Chứng rối loạn giọng nói là tình trạng giọng nói thay đổi khác thường do nhiều nguyên nhân gây ra. Tình trạng này cần được bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng chẩn đoán và điều trị kịp thời.
1. Chứng rối loạn giọng nói là gì?
Rối loạn giọng nói là tình trạng bệnh lý khiến giọng nói của người bệnh thay đổi khác thường so với giọng nói trước đây. Khi gặp phải chứng rối loạn giọng nói, người bệnh có thể tự nhận thấy những biến đổi của một hoặc nhiều đặc tính ở giọng nói của bản thân mình như rối loạn về tần số, cường độ, sự thay đổi về âm sắc hay chất lượng giọng nói.
2. Một số dạng rối loạn giọng nói thường gặp
2.1. Viêm thanh quản
Viêm thanh quản được xem là một trong những dạng rối loạn giọng nói khá phổ biến. Viêm thanh quản là bệnh lý xảy ra khi dây thanh âm bị kích thích trở nên sưng to, khiến giọng của người bệnh bị khàn, thậm chí là mất giọng. Tình trạng viêm thanh quản cấp tính thường xảy ra do virus tấn công vào đường hô hấp trên gây ra, thông thường bệnh chỉ kéo dài trong vòng một vài tuần. Tuy nhiên đối với viêm thanh quản mãn tính, thời gian mắc bệnh sẽ diễn ra lâu hơn, đa phần bệnh nhân mắc bệnh đều liên quan đến các tình trạng ho mãn tính, hen suyễn hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
2.2. Chứng rối loạn giọng nói do liệt dây thanh âm
Trong một số trường hợp rối loạn giọng nói, dây thanh âm bị liệt một phần hoặc liệt hoàn toàn có thể là nguyên nhân. Liệt dây thanh âm có thể do dây thần kinh thanh quản bị ảnh hưởng bởi tình trạng nhiễm trùng, chấn thương khi phẫu thuật, đột quỵ hoặc bệnh lý ung thư.
2.3. Khó phát âm do co thắt
Khó phát âm do co thắt là bệnh lý thần kinh tác động lên hoạt động của dây thanh âm, khiến các cơ ở xung quanh thanh quản co thắt không tự chủ, dẫn đến giọng nói trở nên run rẩy, đứt quãng, yếu giọng, khàn giọng...
2.4. Polyp, hạt xơ hay u nang thanh quản
Polyp, hạt xơ hay u nang thanh quản là những tình trạng tổn thương lành tính của dây thanh âm, làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của dây thanh âm, khiến giọng nói của bệnh nhân bị thay đổi.
2.5. Ung thư thanh quản
Ung thư thanh quản là một căn bệnh u ác tính của dây thanh, phổ biến nhất là ung thư biểu mô thanh quản gây rối loạn giọng nói, làm giọng trở nên khàn đặc kéo dài, thậm chí có thể gây khó thở.
3. Kỹ thuật chẩn đoán rối loạn giọng nói
- Nội soi tai mũi họng thanh quản;
- Nội soi hoạt nghiệm thanh quản: là kỹ thuật sử dụng nguồn sáng sợi quang học để quay lại hình ảnh di chuyển chậm hoạt động của dây thanh âm. Kỹ thuật này giúp khảo sát được hình thể, chức năng dây thanh, cũng như phát hiện được các tổn thương dây thanh nào đã gây ảnh hưởng đến chức năng phát âm của người bệnh, từ đó giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý dây thanh và làm bằng chứng y khoa để theo dõi điều trị, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà cách khắc phục.
- Đo điện thanh đồ (EGG) giúp phân tích giọng nói, phân tích giọng hát, đo hình thể của biên độ giọng nói, đo chỉ số độ nặng của tình trạng rối loạn phát âm, thực hiện nghiệm pháp nói gắng sức, đo chỉ số khiếm khuyết giọng nói...
4. Điều trị rối loạn giọng nói
Phương pháp điều trị rối loạn giọng nói được lựa chọn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Theo đó, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị rối loạn giọng nói phù hợp nhất cho người bệnh. Nguyên tắc của điều trị rối loạn giọng nói này là bảo tồn cấu trúc giải phẫu tối đa, khôi phục chức năng của thanh quản, tập trung điều trị nguyên nhân gây bệnh rối loạn giọng và đề ra biện pháp dự phòng nhằm ngăn ngừa bệnh tái phát:
4.1. Điều trị rối loạn giọng nói bằng thuốc (điều trị nội khoa)
Một số nguyên nhân gây ra chứng rối loạn giọng có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc bao gồm:
- Thuốc kháng sinh;
- Thuốc chống nấm;
- Kháng viêm nhóm Steroid và các loại thuốc chống viêm không steroid;
- Thuốc điều trị dị ứng;
- Thuốc điều trị trào ngược dạ dày – thực quản;
- Thuốc trị bệnh lý thần kinh gây rối loạn giọng nói;
- Thuốc trị rối loạn họng dùng theo đường uống, tiêm, hoặc xịt họng, khí dung...
Người bệnh rối loạn giọng nói cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý điều trị rối loạn giọng nói hoặc thay đổi liều lượng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
4.2. Trị liệu giọng nói – ngôn ngữ
Phương pháp điều trị rối loạn giọng nói bằng trị liệu giọng nói – ngôn ngữ còn được gọi là phương pháp luyện giọng, thường được chỉ định các trong trường hợp sau đây:
- Rối loạn giọng nói chức năng, không có tổn thương thực thể dây thanh âm..;
- Rối loạn giọng có kèm theo tình trạng tổn thương thực thể gây rối loạn chức năng phát âm như: viêm dày, hạt xơ, nang, polyp dây thanh âm...;
- Trị liệu giọng nói trước và sau khi thực hiện phẫu thuật dây thanh quản;
- Hỗ trợ điều trị rối loạn giọng nói do nguyên nhân thần kinh.
4.3. Phẫu thuật điều trị rối loạn giọng nói
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh điều trị rối loạn giọng nói bằng phẫu thuật khi điều trị nội khoa và trị liệu giọng nói không đem lại hiệu quả tích cực. Các trường hợp điều trị rối loạn giọng nói chỉ định phẫu thuật thường là:
- Tổn thương lành tính dây thanh âm do bệnh nhân lạm dụng giọng nói quá mức và các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả khả quan;
- Bệnh nhân có bất thường trong cấu trúc của dây thanh nhưng không được chỉ định điều trị bảo tồn: rãnh dây thanh, nang dây thanh, u nhú dây thanh, màng chân vịt...;
- Rối loạn giọng nói do nguyên nhân thần kinh, điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả;
- Rối loạn giọng do tình trạng chấn thương nghiêm trọng, làm gãy vỡ, lệch khung sụn của thanh quản.
5. Phòng ngừa rối loạn giọng nói
- Bổ sung đầy đủ nước cơ thể cần mỗi ngày để bảo vệ giọng nói tốt hơn;
- Tránh sử dụng quá sức dây thanh: la hét lớn, tằng hắng nhiều, nói quá nhiều.
- Không hút thuốc lá, giảm sử dụng caffeine, giảm uống rượu bia.
- Phòng ngừa tình trạng trào ngược dạ dày thực quản: ăn đúng bữa, tránh ăn quá khuya, uống thuốc dạ dày theo chỉ định.
Bệnh nhân nên chú ý nhận biết dấu hiệu sớm khi rối loạn giọng nói xảy ra và nhanh chóng đến khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được nội soi họng thanh quản, đồng thời làm các nghiệm pháp cần thiết khi có bất thường xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.