Dị ứng theo mùa có thể gây ảnh hưởng đến khả năng học tập và làm việc với các biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, ... Do đó, lựa chọn sản phẩm thuốc phù hợp vào mùa dị ứng là rất cần thiết cho người bị dị ứng theo mùa.
1. Dị ứng theo mùa là gì?
Dị ứng là phản ứng sai mục đích của hệ miễn dịch bằng cách giải phóng histamine (nên mới có thuật ngữ “thuốc kháng histamine” nhằm ức chế phản ứng dị ứng) trước các chất vô hại cho cơ thể. Histamine tiết ra gây các triệu chứng như hắt hơi, ngứa và chảy nước mắt.
Dị ứng theo mùa thường do phấn hoa thực vật gây ra, có thể là từ cây cối, cỏ dại vào mùa xuân, và bởi cỏ phấn hương và các loại cỏ dại khác vào cuối mùa hè và đầu mùa thu.
Dị ứng theo mùa có thể gây cản trở công việc, học tập và các hoạt động giải trí của người bệnh. Bên cạnh đó, căn cũng có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, viêm xoang, viêm tai giữa và các vấn đề sức khỏe khác, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
2. Triệu chứng của bệnh dị ứng theo mùa
Triệu chứng dị ứng theo mùa thường gặp gồm hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt, ngứa mắt, viêm xoang. Một số triệu chứng hiếm gặp hơn có thể xuất hiện như nhức đầu, khó thở, thở khò khè.
XEM THÊM: Viêm mũi dị ứng do phấn hoa
3. Thuốc điều trị dị ứng theo mùa
Các loại thuốc điều trị dị ứng theo mùa như sau:
3.1. Thuốc kháng histamine
Thuốc kháng histamine có tác dụng ức chế hoạt động của histamine, làm giảm các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt. Thuốc có nhiều dạng: thuốc uống, viên nén, thuốc xịt. Trong đó dạng thuốc xịt chỉ được bán theo đơn. Một số loại thuốc kháng histamine có thể gây tác dụng phụ buồn ngủ cho người bệnh. Do đó, người bệnh cần đọc kỹ thông tin để chọn mua sản phẩm phù hợp.
3.2. Thuốc xịt corticosteroid
Thuốc xịt corticosteroid thường được xịt vào mũi 1 - 2 lần/ngày để điều trị viêm và giảm các triệu chứng dị ứng. Các tác dụng phụ có thể xảy ra gồm cảm giác châm chích trong mũi, chảy máu cam và trì hoãn tăng trưởng ở trẻ em.
3.3. Thuốc nhỏ mũi
Thuốc nhỏ mũi có thể được mua dưới dạng thuốc kê đơn và không kê đơn. Thuốc có hai dạng là thuốc uống và thuốc xịt mũi. Thỉnh thoảng thuốc được khuyên dùng với thuốc kháng histamine để hạn chế phản ứng dị ứng.
3.4. Thuốc chứa pseudoephedrine
Thuốc chứa pseudoephedrine có thể được bán dưới dạng không kê đơn nhưng dưới sự kiểm soát của các quầy thuốc nhằm ngăn chặn việc sử dụng thuốc để sản xuất methamphetamine - một chất kích thích mạnh, gây nghiện cao thường được sản xuất bất hợp pháp. Do đó, khi đi mua thuốc, bạn có thể cần xuất trình giấy tờ tùy thân.
3.5. Thuốc dị ứng dạng tiêm
Đây là một liệu pháp miễn dịch được thực hiện bằng cách tiêm một lượng chất ức chế dị ứng vào cơ thể theo liều lượng tăng dần nhằm tăng khả năng miễn dịch với chất gây dị ứng đó. Quá trình điều trị thông thường sẽ bắt đầu với việc tiêm hàng tuần trong 2 - 3 tháng cho đến khi đạt được liều tối đa và sau đó là hàng tháng trong 3 - 5 năm.
XEM THÊM: Thuốc điều trị viêm mũi dị ứng Seasonix Oral Solution
3.6. Thuốc dị ứng dạng viên nén ngậm dưới lưỡi
Được sử dụng hàng ngày, trước và trong mùa phấn hoa. Nó chỉ có sẵn theo đơn để điều trị bệnh viêm mũi dị ứng do một số loại phấn hoa gây ra và có khả năng làm giảm phản ứng miễn dịch đối với chất gây dị ứng. Tuy nhiên, chúng không có tác dụng giảm triệu chứng ngay lập tức. Liệu pháp ngậm dưới lưỡi nên bắt đầu từ 3 - 4 tháng trước mùa dị ứng.
4. Cách hạn chế nguy cơ dị ứng theo mùa
Để hạn chế tần suất bị dị ứng theo mùa, bạn cần thực hiện một số việc làm sau:
- Vào mùa dị ứng, bạn nên đóng cửa sổ, hạn chế ra ngoài đường
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt vào ngày nhiều gió
- Tránh khói thuốc lá
- Không thực hiện các công việc làm vườn, cắt cỏ
- Thay quần áo và tắm rửa sạch sẽ khi sau khi về nhà
- Không treo quần áo ra ngoài, nơi phấn hoa có thể dính vào
Dị ứng theo mùa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cũng như chất lượng đời sống, học tập của người bệnh. Vì thế, khi có triệu chứng và tiền sử của căn bệnh này, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và được kê đơn thuốc sử dụng phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.