Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Phương Nga - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh.
Dày thành bàng quang có thể gặp dày thành khu trú hay dày thành toàn bộ. Dày thành bàng quang có thể do viêm nhiễm hoặc do u, có thể gây khó chịu, tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu máu, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
1. Bàng quang là gì? Dày thành bàng quang là gì?
Bàng quang là cơ quan thuộc hệ tiết niệu, nơi chứa nước tiểu do thận bài tiết ra và đào thải nước tiểu thông qua đường niệu đạo. Vì vậy chúng có vai trò dự trữ nước tiểu cho cơ thể. Cơ quan này nằm trong khoang giữa xương chậu, khi bàng quang chứa đầy nước tiểu thì các cơ thành bàng quang sẽ giãn ra đến khi đi tiểu thì các cơ sẽ thắt lại để đẩy nước tiểu ra ngoài.
Bàng quang là một tạng rỗng. Dung tích trung bình ở người trưởng thành đối với nam giới từ 350-750 ml và ở nữ giới là 250-550 ml. Thành bàng quang bình thường dày khoảng 3mm khi bàng quang căng cứng lên. Thành bàng quang có cấu tạo bởi 4 lớp: lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ và lớp thanh mạc.
2. Khi nào bị dày thành bàng quang ?
Dày thành bàng quang xảy ra khi các lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, cơ niêm và lớp thanh mạc phát triển lớn hơn kích thước trung bình. Nếu như xuất hiện tình trạng tiểu nhiều lần cả ngày và đêm thì nên đi khám, vì đây có thể là dấu hiệu bị dày thành bàng quang.
Sự dày bên của thành bàng quang là một biểu hiện bất thường về sức khỏe do 1 bệnh lý nào đó ở hệ tiết niệu. Bệnh có thể là nhiễm trùng bàng quang nếu không điều trị sớm. Nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng ngược dòng lên niệu quản và bể thận. Vì bàng quan nằm trong cơ thể nên không thể tự kiểm tra mà phải đến cơ sở y tế để khám để điều trị căn bệnh này.
3. Dấu hiệu nhận biết khi bị dày thành bàng quang
- Thường xuyên buồn tiểu - tiểu rắt, lúc nào cũng có cảm giác cần đi tiểu gấp
- Có cảm giác nóng rát, buốt khi đi tiểu
- Nước tiểu có màu đục hoặc xuất hiện máu trong nước tiểu, nặng mùi
- Đau lưng hay triệu chứng sốt nhẹ
- Đối với trẻ nhỏ thì tè dầm vào bất kỳ lúc nào vào ban ngày cũng là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan đến bàng quang.
4. Nguyên nhân bị dày thành bàng quang
Sự phát triển bất thường của các tế bào trong thành bàng quang cũng có thể liên quan đến việc người bệnh hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với hóa chất. Tình trạng kích thích của bàng quang hoặc tiếp xúc với bức xạ cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, người bệnh không loại trừ đang mắc các bệnh lý sau:
Đây là căn bệnh phổ biến nhất có thể gặp cả ở người lớn và trẻ nhỏ. Nguyên nhân do thường xuyên nhịn tiểu lâu, quan hệ tình dục không an toàn hoặc đang uống thuốc kháng sinh loại mạnh..... Ngoài ra Bệnh do vi khuẩn E.coli trong bàng quang gây ra hoặc có thể do biến chứng của các bệnh các như tiểu đường, sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt, tổn thương thần kinh, tủy... Trong nhiều trường hợp, tình trạng này còn bị tái diễn trong khoảng thời gian dài.
- Tắc nghẽn bàng quang
Tình trạng này thường xảy ra ở cổ bàng quang, nên tiếp giáp với niệu đạo. Với nam giới, ung thư tuyến tiền liệt hoặc phì đại rộng tuyến tiến liệt có thể gây ra tắc nghẽn bàng quang.
Nước tiểu đục màu, sẫm màu, có thể thấy lớp váng, màng bọc trên bề mặt, đau bụng vùng dưới, vùng hạ vị liên tục thì có thể là do có sỏi ở bàng quang. Nguyên nhân do nhịn tiểu lâu, uống nước không lọc cặn, 1 số bộ phận bị suy giảm chức năng ....
5. Phương pháp chẩn đoán dày thành bàng quang
Hiện nay có nhiều phương pháp chẩn đoán người bệnh có bị dày thành bàng quang không. Trong đó có 1 số phương pháp được bác sỹ sử dụng nhiều bởi tính đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả cao sau:
- Siêu âm bàng quang
Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến nhất được sử dụng khi gặp các vấn đề rối loạn tiểu tiện nói chung và dày thành bàng quang nói riêng. Siêu âm có thể phát hiện ra các dị tật bẩm sinh, phát hiện ra các khối u, đánh giá mức độ xâm lấn thành bàng quang và tình trạng ứ nước của đường tiết niệu. Thông qua đó bác sĩ sẽ xác định được vấn đề bạn đang gặp phải.
Ngoài ra, siêu âm còn có thể phát hiện ra một số chứng bệnh khác như: viêm, phì đại tuyến tiền liệt, sỏi, máu cục trong lòng bàng quang, niệu đạo.... Siêu âm bàng quang là biện pháp mang lại hiệu quả cao, với những người bệnh nhẹ thường chỉ cần tiến hành biện pháp này.
Phương pháp chẩn đoán hình ảnh thông qua sử dụng máy nội soi chuyên dụng. Bác sĩ có thể nhìn trực tiếp vào ống nội soi hoặc qua màn hình máy tính. Nếu bác sĩ phát hiện có bất thường trong bàng quang thì có thể thực hiện điều trị ngay khi đang làm thủ thuật này.
- Phân tích xét nghiệm nước tiểu
Việc này giúp bác sĩ xác định được tỉ lệ vi khuẩn, máu, mủ lẫn trong nước tiểu, qua đó đánh giá mức độ viêm nhiễm. Từ đó có thể đưa ra phác đồ điều trị bệnh hợp lý. Nếu kết quả xét nghiệm thấy bạch cầu, hồng cầu vi niệu thể, các tế bào bạch cầu bị đa nhân hóa chứng tỏ bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng.
Trong ba phương pháp trên thì siêu âm bàng quang sẽ là chỉ định đầu tiên bác sỹ yêu cầu bệnh nhân thực hiện bởi độ an toàn, có kết quả nhanh chóng, tổng quát nhất. Nếu người bệnh có những dấu hiệu bất thường khác thì bác sĩ sẽ yêu cầu làm những xét nghiệm khác để xác định được chính xác nhất tình trạng của người bệnh.
Tùy vào mức độ nặng nay nhẹ bác sỹ sẽ có nhưng cách điều trị khác nhau, trong đó dày thành bàng quang cũng có thể cho điều trị bằng thuốc. Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì cần đến trung tâm cơ sở y tế gần nhất để được khám, tránh để lâu sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.