Điều gì là quan trọng về độ pH của da?

Độ pH của da là một chủ đề không chỉ được quan tâm trong ngành chăm sóc làm đẹp mà còn có ý nghĩa lâm sàng có liên quan đến chức năng quan trọng của lớp sừng. Nhiều bằng chứng khoa học cơ bản thuyết phục cho thấy, độ pH của da là một yếu tố quan trọng trong việc cân bằng nội môi, tính toàn vẹn và bảo vệ chống vi khuẩn của da. Rất nhiều rối loạn da có nguyên nhân đặc trưng bởi độ pH của da là không bình thường.

1. Độ pH sinh lý của da

Độ pH của da thường có tính axit, có giá trị pH khác nhau từ 4–6 trong khi môi trường bên trong cơ thể duy trì pH gần trung tính (từ 7-9).

Vai trò sinh lý của bề mặt da có tính axit là một cơ chế bảo vệ chống lại các sinh vật xâm nhập. Gần đây hơn, pH có tính axit của da đã được chứng minh là do có một số enzym quan trọng liên quan trong việc tổng hợp và duy trì một làn da khỏe mạnh, bền chắc.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến độ pH của da

Một số yếu tố, bao gồm cả yếu tố nội sinh và các yếu tố ngoại sinh, ảnh hưởng đến độ pH của da bao gồm:

2.1 Tuổi tác

Ngay sau khi sinh, độ pH trên bề mặt da của trẻ sơ sinh đủ tháng và thiếu tháng đều tăng so với người lớn và trẻ lớn hơn. Giá trị pH trung bình từ 6 trên các vị trí cơ thể khác nhau trong ngày đầu tiên của cuộc đời trong thời kỳ đủ tháng của trẻ sơ sinh là 7,08, cao hơn đáng kể so với ở người lớn là pH 5,7.

Quan sát hầu hết cho thấy, không có sự khác biệt về giá trị pH giữa các vị trí cơ thể khác nhau ở trẻ sơ sinh 1–2 ngày sau khi sinh. Sau đó, sự giảm độ pH xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 30 của thời kỳ sơ sinh và nổi rõ nhất ở vùng cẳng tay so với trán, má và mông.

Vào ngày thứ 90, độ pH cao hơn ở má và mông và thấp hơn trên trán và cẳng tay. Rõ ràng sự khác biệt có thể được giải thích bởi các yếu tố ngoại sinh, cụ thể là do trẻ được mặc tã ở vùng mông và các yếu tố khí hậu ở vùng da má lộ ra ngoài. Bệnh chàm ở trẻ nhỏ thường xuất hiện trên các vùng này, khác với vị trí là thân mình so với ở người lớn.

2.2 Vùng da

Có sự khác biệt về khoảng cách sinh lý trong hàng rào axit tùy thuộc vào vị trí da, đặc biệt là ở các vùng nếp gấp chi, vùng kẽ nách, bẹn, vùng mông. Độ pH ở những vùng da này thường cao hơn so với những vùng da khác.

Chính độ pH cao hơn sẽ dẫn đến sự xâm nhập bởi một số vi khuẩn thường trú tạo mùi như propionibacterium và staphylococci. Đây là cơ sở sử dụng chất khử mùi có chứa citrat làm giảm độ pH và ức chế hoạt động của vi khuẩn.

>>> Các biện pháp chăm sóc da khô tại nhà


Một số yếu tố, bao gồm cả yếu tố nội sinh và các yếu tố ngoại sinh, ảnh hưởng đến độ pH của da
Một số yếu tố, bao gồm cả yếu tố nội sinh và các yếu tố ngoại sinh, ảnh hưởng đến độ pH của da

2.3 Sắc tố da

Có nhiều bằng chứng chứng minh sự khác biệt đáng kể ở độ pH bề mặt có tính axit trên những người có sắc tố da sẫm màu so với sắc tố nhẹ, pH 4,6 ± 0,03 so với 5,0 ± 0,04.

2.4 Các yếu tố ngoại sinh

Môi trường tác động vào da cũng là các yếu tố có ảnh hưởng đến độ pH của da.

Ví dụ về các yếu tố này là chất tẩy rửa, mỹ phẩm, xà phòng, băng gạc quấn trên da hay dung dịch diệt khuẩn, chất kích ứng da..

3. Độ pH và các chức năng của da

3.1 Là hàng rào bảo vệ cơ thể

Vai trò của lớp sừng trên da như một rào cản có đặc tính kỵ nước nhờ vào sự phân bố lipid và tổ chức của lipid thành một chuỗi các lớp kép.

Đồng thời, hàng rào của da còn có các thành phần ưa béo khác, liên quan đến một số enzym phụ thuộc vào pH. Hai enzym chuyên phân giải lipid, β-glucocerebrosidase và axit sphingomyelinase có độ pH tối ưu để hoạt động là 5,6 và 4,5, tham gia vào quá trình tổng hợp ceramides, thành phần quan trọng quyết định tính thấm trên da.

3.2 Duy trì tính toàn vẹn của lớp sừng

Độ pH của da không chỉ ảnh hưởng đến hàng rào cân bằng nội môi mà còn ảnh hưởng đến tính toàn vẹn, tính liên kết và sự bong tróc của lớp sừng.

3.3 Đem lại đặc tính kháng khuẩn

Hệ vi sinh vật của da bao gồm các loài tạm trú và thường trú, có cả tụ cầu âm tính với coagulase. Các chủng sinh học này phát triển bình thường một cách tối ưu ở mức pH có tính axit. Ngược lại, các vi khuẩn gây bệnh, chẳng hạn như S. aureus, sẽ phát triển mạnh ở mức pH trung tính.


Độ pH của da không chỉ ảnh hưởng đến hàng rào cân bằng nội môi mà còn ảnh hưởng đến tính toàn vẹn
Độ pH của da không chỉ ảnh hưởng đến hàng rào cân bằng nội môi mà còn ảnh hưởng đến tính toàn vẹn

4. Ứng dụng độ pH của da trong thực tế

Độ pH của da thay đổi tùy vào đặc điểm của các loại da liễu khác nhau, thậm chí khác nhau cả trên từng vùng của cơ thể. Hơn nữa, việc tiếp xúc với các tác nhân ngoại sinh như chất tẩy rửa, kem, chất khử mùi và các chất kháng khuẩn tại chỗ cũng là các yếu tố góp phần gây ảnh hưởng đến pH và có thể làm trầm trọng thêm bệnh lý có từ trước.

Chính vì vậy, hiểu biết về độ pH của da là một yếu tố cân nhắc trong việc lựa chọn các tác nhân chăm sóc da tại chỗ bảo vệ môi trường axit an toàn cho da.

4.1 Chất tẩy rửa da

Chất tẩy rửa có thể được phân loại theo loại chất hoạt động bề mặt được sử dụng.

Chất tẩy rửa có chất hoạt động bề mặt không chứa xà phòng được gọi là “syndets” thường trung tính hoặc có tính axit (≤ pH 7) so với chất tẩy rửa làm từ xà phòng, thường có tính kiềm (pH 10). Như vậy, dòng sản phẩm này sẽ an toàn hơn với da do tương thích về độ pH và giảm khả năng gây kích ứng da.

4.2 Axit hóa lớp sừng

Axit alpha-hydroxy tại chỗ (AHA) là loại sản phẩm phổ biến được sử dụng trong điều trị các rối loạn trong quá trình sừng hóa.

Ví dụ với axit lactic, sản phẩm đã được chứng minh là làm tăng ceramide sản xuất bởi tế bào sừng của người, giúp tăng cường chức năng làm hàng rào bảo vệ của da so với những người giảm mức độ ceramides trên da.

>>> Càng chống nắng càng đen da, vì sao?

4.3 Kem dưỡng da

Môi trường bên ngoài tác động hoặc sử dụng các chất tẩy rửa thông thường sẽ làm da mất đi tính axit. Theo đó, lựa chọn các kem dưỡng da có tính axit, nhất là đối với tình trạng da dầu, sẽ giúp cân bằng lại độ pH của da cũng như giảm nguy cơ kích ứng da như các sản phẩm trung tính, đặc biệt là trong các trường hợp da khô.

Tóm lại, vai trò về độ pH của da từ lâu đã được xác nhận như một yếu tố quan trọng khi điều trị các bệnh lý do khiếm khuyết chức năng của lớp sừng cũng như trong chuyên ngành thẩm mỹ da. Vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ pH da trên từng đối tượng, các bác sĩ lâm sàng nên tập trung vào việc bảo tồn hoặc khôi phục môi trường axit bằng cách lựa chọn các chất bôi da tương thích với tính axit của da. Mặt khác, ngay cả khi không có bệnh lý gì, một làn da khỏe mạnh và tươi đẹp là cũng cần được đòi hỏi phải vệ sinh và chăm sóc trong môi trường có tính toan kiềm phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: medicaljournals.se, medicaljournals.se

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe