Dấu hiệu trẻ thừa đạm cha mẹ cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hữu Nam - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Một số bố mẹ nghĩ rằng cung cấp nhiều protein sẽ giúp trẻ khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên thực tế, hấp thụ quá nhiều protein không làm cho cơ phát triển hơn mà chỉ khiến thận, gan phải làm việc nhiều hơn, tăng nguy cơ mất nước gây ra nhiều bệnh lý có hại cho bé.

1. Vai trò của chất đạm

Đạm (protein) cùng với tinh bột và chất béo là ba thành phần dinh dưỡng chính được chuyển hóa để sinh năng lượng cung cấp cho cơ thể. Chất đạm có các chức năng quan trọng như:

  • Hình thành cấu trúc cho tất cả các tế bào cơ thể người;
  • Vai trò chức năng như enzyme;
  • Chất mang và hormone.

2. Trẻ em cần bao nhiêu protein?

Bao nhiêu protein là đủ để không bị thừa chất đạm? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, 10 đến 30% năng lượng của cơ thể được cung cấp từ đạm. Nhu cầu đạm của cơ thể khác nhau vào tuổi, giới tính, cân nặng mức độ vận động của trẻ.

Đối với trẻ nhỏ, nhu cầu đạm phụ thuộc vào tuổi, cụ thể:

  • Trẻ từ 2-3 tuổi: 13 gram/ngày;
  • Trẻ từ 4-9 tuổi: 19 gram/ngày;
  • Trẻ từ 9-13 tuổi: 34 gram/ngày.

Đối với thanh thiếu niên, nhu cần đạm phụ thuộc vào giới:

  • Nam từ 14-18 tuổi: 52 gram/ngày;
  • Nữ từ 14-18 tuổi: 46 gram/ngày.

Bố mẹ nên bổ sung đạm cho trẻ mỗi ngày để cung cấp cho các nhu cầu cơ bản và cho trẻ tập thể thao nếu con có chế độ ăn nhiều đạm hơn mức bình thường.


Cha mẹ nên cân đối bổ sung đạm trong bữa ăn tránh tình trạng trẻ thừa đạm
Cha mẹ nên cân đối bổ sung đạm trong bữa ăn tránh tình trạng trẻ thừa đạm

3. Trẻ nên được cung cấp đạm từ những nguồn nào?

Thông thường, chất đạm được cung cấp từ thịt động vật như thịt bò, cá, trứng, sữa hoặc sản phẩm từ sữa và một số thực vật.

Thịt gia súc, gia cầm và cá là “đạm hoàn chỉnh” vì chứa tất cả các axit amin thiết yếu mà cơ thể cần.

Các loại hạt, đậu, sản phẩm từ sữa và trứng có xu hướng thiếu một vài axit amin và được gọi là “protein không hoàn chỉnh”. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn đạm tuyệt vời, đặc biệt là khi kết hợp chúng trong bữa ăn cho trẻ vì chúng sẽ cân bằng các loại protein với nhau.

Protein có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, vì vậy đừng căng thẳng nếu con bạn yêu thích tinh bột. Các loại hạt và các loại đậu, cùng với một số loại ngũ cốc và rau quả đều có thành phần protein. Chế độ ăn ba bữa cân bằng và một hoặc hai bữa ăn nhẹ lành mạnh trong ngày sẽ cung cấp nhiều cơ hội để nhận protein, chưa kể đến carbohydratechất béo lành mạnh mà con bạn cũng cần.

4. Dấu hiệu và hậu quả của trẻ bị thừa đạm

Bố mẹ có thể dựa vào một số dấu hiệu sau đây để biết trẻ bị thừa chất đạm hay không. Cụ thể:

  • Đi tiểu thường xuyên: Nếu con bạn đi tiểu thường xuyên thì đó có thể là dấu hiệu trẻ thừa đạm. Thận chỉ có thể phân giải protein ở một giới hạn nhất định, lượng đạm thừa sẽ tích tụ và tạo ra môi trường có tính acid trong thận khiến trẻ đi tiểu thường xuyên. Tác dụng phụ ban đầu là mất nước nhẹ nhưng sau đó có thể dẫn đến sỏi thận.
  • Lo lắng, cáu gắt: điều này xảy ra ở trẻ em ăn nhiều đạm, ít tinh bột vì tinh bột đóng vai trò trong việc kích thích giải phóng serotonin – một loại hormone giúp tinh thần thoải mái, lạc quan.
  • Khó chịu đường ruột và khó tiêu: chế độ ăn giàu đạm thường thiếu chất xơ, đặc biệt là khi nguồn đạm được cung cấp chính từ động vật, điều này làm tàn phá hệ tiêu hóa của trẻ. Chất xơ giúp di chuyển mọi thứ qua ruột tốt hơn và chất xơ chủ yếu có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Bố mẹ cần cân bằng chế độ ăn, tăng cường rau xanh, trái cây để đảm bảo sức khỏe cho bé.
  • Tăng cân: Lượng protein dư thừa đồng nghĩa với thừa calo. Nếu trẻ không thể đốt cháy calo, cơ thể sẽ lưu trữ chúng dưới dạng chất béo và làm tăng cân ở trẻ bị thừa đạm. Đồng thời, tích lũy ở dạng chất béo làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Thừa cân là một trong nhiều dấu hiệu của trẻ thừa đạm
Thừa cân là một trong nhiều dấu hiệu của trẻ thừa đạm
  • Luôn ở trạng thái mệt mỏi: ngay cả khi con bạn đã ngủ đủ giấc nhưng vẫn có cảm giác uể oải. Nguyên nhân là vì tiêu thụ quá nhiều đạm làm thận và gan làm việc quá mức. Bên cạnh đó, việc ăn nhiều đạm, ít tinh bột còn ảnh hưởng đến não khiến chúng trở lên kém nhạy bén, khó tập trung. Tinh bột là nguồn năng lượng chính của não bộ, bố mẹ nên cho trẻ tăng cường ăn ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả để trẻ có trạng thái sức khỏe tốt nhất.
  • Hơi thở có mùi: Việc ăn quá nhiều đạm khiến hơi thở nặng mùi. Đây cũng là một dấu hiệu trẻ thừa chất đạm để bố mẹ xem xét lại chế độ ăn cho bé.
  • Việc bổ sung đạm quá nhiều khiến trẻ thừa đạm và có thể gây hại đến sức khỏe lâu dài và làm tổn thương cơ quan. Một số bệnh lý như bệnh đái tháo đường tuýp 2, ung thư, loãng xương đã được nghiên cứu là có liên quan đến việc ăn quá nhiều protein trong thời gian dài.

Như vậy, việc tiêu thụ quá nhiều chất đạm trên mức khuyến cáo không những không giúp trẻ phát triển tốt hơn mà con gây hại cho sức khỏe. Vì thế, cha mẹ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Khi có dấu hiệu trẻ thừa đạm, bố mẹ nên gặp các chuyên gia dinh dưỡng để thiết lập chế độ ăn hợp lý, bảo vệ sức khỏe toàn diện cho bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe