Dậy thì muộn có ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Tuổi dậy thì là thời gian phát triển từ một đứa trẻ thành người lớn. Quá trình này được coi là muộn nếu chưa bắt đầu ở tuổi 15 (đối với nữ) và tuổi 17 (đối với nam).

1. Nguyên nhân dẫn đến dậy thì muộn

Các nguyên nhân thường gặp dẫn đến dậy thì muộn bao gồm:

  • Do gen di truyền: Khi trong gia đình hoặc dòng họ có người dậy thì muộn. Không cần can thiệp với trường hợp này. Trẻ vẫn phát triển bình thường không ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần cũng như khả năng sinh sản.
  • Tuyến yên hoặc tuyến giáp gặp vấn đề: Do vai trò của các tuyến này là sản xuất hoocmon giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển bình thường.
  • Do có nhiễm sắc thể bất thường: Làm cho ADN “lập trình” kế hoạch phát triển của cơ thể gặp vấn đề. Các bệnh tật thường gặp do có nhiễm sắc thể bất thường là: Hội chứng Turner (đối với nữ), xảy ra do một trong hai nhiễm sắc thể X bị mất hoặc bất thường. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của buồng trứng và khả năng sản xuất hoocmon; Hội chứng Klinefelter (đối với nam), xảy ra khi có nhiều hơn một nhiễm sắc thể X (XXY thay vì XY) làm cho trẻ chậm phát triển giới tính.
  • Bị bệnh mạn tính: Có thể gây ra sự chậm trễ trong tuổi dậy thì như: đái tháo đường, bệnh thận hoặc hen suyễn làm chậm quá trình phát triển của cơ thể.
  • Chế độ dinh dưỡng: Bị suy dinh dưỡng có thể làm cơ thể phát triển muộn hơn những người có một chế độ ăn uống cân bằng đủ chất. Các trường hợp ăn không đủ bữa, biếng ăn, rối loạn ăn uống hay áp dụng chế độ giảm cân quá mức sẽ khiến cơ thể không thể phát triển bình thường.

Bị suy dinh dưỡng có thể làm cơ thể phát triển muộn hơn những người có một chế độ ăn uống cân bằng đủ chất
Bị suy dinh dưỡng có thể làm cơ thể phát triển muộn hơn những người có một chế độ ăn uống cân bằng đủ chất

2. Tăng trưởng chiều cao ở tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì (quy định từ 12-18 tuổi) là khoảng thời gian cơ thể có sự tăng trưởng vượt bậc về cả cơ bắp, khung xương cũng như các chức năng sinh dục. Thời gian phát triển chiều cao mạnh nhất ở nữ giới là từ 8-17 tuổi. Chiều cao đạt mức cao nhất ở trẻ nam là 12 tuổi (10cm/năm) và đạt tối đa đến 14 tuổi (15cm/năm).

Tốc độ tăng trưởng chiều cao sẽ giảm dần trong khoảng 15 tuổi ở nữ giới và khoảng 17 tuổi ở nam giới. Kích thước xương, khối lượng xương và mật độ chất khoáng tăng lên khoảng 4% mỗi năm tính từ giai đoạn trẻ 8 tuổi cho đến qua giai đoạn vị thành niên.

3. Dậy thì muộn ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?


Dậy thì muộn không ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao và khả năng sinh dục của bạn gái
Dậy thì muộn không ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao và khả năng sinh dục của bạn gái

Các bạn gái khi dậy thì muộn thường có biểu hiện là xấu hổ với bạn bè đồng lứa và lo lắng về khả năng sinh sản sau này. Dậy thì muộn không ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao và khả năng sinh dục của bạn gái khi trưởng thành. Vì vậy, gia đình nên động viên trẻ tham gia hoạt động thể chất, vui chơi học tập để tránh tâm lý mặc cảm, tự ti... làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Dậy thì muộn ở con trai mà không điều trị sẽ ảnh hưởng đến phát triển chiều cao, khiến dương vật nhỏ, tinh hoàn teo - ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh, dẫn đến vô sinh nam cũng như khả năng tổng hợp testosterone của tinh hoàn. Khi bị dậy thì muộn, trẻ thường xuất hiện các rối loạn tâm lý, trở nên trầm cảm và không giao tiếp với mọi người xung quanh.

Khi thấy có các dấu hiệu của dậy thì muộn, cha mẹ cần quan tâm đến việc phát triển thể chất của trẻ, những biến đổi về tâm sinh lý để cung cấp cho bác sĩ những bằng chứng về quá trình phát triển của trẻ. Việc tìm ra các giải pháp sớm sẽ giúp các em vượt qua tình trạng dậy thì muộn để phát triển kịp theo lứa tuổi, đảm bảo đời sống tâm sinh lý bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe