi 50. Một số báo cáo thống kê cho thấy rằng hội chứng ruột kích thích thường gặp khoảng 10 - 22% dân số, đồng thời chiếm khoảng 25 - 50% số bệnh nhân đến khám ngoại trú với tỉ lệ nữ giới mắc bệnh nhiều hơn gấp 2 lần nam giới. Người ở thành thị, có trình độ học vấn cao, cán bộ, học sinh có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn so với người ở nông thôn, nông dân, công nhân.
1.3. Nguyên nhân
- Vấn đề tâm lý: Lo lắng, suy nghĩ nhiều, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, rối loạn lo âu,... là những yếu tố thúc đẩy hình thành hội chứng ruột kích thích.
- Chế độ ăn: Chế độ ăn không hợp lý, ăn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, độc hại,... là nguyên nhân phổ biến gây ra các rối loạn tiêu hóa, trong đó có hội chứng ruột kích thích.
- Các nguyên nhân khác: Bệnh nhân từng mắc các bệnh lý về đường ruột, các yếu tố về mặt di truyền trong gia đình, thay đổi nội tiết trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc sử dụng thuốc ảnh hưởng đến nội tiết,... là những nguyên nhân làm phát sinh những nhu động ruột bất thường.
1.4. Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
Lâm sàng: Tiêu chuẩn Rome IV (2016): Hội chứng ruột kích thích đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng tái đi tái lại, xảy ra ít nhất 1 ngày mỗi tuần và trong vòng 3 tháng trở lại đây, kèm kết hợp từ hai yếu tố sau trở lên:
- Liên quan đến đi đại tiện.
- Thay đổi hình dạng phân khi đi đại tiện.
- Thay đổi về số lần đi đại tiện.
Cận lâm sàng:
- Công thức máu thường không biểu hiện bất thường.
- Xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng hoặc máu ẩn.
- Siêu âm ổ bụng, cộng hưởng từ ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính bụng (CT - scan bụng) tìm những khối u hay các tổ chức choáng chỗ hoặc các tổn thương khác trong ổ bụng.
- Nội soi đại tràng là công cụ cần thiết dùng để loại trừ các bệnh lý khác trong đại tràng.
- Sinh thiết và xét nghiệm mô bệnh học để chẩn đoán xác định tổn thương ở đại tràng.
2. Hội chứng ruột kích thích theo Y Học Cổ Truyền
Hội chứng ruột kích thích theo Y Học Cổ Truyền hiện nay vẫn chưa có bệnh danh cụ thể, mà chỉ dựa vào các biểu hiện lâm sàng của bệnh từ đó quy nạp thành phạm vị các chứng sau: Phúc thống, Tiết tả, Phúc chướng, Tiện bí.
2.1. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo Y Học Cổ Truyền
Yếu tố khởi phát của chứng này thường do tình chí thất điều dẫn đến Can khí uất kết, từ đó khiến cho công năng giáng nạp đồng thời làm truyền tống của Tỳ Vị bị rối loạn, làm cho bệnh kéo dài và thường tái phát. Kết quả của quá trình này dẫn đến tỳ thận thương tổn thể Tỳ thận dương hư, Tỳ vị hư nhược, Phúc thống, Phúc chướng, Tiện bí và Tiết tả. Ngoài ra, các nguyên nhân khác như tâm lý hoang mang, lo âu vì bệnh tật, tư tưởng không ổn định hoặc do ăn uống thất kiêng khem hay bất thường, không đúng cách cũng có thể dẫn đến chứng Tiết tả.
2.2. Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích theo Y Học Cổ Truyền
- Bệnh danh: Tiết tả, Phúc thống, Phúc chướng, Tiện bí.
- Bát cương: Theo từng thể bệnh.
- Tạng phủ: Tỳ, vị, can, thận.
2.3. Các phương pháp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
- Tránh lo âu, suy nghĩ, căng thẳng hay stress.
- Áp dụng các liệu pháp tâm lý và thư giãn giúp tránh lo lắng thái quá.
- Luyện tập thể dục, tập Yoga thường xuyên và đúng cách.
- Uống nhiều nước mỗi ngày.
- Thực hiện ăn uống đều đặn và đúng giờ.
- Chế độ ăn :
- Tránh các thực phẩm gây đầy hơi như đồ uống có gas, bắp cải, bông cải xanh, bông cải trắng, trái cây sống.
- Tránh ăn các thực phẩm có chứa Gluten như lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen...
- Tránh các thực phẩm FODMAPs chứa đường có thể lên men như fructan, lactose hay fructose,...
2.4. Chữa hội chứng ruột kích thích bằng Đông y
Hiện nay, chữa hội chứng ruột kích thích bằng thuốc nam sẽ được áp dụng tùy theo từng thể bệnh khác nhau. Tuy vậy, phương pháp điều trị chủ yếu vẫn là điều hòa chức năng tỳ vị, chỉ tả nếu có đại tiện phân lỏng, hành khí chỉ thống, nhuận tràng thông tiện nếu đi đại tiện bị táo bón.
Điều trị Tỳ vị hư nhược:
- Các triệu chứng thường gặp do Tỳ vị hư nhược
- Đại tiện phân lỏng, đôi khi đi phân sống, số lượng chất nhầy và số lần đại tiện tăng lên khi ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ.
- Lưỡi bệu, xuất hiện rêu trắng mỏng.
- Người gầy, ăn kém, mệt mỏi.
- Pháp trị: Dưỡng Vị, kiện Tỳ, ích phế chỉ tiết.
- Bài thuốc: Tứ quân thang giảm, bao gồm Bạch truật 12 g, Đảng sâm 12g, Bạch linh 12g, Chích cam thảo 6g, Bạch biển đậu 16 g, Hoài sơn 16 g, Ý dĩ 16g, Thần khúc 16g, Liên nhục 12g, Mạch nha 16g, uống 15 - 20g/ lần chia 3 lần/ ngày, uống kèm với nước táo sắc hoặc nước ấm.
Điều trị Can tỳ bất hòa:
- Các triệu chứng thường gặp do Can tỳ bất hòa
- Đầy tức ngực sườn, rối loạn tiêu hóa, ăn kém, đau bụng, sôi bụng hoặc đại tiện phân lỏng và nát mỗi khi tức giận hoặc lo lắng. hồi hộp
- Chất lưỡng hồng, có rêu trắng mỏng.
- Mạch huyền.
- Pháp trị: Kiện tỳ chỉ tả, Sơ can lý khí.
- Bài thuốc: Thống tả yếu phương thang giảm, bao gồm Bạch truật 12g, Trần bì 6g, Phòng phong 12g, Mộc hương 6g, Sài hồ 6g, Chỉ xác 12g, Cam thảo 6g, Hương phụ 10g, uống 1 thang mỗi ngày.
Điều trị Tỳ thận dương hư:
- Các triệu chứng thường gặp do Tỳ thận dương hư
- Đại tiện ra thức ăn chưa tiêu, đại tiện phân lỏng nát. Cảm giác sôi bụng muốn đại tiện và sau khi đại tiện thì cảm thấy dễ chịu hơn. Khi đau bụng tăng khi gặp lạnh hoặc bệnh dễ xuất hiện sau khi ăn thức ăn sống lạnh. Chân tay lạnh và đau lưng mỏi gối.
- Chất lưỡng nhạt, có rêu trắng mỏng.
- Mạch trầm tế.
- Pháp trị: Cố sáp chỉ tả, Ôn bổ tỳ thận
- Bài thuốc: Phụ tử lý trung hoàn kết hợp Tứ thần hoàn gia giảm, bao gồm Phụ tử 10g, Can khương 10g, Nhục đậu khấu 10g, Ngũ vị tử 6g, Bạch truật 12g, Ngô thù du 6g, Đại táo 100g, Phòng phong 10g, Chích cam thảo 6g, Phá cố chi 15g, tán bột làm hoàn và ngày uống 16 - 20g.
Các phương pháp khác:
- Lá ổi:
- Cách 1: Búp ổi 20g, vỏ măng cụt 20g, gạo rang 20 g, gừng nướng 10g sắc lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
- Cách 2: Búp ổi 20g, củ sả 16g, củ riềng 8g. Thái nhỏ rồi sắc lấy nước đặc uống trong ngày.
- Cách 3: Búp ổi 20g, vỏ quýt khô 10g, gừng nướng chín 10g. Sau đó cắt nhỏ và sắc với 400ml nước ấm uống chia 2 lần trong ngày.
- Củ riềng:
- Cách 1: Rễ và vỏ củ riềng 50g, gừng khô 6g, đun sôi kỹ lấy nước và chia uống 2 lần trong ngày.
- Cách 2: Củ riềng 20g, lá lốt 20g sắc lấy nước uống thay cho nước lọc hằng ngày.
- Hoa chuối:
- Cách 1: Hoa chuối sắc lấy nước, để nguội, khi uống có thể hòa với 1 chén rượu trắng.
- Cách 2: Hoa chuối 10g, gạo 30g, nấu với 1 quả tim lợn và chia ăn trong 10 ngày liên tiếp.
- Cây lược vàng:
- Cách dùng: Nhai sống lá lược vàng trước bữa ăn chia ngày 3 lần hoặc có thể cắt nhỏ lá lược vàng cho vào bình thủy tinh kèm 1 lít nước sôi ngâm trong 12 giờ, chia uống nhiều lần trong ngày.
- Xoa bóp, bấm huyệt: Giúp giảm căng thẳng thần kinh, cải thiện một số triệu chứng do hội chứng ruột kích thích gây ra.
- Châm cứu: Giúp tăng tuần hoàn máu, đồng thời giúp điều hòa nhu động ruột, hay tình trạng co thắt ở đại tràng.
Các phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích theo y học cổ truyền thường đơn giản, giá thành rẻ, dễ thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, hiệu quả của các phương pháp này thường không cao và thường được xem là phương pháp điều trị hỗ trợ chứ không có tác dụng điều trị triệt để. Vì thế, hiện nay một số phương pháp sử dụng đông tây y kết hợp thường mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn cho bệnh nhân.