Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Định nghĩa
Suy tuần hoàn cấp tính (ACF) được định nghĩa theo một số cách, dựa trên các chỉ số sinh hóa, chỉ số huyết động, tình trạng rối loạn chức năng cơ quan đích hoặc dựa trên sự kết hợp của các dấu hiệu này.
Suy tuần hoàn có thể được định nghĩa là một tình trạng suy cấp tính toàn bộ, đe dọa tính mạng do giảm tưới máu mô, dẫn đến rối chức năng tế bào vì thiếu oxy ( hoạt động chuyển hóa yếm khí), mất tính độc lập sinh lý của việc cung cấp và tiêu thụ oxy, có liên quan đến tăng nồng độ lactate.
2. Sinh lý bệnh
3. Nguyên nhân
Thường có 3 nhóm nguyên nhân chính:
- Tim bơm không đủ máu hoặc không đủ mạnh (suy tim): Nhồi máu cơ tim và các vấn đề van tim là nguyên nhân phổ biến
- Các mạch máu có thể giãn ra quá mức và máu được phân bố lại từ tim đến phần còn lại của cơ thể (được gọi là sốc phân bố). Các phản ứng dị ứng, nhiễm trùng nghiêm trọng và sốc đôi khi xảy ra sau chấn thương tủy sống đều có thể dẫn đến suy tuần hoàn.
- Không đủ máu để bơm khắp cơ thể: Mất máu nhiều và nôn mửa hoặc tiêu chảy kéo dài có thể làm giảm thể tích máu đến mức không thể duy trì huyết áp. Tình trạng viêm sau vết thương bỏng nặng cũng có thể khiến lượng máu giảm mạnh.
4. Biểu hiện lâm sàng
Suy tuần hoàn cấp diễn tiến theo các giai đoạn và thay đổi tùy thuộc vào những can thiệp y tế, về cơ bản có thể tóm tắt như sau
Giai đoạn đầu:
- Hay còn gọi là giai đoạn còn bù, cơ thể có những cơ chế bù trừ với sự giảm tưới máu mô cơ quan? phóng thích các catecholamine, tăng hoạt động của hệ thống renin-angiotensin, hoạt hóa hệ thần kinh giao cảm gây ra co mạch máu chọn lọc, các shunt máu tới tim và não, tăng co bóp cơ tim nhằm nâng huyết áp.
- Do không đủ nguồn oxy nên cơ thể sẽ chuyển sang chuyển hóa yếm khí, làm tăng tạo ra acid lactic ? Phát hiện nhanh qua máy xét nghiệm khí máu cầm tay
- Do có cơ chế bù trừ nên trong giai đoạn sớm của sốc thì bệnh nhân có thể không biểu hiện rõ các triệu chứng, huyết áp chưa giảm.
- Tuy nhiên nhịp tim nhanh, thay đổi nhẹ huyết áp động mạch, hoặc tăng lactate máu mức độ nhẹ đến trung bình là những biểu hiện sớm của ACF
Giai đoạn sốc:
- Tình trạng này xảy ra khi cơ chế bù trừ của cơ thể bị quá tải và bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu rối loạn chức năng.
- Biểu hiện tại giai đoạn này gồm các triệu chứng như nhịp tim nhanh, nhỏ khó bắt, khó thở, kích thích, vã mồ hôi, nhiễm toan máu do tăng acid lactic, tụt huyết áp, tiểu ít, da lạnh và ẩm.
Giai đoạn suy chức năng cơ quan
- Đây là giai đoạn cuối của sốc, còn gọi là Suy đa tạng (Multiorgan Dysfunction Syndrome MODS hay Multiorgan Failure Syndrome MOFS)
- Biểu hiện sự rối loạn chức năng tiến triển của ít nhất 2 cơ quan, hậu quả là đe dọa tính mạng của người bệnh. Khi xảy ra tình trạng này có thể ảnh hưởng và dẫn tới nhiều dấu hiệu trên các cơ quan như:
- Phổi: Tăng tính thấm của màng dẫn đến tình trạng tràn dịch trong phế nang, nặng có thể kháng lại với liệu pháp thở O2 gây suy hô hấp;
- Thận: Giảm lượng máu tới thận dẫn tới hoại tử ống thận cấp, suy thận cấp gây ra vô niệu và tăng nồng độ creatinin trong máu;
- Tim: Giảm máu tới mạch vành, giảm co bóp cơ tim, giảm cung lượng tim, tụt huyết áp có thể gây rối loạn nhịp. Tạo thành vòng xoắn bệnh lý;
- Tình trạng biểu hiện trên các cơ quan và kèm theo tăng lactate máu nặng, kháng lại các biện pháp điều trị dẫn tới hôn mê. Tử vong hay xảy ra trong giai đoạn này của shock.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.