Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) là một bệnh về đường hô hấp do virus mới phát hiện có tên MERS coronavirus gây ra. Dịch bệnh MERS-CoV lần đầu tiên được phát hiện và xác định ở Ả Rập Xê út vào năm 2012.
1. Những số liệu thống kê
Hội chứng Hô hấp Trung đông (Middle East Respiratory Syndrome, MERS) là một căn bệnh hô hấp cấp tính do một loại virus có tên MERS-CoV gây ra. Dịch bệnh MERS-CoV ảnh hưởng tới hệ thống hô hấp (bao gồm lá phổi và đường thở) được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2012 tại Ả rập Xê út.
Tính từ tháng 9/2012 đến cuối tháng 11/2019, tổng số trường hợp được xác nhận mắc hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) là 2494 ca, trong đó có 858 trường hợp tử vong (tỷ lệ 34,4%) đã được báo cáo trên toàn cầu. Nói cách khác, cứ 10 bệnh nhân nhiễm MERS thì có 3 người chết, nhưng hầu hết họ đều đang đối mặt với các vấn đề y tế khác khiến sức khỏe và hệ miễn dịch suy yếu. Phần lớn số ca nhiễm bệnh và tử vong được báo cáo từ Ả Rập Saudi (có 2102 ca mắc bệnh, với 780 trường hợp tử vong - tỷ lệ 37,1%). Tổng cộng có 27 quốc gia đã báo cáo xuất hiện trường hợp mắc dịch MERS-CoV.
Cho đến nay 12 quốc gia khu vực Trung Đông (Bao gồm: Bahrain, Ai Cập, Cộng hòa Hồi giáo Iran, Jordan, Kuwait, Lebanon, Oman, Qatar, Ả Rập Saudi, Tunisia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Yemen) đã xác nhận về dịch bệnh MERS-CoV. Trong số đó, các trường hợp nhiễm virus do khách du lịch xuất hiện ở Ai Cập, Lebanon, Tunisia và Yemen.
WHO và các tổ chức y tế khác đã ước tính rằng, các trường hợp MERS và tử vong trên toàn cầu đã giảm kể từ năm 2016. Điều này cho thấy hội chứng hô hấp Trung Đông coronavirus (MERS-CoV) có thể đã được ngăn chặn nhờ sự nỗ lực tăng tốc trên toàn cầu trong công tác phát hiện sớm nhiễm trùng và giảm lây lan.
2. Triệu chứng
Các triệu chứng của MERS đa dạng từ không biểu hiện đến bệnh nhẹ hoặc nặng. Đặc điểm lâm sàng thường gặp là sốt, ho, và khó thở. Đôi khi cũng xuất hiện viêm phổi và các triệu chứng tiêu hóa, ví dụ như tiêu chảy, buồn nôn và ói mửa. Ở một số ít bệnh nhân, đặc biệt là những người đang mắc bệnh mãn tính tiềm ẩn, virus có thể làm cho tình trạng sức khỏe diễn tiến nặng. Biến chứng viêm phổi, suy thận, hoặc suy hô hấp khiến bệnh nhân cần phải thở máy, cũng như hỗ trợ chăm sóc đặc biệt bởi cơ sở y tế chuyên môn. Ngoài ra, một số trường hợp nhiễm dịch MERS CoV khác được cũng báo cáo là không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào, tuy nhiên khi làm xét nghiệm kết quả vẫn dương tính với virus MERS-CoV.
3. Nguồn lây nhiễm
Hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc của virus MERS-CoV xuất phát từ đâu, nhưng có thể từ động vật. Bằng chứng khoa học hiện tại cho thấy lạc đà là vật chủ chính mang virus MERS-CoV, đồng thời cũng là nguồn lây nhiễm MERS ở động vật sang người. Tuy nhiên, vai trò chính xác của loài vật này trong quá trình truyền virus, cũng như các đường lây truyền chính xác vẫn chưa được hiểu rõ. Mặc dù không ghi nhận sự lây lan từ người sang người, đã có trường hợp nhiễm bệnh do không cách ly với bệnh nhân, chẳng hạn như trong bệnh viện. Thực tế này đã xảy ra ở một số quốc gia, trong đó chủ yếu là ở Hàn Quốc, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
4. Phòng ngừa và điều trị
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV bùng phát mạnh cần:
- Tránh tiêu thụ các sản phẩm từ động vật chưa được tiệt trùng hoặc xử lý nhiệt;
- Thực hành thói quen vệ sinh an toàn trong môi trường y tế và tiếp xúc với động vật;
- Giáo dục cộng đồng, cũng như đào tạo cho nhân viên y tế nâng cao nhận thức về dịch MERS CoV;
- Tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và cách ly hiệu quả.
Không có phương pháp điều trị kháng virus cụ thể nào đối với những người bị nhiễm MERS-CoV và hiện tại cũng chưa có vắc-xin phòng ngừa. Những bệnh nhân MERS thường được chăm sóc hỗ trợ để giảm dần các triệu chứng.
Để tự bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh, hãy thực hiện những lời khuyên giúp phòng ngừa các chứng bệnh đường hô hấp như sau:
- Thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà bông trong 20 giây, và giúp các em nhỏ rửa tay. Nếu không có sẵn có thể thay thế bằng chất rửa tay có cồn;
- Dùng khăn giấy che miệng và mũi khi ho hay hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy vào sọt rác. Nếu không có, hãy dùng khuỷu tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi thay vì bàn tay;
- Không chạm tay chưa rửa sạch vào mắt, mũi và miệng;
- Không tiếp xúc gần gũi (hôn, dùng chung ly tách, sinh hoạt cá nhân, v.v.) với người bệnh;
- Rửa sạch và khử trùng thường xuyên các bề mặt hay đụng chạm như đồ chơi và tay nắm cửa;
- Với những người đi du lịch, luôn tuân thủ những biện pháp vệ sinh chung (ví dụ như rửa tay trước và sau khi chạm vào động vật, tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh);
- Tránh ăn các sản phẩm từ động vật, như thịt hoặc sữa, còn sống hay chưa nấu chín.
Tóm lại, MERS-CoV là một loại virus lây truyền qua người khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với lạc đà bị nhiễm bệnh ở bán đảo Ả Rập. Dịch MERS-CoV bùng phát lần đầu tiên vào tháng 9/2012, chủ yếu lây nhiễm chéo ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe có người bệnh mà không được cách ly đầy đủ. Các nghiên cứu khoa học và hoạt động can thiệp y tế vẫn đang được tiến hành trên toàn cầu, hứa hẹn sẽ giải quyết được những ẩn số về dịch bệnh MERS-CoV đối với sức khỏe cộng đồng.
Nguồn: WHO, Emro.who.int; Bphc.org
XEM THÊM:
- Nguồn gốc và triệu chứng của bệnh do MERS CoV
- 2019-nCoV có giống với virus gây bệnh MERS và SARS không?
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới của Bộ Y tế