Hỏi
Chào bác sĩ,
Cháu năm nay 18 tuổi, cháu mắc rất nhiều bệnh gồm đau nửa đầu, huyết áp thấp. Đến bây giờ, cháu đang bị trầm cảm, rối loạn ăn uống, ăn vô độ luôn ạ. Cháu không biết phải làm sao, thực sự nản và mệt, càng nhủ không ăn thì lại ăn, cháu đang bị vô kinh vì 6 tháng nay cháu đã không thấy ra kinh rồi. Cháu muốn hỏi là đau nửa đầu, huyết áp thấp, trầm cảm, vô kinh là triệu chứng của bệnh gì? Điều trị thế nào ạ?
Nguyễn Phương Hà (2002)
Trả lời
Được giải đáp bởi Bác sĩ Lê Thị Hường - Bác sĩ Đa khoa - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Chào bạn,
Với câu hỏi “Đau nửa đầu, huyết áp thấp, trầm cảm, vô kinh là triệu chứng của bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Theo khuyến cáo từ các bác sĩ tim mạch, bất kỳ sự tăng hay giảm huyết áp so với mức bình thường đều là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Bệnh huyết áp thấp có thể dẫn đến các triệu chứng như cảm giác hoa mắt hoặc chóng mặt, đau đầu dữ dội hoặc mê sảng, bị ngất, giảm tập trung, mờ mắt, buồn nôn; da lạnh, ẩm hoặc nhợt nhạt; nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, nông; mệt mỏi; trầm cảm; cảm giác khát.
Cách phòng ngừa bệnh huyết áp thấp cần thay đổi chế độ ăn uống phù hợp:
- Nên ăn mặn hơn người bình thường. Người bị huyết áp thấp nên ăn 10-15g muối mỗi ngày.
- Ăn nhiều chất dinh dưỡng, đủ bữa, đặc biệt bữa sáng rất quan trọng. Để ngăn ngừa huyết áp giảm đột ngột sau bữa ăn, bạn nên chia nhỏ những bữa ăn thành nhiều lần trong ngày và cần cố gắng hạn chế những thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, gạo, cháo, nui và bánh mỳ...
- Bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B rất có lợi. Một số thức ăn đồ uống có tác dụng tăng huyết áp như: cà phê, nước chè đặc, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, hạt sen, long nhãn, táo tàu, quả dâu, nho khô, hạnh nhân, trà cam thảo, gừng rất tốt cho việc kiểm soát huyết áp thấp.
- Không nên dùng những thức ăn có tính lợi tiểu như: rau cải, râu ngô, dưa hấu, bí ngô...
- Uống nhiều nước có thể giúp tăng thể tích máu, làm giảm một trong những nguyên nhân tiềm tàng gây ra huyết áp thấp. Ngoài ra uống nước cũng giúp tránh tình trạng mất nước. Tránh sử dụng đồ uống có cồn.
Về sinh hoạt bạn cũng cần thay đổi để điều trị bệnh tốt hơn như sau:
- Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc (7-8h/ngày).
- Người bị huyết áp thấp rất hay bị hoa mắt, chóng mặt mỗi khi thay đổi tư thế, vì vậy khi ngồi dậy cần phải từ từ. Nằm ngủ nên gối đầu thấp, chân cao.
- Nên tắm nước nóng để tăng cường lưu thông máu nhưng không được tắm quá lâu.
- Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh xúc động quá mạnh như sợ hãi, lo lắng, buồn nản có thể càng làm huyết áp hạ thêm.
- Tập thể dục thể thao nhẹ nhàng (10 - 15 phút/ngày) như đi bộ, cầu lông, bóng bàn Nên tránh các môn thể thao dễ gây chóng mặt như nhào lộn, nhảy, điền kinh. Tuy nhiên không nên hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ đang lên cao.
Các nguyên nhân có thể khiến kinh nguyệt ở của bạn không đều hoặc mất kinh lâu trong 6 tháng, có thể bạn đã mang thai, tập thể dục quá sức, bị căng thẳng, rối loạn ăn uống,... Tình trạng mất kinh nếu kéo dài lâu sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, vì vậy bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa để kiểm tra và tư vấn nhé.
Nếu bạn còn thắc mắc về đau nửa đầu, huyết áp thấp, trầm cảm, vô kinh, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.