Đề phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Mang thai và sinh con là thiên chức của mọi người phụ nữ. Với sự phát triển của Y học hiện đại, phụ nữ nhiễm HIV vẫn có quyền và có khả năng làm mẹ nếu như được tích cực hỗ trợ, hướng dẫn và áp dụng các cách đề phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

1. Lây truyền HIV từ mẹ sang con là gì?

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là thuật ngữ chỉ sự lây truyền HIV từ người phụ nữ đã nhiễm HIV sang con trong quá trình mang thai, sinh con hoặc cho con bú qua đường sữa mẹ. Tình trạng này còn được gọi là lây truyền HIV chu sinh.

Trong thực tế, sự lây HIV từ mẹ sang con hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Rất nhiều bằng chứng đã cho thấy việc sử dụng thuốc điều trị HIV kết hợp với các chiến lược khác đã giúp giảm nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con xuống 1% hoặc ít hơn, nhất là ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ và Châu Âu.

Ngoài ra, nguy cơ mẹ mang thai bị nhiễm HIV lây truyền cho con thấp khi có các yếu tố sau đây:

  • HIV được phát hiện càng sớm càng tốt trong khi mang thai (hoặc trước khi phụ nữ mang thai).
  • Phụ nữ nhiễm HIV được điều trị với thuốc chống HIV trong khi mang thai và sinh con và, trong một số trường hợp nhất định, được sinh mổ theo lịch trình.
  • Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được dùng thuốc điều trị HIV trong 4 đến 6 tuần sau khi sinh và không được bú sữa mẹ.

Đồng thời, để giảm thiểu tỷ lệ trẻ em sinh ra bị lây HIV từ mẹ sang con, các biện pháp dự phòng lây truyền hiv từ mẹ sang con cần được tiến hành càng sớm càng tốt, ngay từ trong giai đoạn tiền sản (trước khi mang thai) – áp dụng cho tất cả các phụ nữ dự định mang thai nói chung, không phân biệt có nhiễm HIV hay không, trong giai đoạn mang thai, chuyển dạ sinh con và giai đoạn nuôi con nhỏ. Các hành động để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo từng giai đoạn được trình bày lần lượt dưới đây.


Trẻ sơ sinh nhiễm HIV từ người mẹ
Trẻ sơ sinh nhiễm HIV từ người mẹ

2. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai

Mọi phòng khám, trung tâm, bệnh viện chuyên khoa sản phụ khoa luôn được khuyến nghị cần phải xét nghiệm HIV cho tất cả các phụ nữ trước khi mang thai hoặc càng sớm càng tốt trong thai kỳ. Không những thế, phụ nữ cũng nên được xét nghiệm lại HIV trong mỗi lần mang thai tiếp theo.

Lý giải cho điều này là nhằm mục đích phát hiện sớm những phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Họ sẽ được đưa vào chương trình quản lý và được dùng thuốc điều trị HIV. Thuốc HIV hoạt động bằng cách ngăn ngừa siêu vi nhân lên, làm giảm lượng HIV trong cơ thể (còn gọi là tải lượng virus). Có càng ít HIV trong cơ thể sẽ càng bảo vệ được sức khỏe của người phụ nữ và giảm nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con trong khi mang thai và sinh nở. Thậm chí, một số loại thuốc điều trị HIV truyền từ người phụ nữ mang thai sang đứa con chưa sinh qua nhau thai sẽ bảo vệ em bé khỏi bị nhiễm HIV, đặc biệt là khi sinh con qua đường âm đạo và tiếp xúc với siêu vi trong máu của mẹ hoặc các dịch cơ thể khác.

Việc lựa chọn phác đồ thuốc điều trị HIV để sử dụng trong thai kỳ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả tiền căn sử dụng thuốc chống HIV hiện tại hoặc trong quá khứ, các tình trạng y tế khác và kết quả xét nghiệm kháng thuốc. Thông thường, phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể sử dụng cùng một chế độ điều trị HIV được khuyến nghị cho người trưởng thành không mang thai. Nếu người phụ nữ đã sử dụng chế độ điều trị HIV hiệu quả thì nên tiếp tục sử dụng chế độ tương tự trong suốt quá trình mang thai.

3. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn chuyển dạ sinh con

Phụ nữ đã phát hiện nhiễm HIV và đã dùng thuốc điều trị HIV vẫn cần tiếp tục phác đồ trong giai đoạn chuyển dạ sinh con.

Thai nhi hoàn toàn không thể tránh khỏi nguy cơ tiếp xúc với HIV trong máu, dịch tiết của mẹ trong quá trình chào đời. Chính vì thế, việc tiếp tục dùng các loại thuốc chống HIV sẽ duy trì được tải lượng siêu vi trong cơ thể mẹ ở mức thấp nhất, giảm thiểu nguy cơ ngăn ngừa lây HIV từ mẹ sang con, đặc biệt là lúc gần sinh.

Như vậy, người phụ nữ đã dùng thuốc điều trị HIV trong suốt thai kỳ thì khi chuyển dạ vẫn nên tiếp tục dùng thuốc điều trị HIV theo lịch. Đối với phụ nữ có tải lượng virus cao (hơn 1.000 bản sao/mL) hoặc tải lượng virus không xác định, khi đến gần thời điểm sinh nở sẽ được chỉ định thêm một loại thuốc ức chế HIV gọi là zidovudine qua tiêm truyền tĩnh mạch. Ziovudine dễ dàng di chuyển từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai, bảo vệ trẻ khỏi bất kỳ lây nhiễm HIV nào truyền từ mẹ sang con trong khi sinh. Vì lý do này, việc sử dụng zidovudine trong khi sinh được xem là có vai trò ngăn ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con, ngay cả ở những phụ nữ có tải lượng virus cao gần thời điểm sinh nở.

Bên cạnh đó, việc sinh mổ theo lịch trình còn có thể làm giảm nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con ở những phụ nữ có tải lượng virus cao (hơn 1.000 bản sao/mL) hoặc tải lượng virus không xác định gần thời điểm chuyển dạ. Theo đó, sinh mổ với mục đích này sẽ được lên kế hoạch cho tuần thứ 38 của thai kỳ, hai tuần trước ngày dự sinh theo kinh cuối.

4. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn sau sinh

Sau khi sinh con, các em bé sinh ra từ phụ nữ nhiễm HIV cần được dùng thuốc điều trị HIV càng sớm càng tốt để ngăn ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con sau sinh. Đó là zidovudine và được chỉ định trong vòng 6 đến 12 giờ sau khi sinh và kéo dài trong 4 đến 6 tuần sau đó. Trong một số trường hợp nhất định, em bé có thể nhận được các loại thuốc điều trị HIV khác ngoài zidovudine. Lúc này, thuốc chống HIV có vai trò bảo vệ em bé khỏi bị nhiễm bất kỳ HIV nào có thể truyền từ mẹ sang con sau khi sinh.

Sau khi kết thúc phác đồ 4 đến 6 tuần với zidovudine, trẻ sẽ được tiếp tục chỉ định với sulfamethoxazole/trimethoprim, giúp ngăn ngừa viêm phổi do Pneumocystis jirovecii. Đây là một loại viêm phổi có thể phát triển ở những người nhiễm HIV. Sau thời gian này, nếu xét nghiệm HIV cho thấy em bé không bị nhiễm HIV, trẻ sẽ không cần dùng thuốc tiếp tục.


Sản phụ và thai nhi sau sinh cần được chăm sóc đặc biệt
Sản phụ và thai nhi sau sinh cần được chăm sóc đặc biệt

Về việc xác định HIV ở những đứa trẻ sinh ra từ những phụ nữ nhiễm HIV, xét nghiệm này sẽ được thực hiện lần đầu tiên trong khoảng từ ngày tuổi 14 đến 21 và sẽ lặp lại một lần nữa sau 4 đến 6 tháng. Chỉ khi kết quả có từ ít nhất hai xét nghiệm virus học HIV trở lên mới đủ để biết chắc chắn liệu em bé âm tính hay dương tính với HIV.

Trong trường hợp có ít nhất hai kết quả của hai xét nghiệm virus học HIV dương tính, em bé được chuyển từ zidovudine sang phác đồ kết hợp các loại thuốc điều trị HIV khác. Mục tiêu điều trị lúc này không phải là nhằm đào thải virus ra khỏi cơ thể mà ngăn chặn tăng sinh, giúp người nhiễm HIV sống lâu hơn, sống khỏe hơn.

Trong các trường hợp kết quả âm tính, cần nghiêm túc tuân thủ các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn sau sinh khác nhằm tuyệt đối ngăn chặn sự lây truyền cho con. Vì HIV có thể lây lan qua sữa mẹ, phụ nữ nhiễm HIV được khuyến cáo là không nên cho con bú. Lúc này, sữa bột cho trẻ em và trẻ sơ sinh sẽ được xem là sự thay thế an toàn và lành mạnh cho sữa mẹ. Đồng thời, có những báo cáo về việc trẻ em bị nhiễm HIV bằng cách ăn thức ăn đã được nhai trước đó bởi một người nhiễm HIV. Theo đó, để đảm bảo an toàn, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không nên được cho ăn thức ăn đã nhai trước.

Ngoài ra, bản thân người phụ nữ nhiễm HIV vẫn cần tiếp tục dùng thuốc điều trị HIV sau khi sinh con. Việc tuân thủ sử dụng thuốc điều trị HIV suốt đời sẽ không chỉ ngăn ngừa HIV tiến tới AIDS cho bản thân họ và giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người xung quanh, nhất là trong quá trình chăm sóc con nhỏ, thậm chí là cho lần mang thai tiếp theo.

Nói tóm lại, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần được thực hiện với tất cả các sản phụ ngay từ lần khám thai đầu tiên, khi chưa rõ là có nhiễm HIV hay không. Đối với người phát hiện có nhiễm HIV, việc dùng thuốc kháng virus đóng vai trò vô cùng quan trọng trong suốt thai kỳ, quá trình chuyển dạ và nuôi con sau đó, phối hợp thêm các biện pháp khác nhằm hạn chế khả năng lây truyền ở mức thấp nhất, cho con có một cuộc sống bình đẳng như những đứa trẻ đồng trang lứa.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp Gói Khám, Sàng lọc các bệnh xã hội giúp cho khách hàng có thể phát hiện sớm các bệnh lý và có hướng điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Gói khám sàng lọc các bệnh xã hội tại Vinmec dành cho mọi lứa tuổi, cả nam giới và nữ giới.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe