Điều trị bệnh van động mạch chủ với kỹ thuật mổ tim mở ít xâm lấn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Khiêm Huy - Bác sĩ Hồi sức tim - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Đối với bệnh nhân mắc bệnh lý van động mạch chủ, phương pháp điều trị chủ yếu thường là phẫu thuật thay van tim. Có hai phương pháp phẫu thuật thay van tim, trong đó kỹ thuật mổ tim hở ít xâm lấn có nhiều ưu điểm vượt trội so với đường mổ kinh điển. Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật nào còn tùy theo mức độ bệnh và tổng trạng của mỗi bệnh nhân.

1. Bệnh lý van động mạch chủ là gì?

Tim là một trong những cơ quan quan trọng của cơ thể, tim có bốn buồng và được chia thành hai bên, tim bên trái giúp bơm máu giàu oxy (máu động mạch) đi nuôi các cơ quan và tim bên phải bơm máu ít oxy (máu tĩnh mạch) lên phổi để trao đổi khí.

Để đảm bảo dòng máu đi theo một chiều nhất định, tim có chứa các van chống trào ngược, mỗi bên của tim có 2 van. Tim trái có van hai lá và van động mạch chủ, tim phải có van ba lá và van động mạch phổi.


Bệnh lý hở van động mạch chủ rất nguy hiểm
Bệnh lý hở van động mạch chủ rất nguy hiểm

Van động mạch chủ có vai trò ngăn cách giữa tâm thất trái và động mạch chủ (là mạch máu lớn nhất dẫn máu đi nuôi cơ thể). Van giúp dòng máu không chảy ngược về tâm thất trái khi tim giãn ra để nhận máu về (thời kỳ tâm trương)

Bạn có thể được bác sĩ tư vấn phẫu thuật thay van động mạch chủ khi mắc các bệnh lý sau:

Hở van động mạch chủ: là tình trạng van động mạch chủ đóng không kín làm dòng máu chảy ngược về tâm thất trái khi tim giãn ra (thì tâm trương).

Hẹp van động mạch chủ: là tình trạng van động mạch chủ mở không trọn vẹn làm hạn chế dòng máu đi nuôi cơ thể.

2. Điều trị bệnh van động mạch chủ

Phẫu thuật thay van động mạch chủ có thể được thực hiện qua các đường mổ:

Đường mổ kinh điển: đường mở ngực giữa xương ức.

Đường mổ ít xâm lấn: đường mở ngực ở liên sườn 2 và đường mở ngực 1/2 xương ức phía trên.

Một trong những lợi ích của việc mổ thay van động mạch chủ ít xâm lấn là vết mổ nhỏ, ít làm tổn thương các mô, do đó thời gian hồi phục sẽ nhanh hơn, người bệnh ít đau hơn so với đường mổ lớn và làm tổn thương nhiều mô. Tuy nhiên, kỹ thuật ít xâm lấn bao giờ cũng khó hơn, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa phẫu thuật viên, gây mê và chạy tuần hoàn ngoài cơ thể. Ngoài ra, cũng cần nhiều trang thiết bị chuyên dụng hơn so với đường mổ thông thường.

Người bệnh sẽ được tư vấn và chọn cách phẫu thuật phù hợp nhất tùy theo mức độ bệnh và tổng trạng: Những trường hợp người bệnh có nguy cơ phẫu thuật cao, cấu trúc cơ thể không phù hợp hoặc phẫu thuật lại sẽ được thực hiện phẫu thuật kinh điển (đường mở giữa xương ức); Những trường hợp cấu trúc cơ thể thích hợp và mổ lần đầu sẽ được thực hiện phẫu thuật mổ tim hở ít xâm lấn.

Những trường hợp chống chỉ định phẫu thuật mổ tim hở ít xâm lấn:

● Bệnh tim có nguy cơ cao, suy tim rất nặng: hiện nay một số bệnh lý đa van, chức năng tim giảm cũng đã được điều trị bằng kỹ thuật mổ tim hở ít xâm lấn, tuy nhiên cần chỉ định khi ê kíp đã có nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật này;

● Tình trạng bệnh lý nặng cần bắc cầu nhiều vùng động mạch vành khi phẫu thuật;

● Tiền sử bệnh phổi có gây dính phổi vào thành ngực (trong trường hợp dự trù mổ qua đường thành bên ngực);

● Bệnh tim bẩm sinh phức tạp;

● Bệnh nhân có lồng ngực biến dạng không phù hợp cho kỹ thuật;

● Chống chỉ định tương đối: Bệnh nhân mổ tim lại lần 2 trở đi; Bệnh nhân béo phì.


Mổ tim mở ít xâm lấn là phương pháp điều trị bệnh van động mạch chủ hiệu quả
Mổ tim mở ít xâm lấn là phương pháp điều trị bệnh van động mạch chủ hiệu quả

3. Kỹ thuật mổ tim mở ít xâm lấn để điều trị bệnh van động mạch chủ

3.1 Chuẩn bị trước mổ

● Ngừng các thuốc tim mạch, kháng đông và chống ngưng tập tiểu cầu như mổ tim thường quy.

● Xét nghiệm tiền phẫu:

○ Siêu âm tim qua thành ngực

○ Siêu âm tim qua thực quản (trường hợp siêu âm tim qua thành ngực nhưng hình ảnh chưa đánh giá được)

○ X-quang ngực thẳng

○ Điện tâm đồ

○ MSCT mạch vành

○ Chụp DSA mạch vành

○ Sinh hóa máu

○ Các xét nghiệm khác của kỹ thuật mổ tim hở

3.2. Quá trình phẫu thuật

Trước khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân giúp bạn ngủ và không có cảm giác đau.

Lựa chọn đường mổ:

● Đường mở ngực trước bên phải qua liên sườn 2.

● Hoặc đường mở dọc xương ức 1⁄2 trên đến mức liên sườn 3 hoặc 4 có kết hợp cắt ngang xương ức sang phải hoặc không.

Sau khi thực hiện các đường mổ cần thiết, người bệnh sẽ được kết nối với hệ thống máy tim phổi nhân tạo. Lúc này, tim và phổi của người bệnh sẽ ngưng hoạt động và bác sĩ phẫu thuật có thể tiếp cận van động mạch chủ. Nếu van của bạn hư hại nhiều và không thể sửa chữa, bác sĩ sẽ cắt bỏ van cũ và thay vào van nhân tạo.

Có hai loại van nhân tạo có thể được sử dụng cho bạn: van cơ học và van sinh học.

Van cơ học: được làm từ hợp kim nhân tạo (gồm titanium và carbon). Loại van này có thời gian tồn tại lâu hơn, giá thành thấp hơn. Tuy nhiên bạn phải uống thuốc kháng đông đến suốt đời để giúp ngăn hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn van.

Van sinh học: được làm từ các vật liệu tự nhiên, thường là màng tim heo hoặc màng tim bò. Loại van này tồn tại trong khoảng từ 10 – 20 năm trong cơ thể người tùy theo tuổi của bệnh nhân. Tuy giá thành cao hơn và kém bền hơn, lợi thế của van sinh học là sau mổ ba tháng bạn không cần phải uống thuốc kháng đông.

Nếu bạn có hẹp động mạch vành đi kèm, bác sĩ cũng sẽ thực hiện các cầu nối mạch vành trong cùng một lần mổ.

Sau khi kiểm tra hoạt động của van mới thay, bác sĩ phẫu thuật sẽ:

● Đóng vết mổ trên động mạch chủ.

● Đặt các ống xung quanh tim để dẫn máu ra ngoài, tránh ứ đọng máu xung quanh tim gây ra tình trạng chèn ép tim cấp, đây là một tình trạng cấp cứu rất nặng.

● Khâu các mũi chỉ thép quanh xương ức (phẫu thuật kinh điển) hoặc khâu cơ thành ngực (phẫu thuật ít xâm lấn).

3.3. Tai biến có thể xảy ra sau phẫu thuật:

Với những tiến bộ ngày nay của phẫu thuật tim và gây mê hồi sức, tỉ lệ tai biến và biến chứng trong phẫu thuật thay van động mạch chủ đã giảm xuống rất thấp, ở mức < 5%. Các rủi ro có thể xảy ra là:

● Chảy máu, có thể cần phải phẫu thuật lại để cầm máu;

● Nhiễm trùng vết mổ;

● Nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi;

● Nhiễm trùng van tim nhân tạo;

● Rối loạn nhịp tim;

● Suy thận;

● Tai biến mạch máu não;

● Nhồi máu cơ tim.

4. Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật mổ tim hở

Ngay khi kết thúc phẫu thuật:

● Theo dõi tình trạng chảy máu, suy tim, loạn nhịp tim, suy thận, biến chứng tắc mạch, tụ máu tại vùng bẹn vị trí đặt canule.

● Sau khi mổ, bạn được chuyển lên khu hồi sức chăm sóc đặc biệt khoảng 1 – 2 ngày nếu mọi thứ ổn định, sau đó bạn sẽ được nằm ở khu chăm sóc sau mổ khoảng 5 – 7 ngày và được xuất viện. Người bệnh có thể được đặt từ 2 đến 3 ống dẫn lưu ở ngực để dẫn lưu máu ra ngoài, các ống này thường được rút sau 1 – 2 ngày nếu không có chảy máu.

Sau khi lên nội trú tại khoa Ngoại tim mạch:

● Theo dõi rối loạn nhịp và tình trạng nhiễm trùng

● Vận động ngay khi có thể

● Thuốc (nếu cần)

● Bạn có thể có một đường truyền tĩnh mạch lớn ở cổ và các đường truyền nhỏ ở tay, chân để truyền dịch, các điều dưỡng sẽ theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn của bạn (mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, ...).

● Bạn sẽ được làm xét nghiệm máu thường xuyên đến khi xuất viện để đảm bảo tim và các cơ quan quan trọng vẫn hoạt động tốt.

● Người bệnh có thể được đặt 1 hoặc 2 dây điện cực tạm thời để đề phòng những rối loạn nhịp tim nguy hiểm, các dây này sẽ được rút sau 3 – 5 ngày khi nhịp tim đã ổn định.

● Người bệnh sẽ được tư vấn tâm lý và hướng dẫn tập vật lý trị liệu hô hấp sau phẫu thuật.

● Khi xuất viện, bạn cần khoảng 4 – 6 tuần để hồi phục hoàn toàn

Tái khám:

● Tái khám tại phòng khám sau 7 ngày, 30 ngày và sau đó định kỳ theo lịch hẹn.

● Bạn sẽ được chỉnh liều thuốc kháng đông (nếu cần) và được chỉ định thuốc phòng thấp tim.

● Biến chứng sau ra viện có thể xảy ra bao gồm: tràn dịch màng tim, hở cạnh van, shunt tồn lưu. Vì vậy, cần theo dõi điện tâm đồ (ECG) và siêu âm tim kiểm tra định kỳ để phát hiện và xử trí kịp thời.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, mổ tim hở là phẫu thuật được thực hiện rất phổ biến, điều trị nhiều bệnh tim mạch. Đặc biệt, tại Hội nghị gây mê giảm đau thế giới lần 43 diễn ra tại New York, Vinmec đã công bố thành công mổ tim hở không Morphin giảm đau, kết hợp sử dụng kĩ thuật gây tê giảm đau vùng mới ESP. Điều này đã giúp hàng trăm bệnh nhân thoát khỏi những cơn đau sau phẫu thuật cũng như các tác dụng phụ khi sử dụng morphin như: thời gian phục hồi và lưu viện lâu, người bệnh buồn nôn, nôn, ngứa, suy hô hấp, bị phụ thuộc, từ đó gây nên hội chứng tăng cảm giác đau, đau mạn tính sau mổ.

Để tìm hiểu về kỹ thuật mổ tim hở ít xâm lấn tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe