Nhiều người thắc mắc đầy bụng, khó tiêu có phải triệu chứng của bệnh đường tiêu hóa không. Tình trạng này không phải lúc nào cũng liên quan đến bệnh lý nghiêm trọng. Đôi khi, đây chỉ là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa nhẹ nhưng nếu tình trạng kéo dài hoặc kèm theo triệu chứng khác, người bệnh cần khám bác sĩ để đảm bảo sức khỏe.
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Tấn Phúc - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Hỏi
Chào bác sĩ! Gần đây mẹ của cháu bị sụt cân đột ngột, người mệt mỏi. Ngài ra, mẹ cháu có biểu hiện như đầy bụng, khó tiêu. Bác sĩ cho cháu hỏi những dấu hiệu trên có liên quan đến bệnh lý gì về đường tiêu hoá hay không, có nguy hiểm không ạ? Mong bác sĩ có thể tư vấn giúp cháu ạ. Cháu cảm ơn bác sĩ nhiều ạ!
Câu hỏi khách hàng ẩn danh
Chào bạn! Sụt cân đột ngột là một trong các triệu chứng báo động cần thiết phải nội soi để tầm soát một ung thư dạ dày. Kèm theo mẹ bạn lại có những triệu chứng tiêu hóa kèm theo: đầy bụng, khó tiêu. Tuy nhiên mẹ bạn cũng nên gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn toàn diện hơn, nhằm tìm ra nguyên nhân sụt cân.
Để cung cấp thêm thông tin cho người bệnh, dưới đây là phần giải đáp chi tiết về câu hỏi đầy bụng, khó tiêu có phải triệu chứng của bệnh đường tiêu hóa.
1. Đầy bụng, khó tiêu có phải triệu chứng của bệnh đường tiêu hóa
Đầy bụng, khó tiêu không phải là một loại bệnh mà thực chất là tập hợp các triệu chứng của hệ tiêu hóa hoặc những bệnh lý tiêu hóa khác nhau. Hầu như ai cũng từng trải qua các biểu hiện như đầy hơi, ợ chua, cảm giác nặng nề ở bụng… ít nhất vài lần trong đời.
Trong nhiều trường hợp, khó tiêu chỉ là biểu hiện của một rối loạn tiêu hóa nhẹ như sau khi ăn một bữa ăn quá nhiều chất béo hoặc bị đau dạ dày. Thông thường, các triệu chứng này thường tự thuyên giảm sau vài giờ.
Tuy nhiên, nếu thường xuyên gặp phải tình trạng khó tiêu kéo dài kèm theo các dấu hiệu khác như thiếu máu hay sụt cân…thì việc kiểm tra sức khỏe cần thực hiện càng sớm càng tốt.

2. Đầy bụng khó tiêu nên làm gì?
2.1 Cách trị đầy bụng khó tiêu bằng thuốc
Để giảm triệu chứng đầy bụng khó tiêu, thuốc nhuận tràng là lựa chọn phổ biến giúp cải thiện hệ tiêu hóa, làm giảm sự căng tức và khó chịu ở bụng. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về liều lượng sử dụng để bảo đảm sức khỏe, giảm thiểu khả năng thuốc gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Theo thống kê, khoảng 20 – 25% các trường hợp đầy bụng khó tiêu có nguyên nhân thực thể, trong khi 80% bệnh nhân mắc khó tiêu chức năng. Do đó, việc khám bác sĩ được khuyến nghị đối với tình trạng đầy bụng khó tiêu kéo dài, xuất hiện các triệu chứng đi kèm hoặc nghi ngờ mắc các bệnh lý tiêu hóa khác.
2.2 Cách trị đầy bụng khó tiêu tại nhà
Các phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả cao để điều trị tình trạng đầy bụng khó tiêu tại nhà là:
2.2.1 Thực hiện các hoạt động hỗ trợ hệ tiêu hóa
Một số phương pháp mà người bệnh có thể thực hiện bao gồm:
- Chườm nóng lên vùng bụng đang khó chịu.
- Nằm kê gối cao.
- Massage bụng.
- Tham gia các hoạt động nhẹ như đi bộ và tập yoga.
Các phương pháp này có tác dụng thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, giúp giảm tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Những động tác này cũng được khuyên làm ngay để giảm bớt sự khó chịu khi bị đầy bụng.
2.2.2 Bổ sung thực phẩm trị đầy bụng khó tiêu
Những thực phẩm giàu chất xơ như đậu nành, đậu hà lan, bí đỏ, ổi, dâu, lựu, cà rốt, cải xanh, bột yến mạch, bắp, củ dền, chuối, hạt hướng dương, hạt chia, khoai lang, táo…là lựa chọn ưu tiên hàng đầu cho người bị đầy bụng khó tiêu. Chất xơ không chỉ hỗ trợ hệ tiêu hóa diễn ra suôn sẻ mà còn giúp điều hòa vi khuẩn đường ruột, từ đó làm giảm các triệu chứng đau và tức bụng.
2.2.3 Uống thức uống trị đầy bụng khó tiêu
Để giảm đầy bụng và khó tiêu, người bệnh có thể sử dụng các loại thức uống như: Nước lọc, trà gừng, trà thảo mộc, nước atiso, nước ép dứa, giấm táo, trà chanh mật ong hoặc nước gừng. Trong đó:
- Nước lọc đóng vai trò thiết yếu cho cơ thể và hệ tiêu hóa, giúp tăng cường quá trình tiêu hóa thức ăn.
- Gừng và chanh có khả năng lọc sạch ruột, giải độc và kháng viêm rất thích hợp để dùng trong trường hợp đầy bụng khó tiêu.
- Trà thảo mộc, đặc biệt là trà atiso hỗ trợ giảm khí thừa trong bụng, giúp người bệnh cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
- Tuy nhiên, người bệnh nên uống từng ngụm nhỏ và chia đều thời gian uống trong ngày, tránh uống quá nhiều cùng lúc để không làm tăng cảm giác đầy hơi hoặc căng tức bụng.
3. Những lưu ý khi chữa đầy bụng khó tiêu
Tình trạng đầy bụng khó tiêu xuất hiện khi chức năng vận chuyển và tiêu hóa thức ăn của hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng.
Để giảm thiểu triệu chứng này và ngăn ngừa tái diễn, người bệnh cần tập trung duy trì và cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với một lối sống lành mạnh, đồng thời duy trì một cách kỷ luật cả hai yếu tố này. Điều này sẽ giúp quá trình tiêu hóa và vận chuyển thức ăn diễn ra thuận lợi, hỗ trợ cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
Ngoài ra, người bệnh nên áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà trước khi sử dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc uống chỉ nên được thực hiện khi các triệu chứng kéo dài từ 2 đến 3 tuần và phải tuân thủ đúng liều lượng quy định.
Tóm lại, đầy bụng khó tiêu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau từ rối loạn tiêu hóa nhẹ đến các bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng. Vì vậy, nếu tình trạng này kéo dài, người bệnh nên chủ động khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và nhận phương pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, các biện pháp tại nhà như ăn uống hợp lý và thực hiện các hoạt động hỗ trợ tiêu hóa cũng có thể giúp giảm triệu chứng hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.