Dậy thì muộn: Khi nào cần điều trị?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Lê Thu Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Dậy thì là một giai đoạn quan trọng đánh dấu sự phát triển hoàn thiện của một cơ thể. Trẻ được xem là dậy thì muộn khi con gái từ 16 tuổi và con trai từ 18 tuổi chưa có dấu hiệu dậy thì.

1. Như thế nào được gọi là dậy thì muộn?

Độ tuổi được xem là dậy thì muộn: trẻ gái từ 16 tuổi và trẻ trai từ 18 tuổi vẫn chưa xuất hiện những biểu hiện của dậy thì.

Để nắm được sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, bạn cần theo dõi sát biểu đồ tăng trưởng và thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ để kịp thời phát hiện sớm những bất thường. Phụ huynh nên khám và theo dõi sự tăng trưởng của con như sau:

  • Trẻ từ 1 - dưới 2 tuổi, 1 tháng khám 1 lần;
  • Trẻ 2 tuổi đến dưới 3 tuổi, 2 tháng khám 1 lần;
  • Trẻ 3 tuổi đến dưới 4 tuổi, 3 tháng khám 1 lần;
  • Trẻ từ 4 tuổi trở lên khám 6 tháng 1 lần.

2. Khi nào cần điều trị khi dậy thì muộn?

Dậy thì muộn thường ảnh hưởng nhiều đến tâm lý nhiều hơn là sự phát triển bình thường của trẻ. Trẻ thường cảm thấy mặc cảm, tự ti khi thấy mình trẻ con hơn so với các bạn; hoặc tự cho bản thân là “không bình thường” dẫn đến trầm cảm. Trẻ nên nói chuyện với người lớn để được cho những lời khuyên phù hợp.

Trẻ cần được điều trị khi ở độ tuổi sau: Con gái từ 16 tuổi và con trai từ 18 tuổi mà chưa có dấu hiệu dậy thì. Việc này sẽ tránh những ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của trẻ sau này.

3. Làm sao để phát hiện dậy thì muộn?

Dấu hiệu của tuổi dậy thì rất dễ nhận ra vì những thay đổi lớn trên cơ thể:


Dấu hiệu của tuổi dậy thì sớm ở bé gái
Dấu hiệu của tuổi dậy thì sớm ở bé gái
  • Ở bé gái: ngực và lông mu sẽ phát triển, sau đó là có kinh nguyệt, hông sẽ rộng ra và bắt đầu xuất hiện những đường cong, chiều cao và cân nặng tăng lên nhanh chóng, tính tình nhẹ nhàng, kín đáo hơn.
  • Ở bé trai: Sẽ thấy trẻ nhanh cao hơn, nặng cân hơn, vai mở rộng và cơ bắp bắt đầu phát triển, thanh quản (cơ quan phát âm) to rộng ra hơn nên tiếng nói trở nên trầm đục, hệ thống lông phát triển, có ria mép và mọc râu, tinh hoàn và dương vật sẽ lớn hơn, đặc biệt có hiện tượng phóng tinh lần đầu.

Những thay đổi đó là do sự thay đổi của các hormon giới tính (testosterone ở nam và estrogen ở nữ) làm cho cơ thể bé bắt đầu phát triển hơn rất nhiều so với trước đây. Nếu trong độ tuổi trên vẫn chưa thấy dấu hiệu của dậy thì, sự thay đổi cơ thể, thì có thể được gọi là dậy thì muộn.

4. Nguyên nhân gây dậy thì muộn

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố như: di truyền, bệnh mạn tính, vấn đề về tuyến yên, tuyến giáp, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, một số nguyên nhân thường gặp như sau:

Do gen di truyền: Khi trong gia đình có bố mẹ hoặc họ hàng dậy thì chậm. Không cần biện pháp can thiệp trong trường hợp này. Trẻ vẫn sẽ phát triển mà không ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung của cơ thể cũng như khả năng sinh sản.

Tuyến yên hoặc tuyến giáp - các tuyến sản xuất hormon quan trọng gặp vấn đề: Đây là những tuyến nội tiết quan trọng giúp cho sự tăng trưởng và phát triển cơ thể diễn ra bình thường.

Có nhiễm sắc thể bất thường: Ví dụ điển hình là hội chứng Turner - xảy ra khi một trong hai nhiễm sắc thể X của con gái bất thường hoặc bị mất làm cho buồng trứng và sự bài xuất hormon diễn ra không bình thường. Nếu không được điều trị, bệnh nhân thường tuổi thọ ngắn hơn, dễ vô sinh hoặc gặp các trục trặc về sức khỏe. Với các bạn nam mắc hội chứng Klinefelter - có nhiều hơn 1 nhiễm sắc thể X (XXY thay vì XY), có thể làm chậm phát triển giới tính.

Mắc các bệnh mạn tính: ví dụ như bệnh đái tháo đường, bệnh thận, hoặc hen suyễn làm chậm quá trình phát triển của cơ thể. Trẻ nên được khám và điều trị sớm khi mắc các căn bệnh mạn tính để đảm bảo tuổi dậy thì phát triển bình thường.

Chế độ dinh dưỡng: Trẻ đang bị suy dinh dưỡng có thể phát triển muộn hơn những trẻ có một chế độ ăn uống cân bằng đủ chất. Đặc biệt hay xảy ra với những trẻ ăn không đủ bữa, biếng ăn, rối loạn ăn uống hay thường xuyên áp dụng chế độ giảm cân quá mức.

5. Các xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán dậy thì muộn


xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán dậy thì muộn
xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán dậy thì muộn
  • Xét nghiệm FSH, LH: xác định sự hoạt động của tuyến yên
  • Xét nghiệm Estradiol: xác định sự dậy thì ở tử cung, buồng trứng.
  • Xét nghiệm GH tĩnh và GH động: Xác định nồng độ Gh mà tuyến yên tiết ra. GH bình thường, chứng tỏ trẻ không bị lùn do nguồn gốc từ bât thường tuyến yên.
  • Xét nghiệm TSH, FT4: xét nghiệm chức năng của hormon tuyến giáp, xác định trẻ có bệnh tật nào về tuyến giáp hay không
  • Chụp X quang tuổi xương
  • Siêu âm tử cung buồng trứng: Xác định hình ảnh tử cung, buồng trứng.
  • Xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ: Nhằm phát hiện những bất thường về nhiễm sắc thể có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe