Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác đã có kinh nghiệm 15 năm trong chẩn đoán & điều trị các bệnh lý Nhi khoa; từng có thời gian công tác tại khoa Nhi - Bệnh viện Đà Nẵng và Trung tâm Phụ Sản Nhi Đà Nẵng. Thế mạnh của bác là chẩn đoán và điều trị bệnh lý nhi; hồi sức, cấp cứu nhi.
Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho trẻ em, trong đó 80% tử vong xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân chính của tử vong là do cơ thể bị mất nước và điện giải. Vì vậy, khi trẻ bị tiêu chảy, bạn cần phải bù nước và điện giải để tránh nguy cơ sốc mất nước.
1. Những điều cần biết về bệnh tiêu chảy ở trẻ em
Tiêu chảy là tình trạng khi trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều nước trên 3 lần 1 ngày, trẻ biếng ăn, bú kém, đau bụng, nôn ói và quấy khóc nhiều.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ khiến bé bị tiêu chảy là:
Độ tuổi: Tiêu chảy xảy ra trong 2 năm đầu của cuộc sống, cao nhất ở trẻ 6 - 11 tháng tuổi, lứa tuổi này trẻ bắt đầu chuyển sang ăn sam, kháng thể thụ động từ mẹ truyền sang giảm đi, kháng thể chủ động chưa có.
- Tình trạng dinh dưỡng: Trẻ bị suy dinh dưỡng dễ mắc tiêu chảy kéo dài, nhất là các trẻ bị suy dinh dưỡng nặng.
- Tình trạng suy giảm miễn dịch: Trẻ bị suy giảm miễn dịch tạm thời như sau sởi, thủy đậu...
- Các tập quán ăn uống không hợp lý như: bình sữa dễ bị ô nhiễm bởi các vi khuẩn đường ruột, khó rửa sạch; trẻ không được bú mẹ trong 6 tháng đầu, đặc biệt là không được bú sữa non ngay sau đẻ; thức ăn bị ô nhiễm do nấu, không chín hoặc nấu để lâu; nước uống bị nhiễm bẩn, uống nước chưa đun sôi; không rửa tay sau khi đi ngoài, không rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ.
- Do virus: Rotavirus là tác nhân chính khiến bé bị tiêu chảy, chiếm 60%. Có ít nhất 1/3 trẻ dưới 2 tuổi bị một đợt tiêu chảy do Rotavirus. Các virus khác như Adenovirus, Norwalk virus cũng gây tiêu chảy.
- Do vi khuẩn E.coli: Gây 25% tiêu chảy cấp; trực trùng lỵ Shigella là tác nhân gây lỵ trong 60% các đợt lỵ; salmonella không gây thương hàn; campylobacter jejuni; vi khuẩn tả Vibrio cholerae 01.
- Do ký sinh trùng: Entamoeba histolytica; giardia lamblia; cryptosporidium
2. Đề phòng nguy cơ sốc mất nước ở trẻ bị tiêu chảy
2.1. Dấu hiệu mất nước ở trẻ bị tiêu chảy
Trẻ bị tiêu chảy thường bị mất nước nhiều do đi lỏng và nôn ói nhiều. Nếu bố mẹ không chú ý bù nước và bù điện giải cho trẻ bị tiêu chảy đúng cách dẫn đến mất nước nặng, thì trẻ có thể bị kiệt nước, sốc mất nước. Các nghiên cứu về bệnh tiêu chảy đã chứng minh có tới 70% số tử vong là do sốc mất nước. Số còn lại do các nguyên nhân nhiễm độc, viêm phổi...
Nhận biết các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy mất nước để cha mẹ đề phòng trong trường hợp sốc mất nước:
- Mất nước nhẹ ở trẻ bị tiêu chảy: Trẻ khát nước và đòi uống. Ở trẻ nhỏ chưa biết nói thì trẻ sẽ quấy khóc, chỉ khi cho uống đủ nước thì trẻ mới hết khóc.
- Mất nước vừa ở bé bị tiêu chảy: Ngoài khát nước trẻ có biểu hiện khô mắt, niêm mạc môi, miệng khô, da nhăn nheo. Ở các trẻ nhỏ có thể thóp lõm xuống, mắt trũng lại, ngủ mắt nhắm không kín, trẻ quấy khóc nhưng không có nước mắt, nước dãi...
- Mất nước nặng ở trẻ bị tiêu chảy: Ngoài các triệu chứng trên sẽ thấy trẻ có dấu hiệu đặc biệt về thần kinh như mệt mỏi, lừ đừ, có khi vật vã, li bì hôn mê hoặc có những cơn co giật.
2.2. Đề phòng nguy cơ sốc mất nước ở trẻ bị tiêu chảy
Để ngăn ngừa trẻ bị sốc mất nước do trẻ bị đi ngoài nhiều lần, cha mẹ có thể bù nước, điện giải bằng việc cho trẻ uống dung dịch điện giải oresol, oresol II:
- Mỗi gói oresol lớn cần pha với 1 lít nước đun sôi để nguội (không nên pha nửa gói oresol với nửa lít nước)
- Mỗi gói oresol II hoặc mỗi viên/gói hydrite pha với 200ml nước đun sôi để nguội.
- Dung dịch bù nước, điện giải oresol đã pha nếu quá 24 giờ không uống hết phải bỏ đi.
Lượng dung dịch bù nước oresol cho trẻ được tính như sau:
- Trẻ dưới 2 tuổi: Cho trẻ uống 50 – 100 ml oresol sau mỗi lần đi ngoài;
- Trẻ 2 - 10 tuổi: Cho trẻ uống 100 – 200 ml oresol sau mỗi lần đi ngoài;
- Trẻ trên 10 tuổi: Cho trẻ uống oresol đến hết khát sau mỗi lần đi ngoài.
Nếu trẻ có dấu hiệu tiêu chảy mất nước hay nôn ói không uống được hoặc trẻ bị đi ngoài nhiều lần kèm sốt cao, phân xanh, có đàm hoặc máu thì phải nhập viện ngay để được bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị, tránh để trẻ mất nước nặng, rối loạn điện giải, kiềm toan ảnh hưởng đến tính mạng.
3. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy
Các loại thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy: gạo (bột gạo), khoai tây, thịt gà nạc, thịt lợn nạc, sữa đậu tương, dầu ăn, cà rốt, hồng xiêm, chuối. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ thì vẫn tiếp tục cho trẻ bú bình thường và tăng số lần bú. Trẻ trên 6 tháng tuổi bú mẹ thì ngoài sữa mẹ cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và từng ít một, các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt, trứng, cá, sữa... và cần cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần.
Thức ăn cần mềm, nấu kỹ, nấu loãng hơn bình thường và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả chín như chuối, cam, chanh, xoài, đu đủ... để tăng lượng kali. Không dùng các loại nước giải khát công nghiệp vì chúng có thể làm tăng tiêu chảy. Tránh các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như các loại rau thô, tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ...) khó tiêu hóa. Không dùng các loại thức ăn có nhiều đường vì những loại thức ăn này có thể làm tiêu chảy nặng hơn.
Về số lượng thức ăn, khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt. Trẻ nhỏ cho ăn 6 lần/ ngày hoặc nhiều hơn. Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp cho trẻ phục hồi nhanh và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong hai tuần liền. Với trẻ bị tiêu chảy kéo dài thì phải cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa và kéo dài tối thiểu một tháng. Nếu trẻ ăn ít hoặc ăn vào bị nôn thì cho ăn ít hơn và tăng số bữa lên so với thực đơn.
Từ ngày thứ 5, nếu trẻ bớt bị tiêu chảy quay dần về chế độ ăn, ăn bình thường.
Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong