Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thiều Trung - Bác sĩ gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Cùng với sự phát triển của y học hiện đại, hiện nay các trường hợp ngộ độc thuốc tê đã không còn xảy ra thường xuyên như trước. Tuy nhiên, việc xử trí và giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thuốc gây tê vẫn là một trong những kiến thức quan trọng cần biết đối với mỗi người.
1. Ngộ độc thuốc gây tê nguy hiểm như thế nào?
Gần đây, ở nước ta có nhiều trường hợp tai biến nghiêm trọng xảy ra liên quan đến gây tê mà nguyên nhân thường bị ngộ nhận là do sốc phản vệ. Trên thực tế sốc phản vệ do thuốc tê là rất hiếm gặp, nhất là nhóm thuốc tê chính chúng ta đang sử dụng hiện nay hầu hết thuốc nhóm Amino-Amid. Theo đó, ngộ độc thuốc tê toàn thân chính là nguyên nhân chính gây ra những tai biến kinh hoàng như hiện nay.
Ngộ độc thuốc tê toàn thân nguy hiểm tới tính mạng, sự an toàn của người bệnh và gây ra sự lo ngại cho nhân viên y tế trong thực hành gây tê hiện nay. Gây tê được tiến hành ở nhiều chuyên khoa với những vị trí khác nhau, nguy cơ của ngộ độc thuốc tê có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí (kể cả gây tê tủy sống) và bất kỳ loại thuốc tê nào. Nguy cơ ngộ độc thuốc tê toàn thân cao ở những bệnh nhân già yếu, trẻ em, người có protein máu thấp, gây tê ở vị trí giàu mạch máu như: đầu mặt cổ, khoang miệng, mũi họng và tầng sinh môn...
Dựa trên Phác đồ xử trí ngộ độc thuốc tê của Hội Gây tê vùng và Giảm đau Hoa Kỳ 2018 và Hội Gây mê hồi sức Pháp 2016 chúng tôi cung cấp cho quý đồng nghiệp những dấu hiệu nhận biết và những kỹ năng cơ bản về xử trí nhằm giảm thiểu các biến chứng và sẵn sàng cấp cứu khi có ngộ độc thuốc tê toàn thân.
2. Dấu hiệu lâm sàng ngộ độc thuốc tê toàn thân
Trong và sau khi gây tê gặp nếu thấy người bệnh xuất hiện các triệu chứng sau đây thì có thể là dấu hiệu ngộ độc thuốc tê toàn thân.
2. 1. Dấu hiệu thần kinh trung ương
- Dấu hiệu gợi ý: Đắng miệng, mùi kim loại, tê quanh miệng môi, ù tai, nhìn mờ, hoa mắt, chóng mặt, mệt, khó chịu.
- Kích thích thần kinh trung ương: Kích động, trợn mắt, đảo nhãn cầu nói nhảm, lú lẫn, rung giật, co giật.
- Ức chế thần kinh trung ương: Ngủ yên hoặc lơ mơ, đờ đẫn, hôn mê.
2.2. Dấu hiệu tim mạch
Đôi khi là biểu hiện duy nhất trong ngộ độc thuốc tê toàn thân
- Rối loạn nhịp tim và hoặc rối loạn dẫn truyền trong tim.
- Tụt huyết áp tiến triển.
- Ngừng tim.
2.3. Dấu hiệu hô hấp
- Sau tiêm thuốc tê bệnh nhân than mệt, môi tím tai
- Khó thở hay ngừng thở
3. Xử trí ngộ độc thuốc tê
Khi có trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thuốc gây tê, việc xử trí lúc này nhất định phải có bác sĩ can thiệp. Theo đó cần thực hiện ngay các biện pháp xử trí sau đây:
- Ngừng tiêm thuốc tê
- Gọi hỗ trợ
- Lấy xe cấp cứu.
- Thở oxy 100%, đặt nội khí quản thở máy nếu cần.
- Truyền Lipid 20% Kiểm soát đường thở bằng cách tiêm tĩnh mạch 1,5nl/kg Lipid 20% trong 2-3 phút, truyền duy trì 0,25ml/kg/phút. Nếu tình trạng bệnh nhân vẫn chưa ổn định cần tiêm nhắc lại 1-2 lần với liều tương tự (1,5ml/kg). Tổng liều không vượt quá 12ml/kg hay 1000ml trong 30 phút.
- Điều trị co giật: Benzodiazepin (Midazolam) tránh dùng Propofol nhất là ở những bệnh nhân huyết động không ổn định
- Điều trị nhịp chậm: Atropine
- Trường hợp ngừng tim: cấp cứu ngay. Hồi sinh tim phổi. Gọi đơn vị tim phổi nhân tạo gần nhất dùng ngay Lipid 20% và liềuadrenaline 1mcg/kg. Rung thất: sốc điện. Không sử dụng: Vasopressin, thuốc chẹn kênh Calci, thuốc ức chế Beta hoặc các loại thuốc tê khác.
- Tiếp tục theo dõi 4-6 giờ nếu có biến cố tim mạch, hoặc ít nhất 2 giờ nếu có biến cố thần kinh trung ương.
4. Yếu tố nguy cơ và dự phòng ngộ độc thuốc gây tê
Để tránh ngộ độc thuốc tê cần cân nhắc các yếu tố sau đây:
- Cân nhắc, liều lượng thuốc tê nhỏ nhất đủ đạt mức tê và thời gian tê mong muốn.
- Nồng độ thuốc tê thấp nhất có hiệu quả
- Những bệnh nhân nguy cơ cao ngộ độc thuốc tê là: trẻ em, người già yếu, suy kiệt, suy tim, rối loạn dẫn truyền nhịp tim, protein máu thấp.
- Hút ngược syringe trước mỗi lần tiêm 1-2 ml, quan sát xem có máu
- Tiêm chậm quan sát và hỏi BN để phát hiện sớm ngộ độc thuốc tê.
- Theo dõi bệnh nhân bằng Monitor trong và sau khi tê ít nhất 30 phút.
- Phân công người theo dõi bệnh nhân sau khi gây tê ít nhất 30 phút.
- Nghĩ đến ngộ độc thuốc tê toàn thân ở bệnh nhân có thay đổi trạng thái tinh thần, triệu chứng thần kinh hoặc dấu hiệu bất thường về tim mạch sau gây tê. Cân nhắc tình trạng ngộ độc thuốc tê ngay cả với liều thuốc tê nhỏ, tê dưới da, tê niêm mạc, phẫu thuật viên tê, sau tháo garo.
5. Một số điều cần biết về ngộ độc thuốc tê
- Khi có những rối loạn về thần kinh và tim mạch trên bệnh nhân gây tê cần nghĩ ngay đến ngộ độc thuốc tê toàn thân, sốc phản ứng phản vệ liên quan đến gây tê là rất hiếm gặp.
- Sử dụng Lipid 20% ngay khi có biểu hiện lâm sàng đầu tiên sớm nhất của ngộ độc thuốc tê toàn thân do bất kỳ loại thuốc tê nào.
- Liều adrenaline ≤ 1mcg/kg là hiệu quả trong hồi sinh tim phổi nâng cao khi bệnh nhân ngừng tim hoặc tụt huyết áp do ngộ độc thuốc tê toàn thân.
Ngộ độc thuốc gây tê có thể cướp đi sinh mạng của bệnh nhân vô cùng nhanh chóng. Chính vì vậy, các cán bộ y tế cần hết sức cẩn trọng trong quá trình chữa trị, xử trí kịp thời khi bệnh nhân có các dấu hiệu đáng nghi và gọi khoa Gây mê hồi sức khi có các dấu hiệu nguy hiểm vừa nêu trên.
Để hạn chế tối đa biến chứng ngộ độc thuốc tê trong quá trình phẫu thuật, hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đưa hệ thống máy móc, thiết bị, thuốc gây mê phẫu thuật hiện đại đạt chuẩn vào công tác thăm khám, chẩn đoán, gây mê và điều trị các bệnh lý. Với đội ngũ Y bác sĩ giàu chuyên môn, được đào tạo bài bản thực hiện gây mê hồi sức sẽ đem lại hiệu quả điều trị tối ưu, hạn chế tối đa biến chứng ngộ độc thuốc tê cho Quý khách hàng.
Quý khách hàng có thể trực tiếp đến thăm khám, tư vấn điều trị với bác sĩ chuyên khoa tại Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đặt lịch hẹn trực tuyến TẠI ĐÂY.