Điều trị giãn tĩnh mạch ở bà mẹ sau khi sinh con

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Giãn tĩnh mạch là những tĩnh mạch lớn so với bình thường, sưng thường xuất hiện ở chân và bàn chân. Chúng xảy ra khi các van trong tĩnh mạch không hoạt động như bình thường, do đó máu không lưu thông hiệu quả.

Giãn tĩnh mạch hiếm khi cần điều trị vì lý do sức khỏe, nhưng nếu sưng, và đau ở chân, và nếu có cảm giác khó chịu nhiều, bạn nên được điều trị càng sớm càng tốt. Có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau, bao gồm một số biện pháp khắc phục tại nhà. Trong trường hợp nghiêm trọng, giãn tĩnh mạch có thể vỡ, hoặc phát triển thành loét giãn tĩnh mạch trên da. Những điều này sẽ cần điều trị tại các cơ sở y tế. Bài viết này sẽ cung cấp thêm cho bạn những thông tin hữu ích về một số biện pháp điều trị giãn tĩnh mạch ở những bà mẹ sau khi sinh con.

1. Tôi bị giãn tĩnh mạch khi mang thai. Hiện tượng này sẽ bình thường sau khi tôi có con?

Phụ nữ sau khi sinh rất dễ bị suy giãn tĩnh mạch do khi mang thai, nội tiết tố tiết ra trong lúc mang thai sẽ làm mềm và giãn nở tất cả các cơ quan trong đó có tĩnh mạch chân. Cùng với việc phôi thai lớn lên chiếm phần lớn khoang bụng, đè nén trực tiếp vào các tĩnh mạch ở vùng bụng, do đó làm cản sự lưu thông máu của các tĩnh mạch ở chân và tăng sức ép lên thành mạch chân, khi thành mạch không thắng được áp lực sẽ dễ bị giãn nở ra và gây phù do dịch thẩm thấu từ lòng mạch ra các mô xung quanh.

Giãn tĩnh mạch bao gồm giãn tĩnh mạch tay, chân hay vùng mặt ... chúng có xu hướng cải thiện một khi thai kỳ của bạn kết thúc, thường trong vòng ba đến bốn tháng sau khi bạn sinh con, mặc dù đôi khi phải mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, bạn sẽ ít thấy chúng co lại nhiều như vậy nếu bạn bị giãn tĩnh mạch trước khi mang thai, đã mang thai nhiều lần, có tiền sử gia đình bị giãn tĩnh mạch, thừa cân béo phì hoặc có công việc phải đứng trong thời gian dài.


Giãn tĩnh mạch chân rất thường gặp ở phụ nữ sau sinh
Giãn tĩnh mạch chân rất thường gặp ở phụ nữ sau sinh

Suy giãn tĩnh mạch ở giai đoạn sớm không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới mỹ quan người bệnh và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng. Tuy vậy, nếu không kịp thời chữa trị, bệnh có thể dẫn tới biến chứng tắc mạch máu có thể dẫn tới tử vong. Tuy nhiên, suy giãn tĩnh mạch thực sự nguy hiểm khi đa phần người mắc bệnh đều không có hoặc chưa hiểu biết đầy đủ về bệnh tình. Ngoài ra, họ còn ngại đi khám, không điều trị hoặc điều trị không đúng. Điều này dẫn đến những hậu quả rất khó lường.

Các bà mẹ cũng có thể gặp phải tĩnh mạch mạng nhện khi mang thai. Những mạch nhỏ gần kề da thường xuất hiện nhất ở mắt cá chân, trên chân hoặc mặt. Chúng được gọi là tĩnh mạch mạng nhện vì chúng thường có hoa văn giống mạng nhện hoặc tia nắng mặt trời với các nhánh nhỏ tỏa ra từ trung tâm hoặc đôi khi chúng trông giống như các nhánh cây hoặc các đường thẳng nhỏ riêng biệt không có hoa văn cụ thể. Tĩnh mạch mạng nhện không gây khó chịu, chúng thường biến mất hoàn toàn sau sinh.


Giãn tĩnh mạch gây mất thẩm mỹ
Giãn tĩnh mạch gây mất thẩm mỹ

2. Tôi có thể làm gì để giảm thiểu chứng giãn tĩnh mạch?

Các mẹ có thể tham khảo các gợi ý sau để giảm thiểu chứng giãn tĩnh mạch:

  • Tập thể dục hàng ngày. Thậm chí chỉ cần đi bộ nhanh xung quanh nhà có thể giúp ích cho sự lưu thông mạch máu của bạn.
  • Nâng cao chân của bạn bất cứ khi nào có thể. Sử dụng ghế đẩu hoặc hộp để đặt chân lên khi bạn ngồi và kê cao chân trên gối khi bạn nằm.
  • Đừng bắt chéo chân hoặc mắt cá chân khi ngồi.
  • Đừng ngồi hoặc đứng trong thời gian dài mà không nghỉ ngơi để di chuyển.
  • Dùng loại tất đặc biệt. Tất điều chỉnh sức ép, dày gấp đôi so với loại thông thường sẽ là lựa chọn tốt nhất. Những loại tất này có sẵn từ các cửa hàng thiết bị y tế và các hiệu thuốc. Chúng bị bó chặt ở mắt cá chân và lỏng hơn ở phần trên, giúp máu dễ lưu thông về tim bạn. Do đó, chúng giúp ngăn ngừa sưng và có thể tránh cho chứng giãn tĩnh mạch của bạn trở nên tồi tệ hơn. Để điều trị giãn tĩnh mạch chân, hãy mang tất trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng, đồng thời sử dụng chúng cả ngày ngay cả khi bạn nằm. Chúng có thể gây khó chịu, đặc biệt là trong thời tiết nóng, nhưng bị giãn tĩnh mạch còn khó chịu hơn nhiều.
  • Xoa bóp, mát-xa chân với tinh dầu pha loãng hoặc kem dưỡng ẩm các vùng bị ảnh hưởng của suy giãn tĩnh mạch có thể giữ cho máu di chuyển tốt hơn trong tĩnh mạch, có thể giúp giảm đau chân và giảm sưng chân hoặc phù nề do suy giãn tĩnh mạch.
  • Nếu bạn thừa cân béo phì, hãy nói chuyện với bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn về một kế hoạch giảm cân sau sinh an toàn cho mẹ và bé
  • Bạn có thể tập luyện nhẹ nhàng chọn các hình thức ít gắng sức, không tăng áp lực lên chân, do đó không nên tập các môn như tập aerobic, nâng tạ, chạy... Nên đi bộ, đạp xe, bơi lội, như thế sẽ giúp cho việc lưu hồi máu tĩnh mạch từ chân về tim được dễ dàng hơn, giảm các triệu chứng lâm sàng. Điều cần thiết là phải giữ cho cổ chân được di động liên tục. Khi tập luyện cũng không nên nín thở vì nín thở làm tăng áp lực máu. Một số tư thế yoga cũng tốt cho bệnh suy giãn tĩnh mạch như tư thế hổ mang, tư thế trồng chuối, tư thế cây nến, cái cày...

Đi bộ nhẹ nhàng giúp làm giảm các triệu chứng của giãn tĩnh mạch
Đi bộ nhẹ nhàng giúp làm giảm các triệu chứng của giãn tĩnh mạch

Bổ sung vào chế độ ăn giàu kali như hạnh nhân và các loại hạt, quả như đậu lăng, khoai tây, rau lá xanh, một số loại cá biển...và thực phẩm giàu chất xơ dễ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Bổ sung các loại thực phẩm có chứa flavonoid giúp cải thiện lưu thông máu và làm giảm nguy cơ máu tích tụ trong tĩnh mạch. Chúng cũng giúp giảm huyết áp trong các động mạch và có thể làm giãn mạch máu, giảm tình trạng giãn tĩnh mạch.

Trắc nghiệm: Những điều cần biết về kiêng cữ sau sinh

Sau sinh, cơ thể sản phụ sẽ có rất nhiều sự thay đổi, việc thực hiện tốt các kiêng cữ sau sinh và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình hồi phục sức khỏe. Bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp mọi người có cái nhìn tổng quan về kiêng cữ sau sinh và thực hiện sao cho phù hợp nhất.

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Tạ Quốc Bản , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Tạ Quốc Bản
Tạ Quốc Bản
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Sản phụ khoa
Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

3. Có cách nào để thoát khỏi chứng giãn tĩnh mạch?

Nếu chứng giãn tĩnh mạch của bạn không cải thiện sau khi bạn sinh con và khiến bạn khó chịu, hoặc ngay cả khi bạn không hài lòng với vẻ ngoài của chúng, bạn có nhiều lựa chọn khác nhau để điều trị chúng. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng ngay cả khi bạn thoát khỏi chứng giãn tĩnh mạch, các tĩnh mạch khác có thể bị giãn tĩnh mạch trong tương lai, đặc biệt nếu bạn dễ bị di truyền, mang thai lần nữa hoặc thừa cân. Vì vậy, tùy thuộc vào tình huống của bạn, bạn có thể được khuyên nên trì hoãn điều trị cho đến khi bạn sinh con xong.


Giãn tĩnh mạch sẽ không cải thiện nếu bạn tiếp tục mang thai
Giãn tĩnh mạch sẽ không cải thiện nếu bạn tiếp tục mang thai

Nếu bạn quan tâm đến việc tìm hiểu về các lựa chọn điều trị hoặc bác sĩ của bạn quan tâm và nghĩ rằng đôi chân của bạn cần được bác sĩ chuyên khoa đánh giá, họ sẽ giới thiệu bạn đến một bác sĩ hoặc phòng khám chuyên về rối loạn mạch máu. Một chuyên gia (chẳng hạn như bác sĩ phẫu thuật mạch máu hoặc da liễu) sẽ kiểm tra chân của bạn và có thể yêu cầu siêu âm đặc biệt để có một bức tranh đầy đủ hơn về vấn đề của bạn. Sau khi đánh giá bạn, chuyên gia sẽ phác thảo các lựa chọn của bạn và các rủi ro, lợi ích và chi phí của các quy trình khác nhau có thể được sử dụng để điều trị vấn đề của bạn.

Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, và phương pháp mà bạn sử dụng sẽ phụ thuộc vào mức độ suy tĩnh mạch của bạn nghiêm trọng như thế nào. Đôi khi phương án tốt nhất là sự kết hợp của các kỹ thuật. Nếu chứng giãn tĩnh mạch của bạn gây ra các triệu chứng hoặc chuyên gia xác định rằng sự lưu thông ở chân của bạn bị tổn hại, bảo hiểm của bạn có thể chi trả cho tư vấn và phương pháp điều trị cần thiết, các quá trình thực hiện vì lý do thẩm mỹ sẽ không được bảo hiểm chi trả.

4. Suy tĩnh mạch có nghiêm trọng?

Giãn tĩnh mạch có thể ngứa hoặc đau, và chúng có thể khó coi, nhưng nói chung chúng vô hại trong thời gian ngắn. Nhưng đối với một số phụ nữ - những người có vấn đề về tuần hoàn không tự cải thiện sau khi mang thai và không được điều trị sau đó - tình trạng có thể tiến triển theo thời gian. Cuối cùng, nó có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như sưng, thay đổi da, loét chân, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu...

Một tỷ lệ nhỏ những người bị giãn tĩnh mạch phát triển các cục máu nhỏ gần bề mặt da (một tình trạng gọi là huyết khối tĩnh mạch nông). Khi loại cục máu đông này phát triển, tĩnh mạch có thể cảm thấy cứng và giống như dây thừng, và khu vực xung quanh nó có thể trở nên đỏ, nóng, đau khi chạm vào. Những cục máu này hiếm khi nghiêm trọng, nhưng các mẹ hãy nhớ chia sẻ với bác sỹ để điều trị kịp thời nhé.


Giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở cổ chân
Giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở cổ chân

Đôi khi, khu vực xung quanh cục máu đông bị nhiễm trùng (trong trường hợp đó bạn có thể bị sốt hoặc ớn lạnh), và bạn sẽ cần được điều trị kịp thời bằng kháng sinh. Cũng gọi cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu một trong hai chân của bạn bị sưng lên hoặc có vết loét, đồng thời da gần tĩnh mạch thay đổi màu sắc. Những triệu chứng này cho thấy một vấn đề nghiêm trọng hơn về lưu thông máu

Các mẹ đừng nhầm lẫn huyết khối tĩnh mạch nông với một tình trạng nghiêm trọng gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu, trong đó cục máu đông phát triển trong các tĩnh mạch sâu, thường ở chân. Mang thai khiến bạn dễ bị huyết khối tĩnh mạch sâu hơn dù bạn có bị giãn tĩnh mạch hay không, nhưng nó không phổ biến. Tỷ lệ này trong khi mang thai hoặc trong những tuần sau khi bạn sinh là khoảng 1/ 1.000. (Phụ nữ bị rối loạn đông máu hoặc nằm trên giường kéo dài có nguy cơ cao hơn.)

Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể không có triệu chứng, hoặc bạn có thể bị sưng đau đột ngột, đau ở mắt cá chân, chân và đùi. Nó có thể đau hơn khi đứng hoặc gập chân lại, và bạn cũng có thể bị sốt nhẹ. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy gọi cho bác sĩ của bạn ngay lập tức.


Giãn tĩnh mạch có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch

Trong trường hợp bạn bị một trong những cục máu đông này, bạn sẽ cần phải nhập viện và điều trị bằng thuốc để làm loãng máu. Nếu không được điều trị, cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển đến phổi, một tình trạng đe dọa tính mạng được gọi là thuyên tắc động mạch phổi. Các dấu hiệu của tắc mạch phổi bao gồm khó thở, thở đau, ho (hoặc ho ra máu), cảm giác hoảng loạn và nhịp tim nhanh và nên nhanh chóng tới bệnh viện.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe