Thật là một cú sốc lớn khi nhận được tin rằng một người thân hay bạn bè nào đó mắc bệnh ung thư vú. Phản ứng đầu tiên của chúng ta là muốn biết chi tiết và đặt các câu hỏi trong quá trình chăm sóc người bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, việc đặt quá nhiều câu hỏi sẽ gây nên tâm lý khó khăn, e dè cho người bệnh. Sau đây là một số điều mà những người ung thư vú muốn bạn biết!
1. Ung thư vú là gì?
Ung thư vú là một căn bệnh mà các tế bào trong vú phát triển ngoài tầm kiểm soát. Ung thư vú có thể bắt đầu ở các bộ phận khác nhau của vú (tiểu thùy, ống dẫn và mô liên kết) nhưng hầu hết các bệnh ung thư vú thường khởi đầu trong các ống dẫn hoặc các tiểu thùy của vú. Nếu không được điều trị kịp thời, ung thư vú có thể lây lan ra bên ngoài vú thông qua các mạch máu và mạch bạch huyết đến các quan gọi là ung thư vú di căn.
2. Một số điều mà bạn cần chú ý khi có người thân, bạn bè mắc ung thư vú
Chăm sóc người bệnh ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng là một công việc khó khăn và đòi hỏi sự tinh tế, bởi vì những người bệnh ung thư thường rất nhạy cảm và tâm trạng thường ở trạng thái chán nản, lo lắng. Ung thư vú ảnh hưởng đến 1/8 phụ nữ - mẹ, con gái, chị em gái, vợ và bạn bè - và gây ra rất nhiều lo lắng cho phụ nữ nói chung. Người thân bị ung thư vú phải làm sao? Mình có thể làm gì để giúp chăm sóc người bệnh ung thư vú là những điều mà bạn quan tâm. Vì vậy, nếu có người thân hay bạn bè đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư vú, bạn cần lưu tâm một số điều sau:
2.1. Chủ động giúp đỡ
Đừng nói rằng “Hãy gọi cho tôi khi cần nhé!” vì bạn có thể sẽ chẳng bao giờ nhận được cuộc gọi nào từ những người thân bị bệnh ung thư bởi lẽ đơn giản họ ngại phải nhờ vả. Tốt hơn hết là nên chia sẻ cụ thể về những gì bạn có thể giúp đỡ những người bệnh ung thư vú. Ví dụ như hãy nói “ Tôi có thể giúp bạn làm việc nhà vào thứ 3 hoặc thứ 5”, hoặc “Tôi sẽ làm món súp hầm, bạn thích thêm vào thành phần nào hay có nguyên liệu nào tôi nên tránh không?” Hoặc nếu bạn đang chăm sóc người bệnh ung thư vú vừa trải qua phẫu thuật xong, hãy giúp họ các vấn đề vệ sinh cá nhân như gội đầu chẳng hạn bởi vì họ không thể tự làm được.
2.2. Ủng hộ các quyết định của người bệnh ung thư vú
Đừng cố gắng thay đổi quyết định của người bệnh, việc tái tạo vú không phải là điều ngờ nghệch. Phẫu thuật cắt bỏ vú một hoặc cả hai vú là một thử thách và nhiều phụ nữ cảm thấy đau lòng khi mất đi những bộ phận nhạy cảm như vậy. Tái tạo vú có thể dựng lại hình dáng của vú, tuy nhiên nó không giống với việc nâng ngực, phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để có thể làm được điều đó. Một vài phụ nữ quyết định không thực hiện cuộc phẫu thuật nào. Bất kể người thân của bạn lựa chọn thế nào, hãy chấp nhận quyết định của họ.
2.3. Chú ý trong lời nói và chia sẻ
Ung thư không phân biệt tuổi tác: Một người mắc bệnh khi họ ở độ tuổi khoảng 20 tuổi hay 30 tuổi sẽ cảm thấy rất phiền lòng khi nghe người khác nói “Bạn còn quá trẻ, làm sao mà có thể mắc bệnh ung thư vú được chứ?”Hoặc những người trẻ bị bệnh ung thư có thể cảm thấy bị cô lập bởi vì những người mắc bệnh ung thư vú khác hầu như đã lớn tuổi. Nếu bạn bè người thân bạn mắc ung thư vú khi còn trẻ, hãy chọn thời điểm khi họ cảm thấy thoải mái để động viên họ tìm các nhóm người trẻ mắc bệnh ung thư vú vì những người này có thể thấu hiểu những gì mà họ đang phải trải qua.
Đàn ông cũng mắc bệnh ung thư vú: Có hơn 2500 nam giới được chẩn đoán mắc ung thư vú mỗi năm ở Anh. Nếu đó là một người đàn ông mà bạn biết, đừng hỏi tại sao anh ta lại mắc một “căn bệnh của phụ nữ” hoặc cứ nằng nặc cho rằng đó là một chẩn đoán sai lầm. Nam giới mắc ung thư vú thậm chí cần được hỗ trợ nhiều hơn bởi bị họ cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Quan trọng nhất là hãy khuyến khích những người nam giới mà bạn biết đến bác sĩ khám và kiểm tra ngay khi có bất kỳ khối u nào ở vú.
Không chia sẻ những kinh nghiệm về dự phòng ung thư khi chăm sóc bệnh nhân ung thư vú bởi vì những điều này không có ích cho tình trạng của họ lúc này. Bạn hãy giữ những quan điểm về dự phòng ung thư cho riêng bạn.
Mỗi trường hợp bệnh đều là riêng biệt, và đáp ứng với điều trị của mỗi người cũng khác nhau. Một số loại tiến triển nhanh, một số khác chậm, một số loại dễ điều trị hơn những loại khác. Bạn có thể không biết chính xác rằng bạn mình đang mắc loại ung thư vú nào, thậm chí bản thân họ cũng không biết chính xác về điều đó. Vì vậy đừng nói, “Tôi có một người họ hàng mắc ung thư vú và nó thật đáng sợ” hay “Bạn của tôi mắc ung thư vú và nó không phải là một vấn đề lớn, nó sẽ được chữa lành nhanh thôi”,...
Đừng gặng hỏi, hãy để họ tự bộc bạch về căn bệnh của mình. Có lẽ, họ muốn được chia sẻ nhiều hơn về chính căn bệnh của họ hơn là bản thân họ. Nhưng việc gặng hỏi sẽ khiến người bệnh không thoải mái. Vì vậy, bạn hãy cố gắng giữ cuộc trò chuyện tập trung vào những điều thông thường hằng ngày, lũ trẻ, kỳ nghỉ gần đầy hoặc một chương trình truyền hình mà cả hai đều thích. Nếu họ muốn nói về ung thư, họ sẽ tự mở lời.
2.4. Học cách chấp nhận
Việc đối mặt với ung thư không phải là một điều dễ dàng đối với cả bản thân người bệnh và cả những người chăm sóc. Bệnh ung thư vú phải làm sao để điều trị và liệu nó thể bình phục không là điều chúng ta quan tâm. Bạn nên nhớ rằng, quá trình chữa trị là một hành trình dài. Nhiều bệnh nhân ung thư vú cần dùng thuốc từ 5 - 10 năm để ngăn ngừa bệnh tái phát. Những loại thuốc này có thể gây ra những tác dụng không mong muốn như đau nhức xương khớp, thay đổi tâm trạng, mệt mỏi. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các loại thuốc khác như thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau,... để chống lại những tác dụng không mong muốn đó. Hãy biết rằng người thân của bạn sẽ không thể trở lại “con người cũ” của họ trong một thời gian.
Liệu trình điều trị kết thúc, và không còn dấu hiệu nào của ung thư. Đó là một tin tốt, nhưng một số bệnh nhân vẫn còn những vấn đề tâm lý cần được chữa trị. Người thân của bạn có thể có một số dấu hiệu rối loạn căng thẳng sau sang chấn như ngủ không ngon giấc, quấy khóc..., họ có thể liên tục kiểm tra các khối u và vết sưng. Thay vì yêu cầu họ “hãy trở lại bình thường”, bạn hãy khuyến khích họ nói chuyện với bác sĩ. Thuốc và các phương pháp trị liệu khác có thể có ích hơn.
2.5. Tạo niềm vui từ những điều nhỏ bé
Bệnh nhân ung thư vú thật sự cần những suy nghĩ và lời cầu nguyện của bạn dành cho họ, ngay cả khi bạn đã không liên lạc với họ trong nhiều năm. Hãy cho họ biết rằng bạn vẫn luôn nghĩ đến họ bằng cách để lại một lời nhắn hoặc một tấm bưu thiếp trong thư điện tử của họ. Thậm chí chỉ cần một tin nhắn văn bản cũng có thể làm một ngày của họ trở nên rạng rỡ. Có thể họ sẽ khó để hồi đáp lại ngay lập tức, nhưng bạn hãy biết rằng những suy nghĩ và lời chúc tốt đẹp của bạn đều được trân trọng.
Như vậy, ung thư vú là một căn bệnh cần quá trình dài để điều trị và hồi phục. Nếu bạn có người thân hay bạn bè bị ung thư vú, hãy chủ động giúp đỡ chăm sóc cũng tạo những niềm vui để giúp họ vượt qua nỗi lo lắng khi mắc bệnh ung thư vú.
Để sớm phát hiện ra căn bệnh ung thư vú, bạn nên tầm soát ung thư vú thường xuyên, nhất là nhóm đối tượng trên 40 tuổi, có nguy cơ cao mắc căn bệnh này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.