Dấu hiệu rối loạn chức năng sàn chậu

Rối loạn chức năng sàn chậu tuy được nghiên cứu chỉ ra rằng không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có thể gây ra những tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh phải nắm được những triệu chứng rối loạn chức năng sàn chậu phổ biến.

1. Sàn chậu là gì?

Sàn chậu được hình thành bởi các khối cân và cơ đan xen vào nhau và thường được ví như một chiếc võng. Những khối cân và cơ này bám chắc vào thành bụng và xương mu ở phía trước, xương chậu hông ở hai bên và cột sống thắt lưng cho đến xương chậu cùng cụt ở phía sau.

Sàn chậu bao gồm nhiều hệ thống thần kinh và mạch máu nhưng được coi là tổng thể của 3 hệ thống chính là hệ thống sinh dục (tử cung và âm đạo), hệ thống niệu dưới (bàng quang và niệu đạo), cuối cùng là hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng và hậu môn).

Sàn chậu có vai trò giúp giữ cho các cơ quan này ở đúng vị trí của mình, không bị sa xuống đặc biệt là khi vận động mạnh hoặc chạy nhảy.

Bên cạnh đó, sàn chậu cũng có chức năng giúp đóng mở và kiểm soát hoạt động của âm đạo, các lỗ tiểu, hậu môn một cách tự chủ hơn.

2. Rối loạn chức năng sàn chậu là gì?

Rối loạn chức năng sàn chậu là tình trạng khi các khối cơ và dây chằng vùng sàn chậu bị lão hóa và không có khả năng giữ các cơ quan vùng chậu ở đúng vị trí của nó nữa. Rối loạn chức năng sàn chậu có thể gây ra do yếu tố tuổi tác hoặc ảnh hưởng từ quá trình mang thai ở người phụ nữ.

Theo số liệu thống kê, 1/3 phụ nữ sau sinh mắc chứng són tiểu trong đó 50% là phụ nữ trên 40 tuổi. Ngoài ra khoảng 40% phụ nữ từ 50 tuổi trở lên bị sa các cơ quan vùng chậu, cụ thể cứ 5 người thì sẽ có 1 người bị sa trên 2 cơ quan (sa bàng quang, sa tử cung, sa trực tràng).


Bệnh rối loạn chức năng sàn chậu chủ yếu ở phụ nữ ngoài 40 tuổi
Bệnh rối loạn chức năng sàn chậu chủ yếu ở phụ nữ ngoài 40 tuổi

3. Dấu hiệu của rối loạn chức năng sàn chậu

Trong trường hợp nghi ngờ, bạn có thể tham khảo những triệu chứng rối loạn chức năng sàn chậu dưới đây để xem mình có thực sự bị rối loạn chức năng sàn chậu hay không.

Đường tiểu

  • Khi lao động nặng, chạy nhảy hoặc ho thì bị són tiểu
  • Không nhịn tiểu được khi mắc tiểu
  • Đi tiểu đêm nhiều lần
  • Cảm giác mắc tiểu trở nên bất thường, tiểu nhiều lần trong ngày (trên 8 lần)
  • Khó tiểu
  • Tiểu không hết

Đi tiểu

  • Khi chạy nhảy, hắt hơi hoặc ho có cảm giác són phân, són hơi
  • Không tự chủ được khi mắc đi tiểu hoặc khi muốn xì hơi
  • Thường xuyên bị táo bón

Đường sinh dục

  • Sa bàng quang
  • Sa tử cung
  • Sa ruột, trực tràng

Rối loạn quan hệ tình dục

  • Có cảm giác đau khi quan hệ tình dục
  • Cảm giác ham muốn bị suy giảm
  • Cảm giác cửa mình rộng

Rối loạn quan hệ tình dục
Rối loạn quan hệ tình dục

Đau mãn tính vùng chậu

  • Thường có cảm giác đau ở vùng cửa mình, vùng thắt lưng chậu hoặc vùng bụng dưới

4. Điều trị rối loạn chức năng sàn chậu

Tùy thuộc vào mức độ rối loạn chức năng sàn chậu của từng người mà sẽ có những phương thức điều trị rối loạn chức năng sàn chậu khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết sẽ bao gồm một số phương pháp cơ bản như:

  • Thay đổi và duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh: cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày (1,5 – 2l nước/ ngày), chế độ ăn uống hợp lý với nhiều rau quả, chất xơ. Đồng thời kiểm soát cân nặng ở mức hợp lí và có sử dụng các phương pháp giảm cân trong trường hợp thừa cân.
  • Tập luyện các bài tập dành cho khu vực sàn chậu: là phương pháp hữu hiệu trong việc ngăn ngừa cũng như điều trị các chứng rối loạn chức năng sàn chậu. Ngoài ra, việc chăm chỉ tập luyện các bài tập sàn chậu cũng giúp hỗ trợ quá trình sinh nở dễ dàng hơn; cải thiện đời sống tình dục cho cả nam và nữ.
  • Tiến hành vật lý trị liệu ruột, bàng quang: giúp người bệnh kiểm soát tốt hơn vấn đề đi tiêu, đi tiểu.
  • Sử dụng thuốc: trong các trường hợp như thiểu dưỡng âm đạo hoặc viêm nhiễm thì cần điều trị bằng thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Điều trị với vòng nâng Pessary: có tác dụng điều trị và khắc phục tình trạng sa các cơ quan vùng chậu.
  • Phẫu thuật: nếu việc điều trị nội khoa không có tiến triển thì bệnh nhân sẽ được chỉ định tiến hành phẫu thuật để điều trị các chứng rối loạn chức năng sàn chậu.

Rối loạn chức năng sàn chậu tuy không đe dọa tính mạng của người bệnh nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Nhiều người chủ quan không đi khám và điều trị do tâm lý ngại ngùng, xấu hổ cũng như chưa nhận thức rõ được mức độ ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống về sau này. Việc này khiến bệnh trở nên ngày càng nặng, thậm chí gây ra nhiều biến chứng.

Vì vậy, trong trường hợp bạn hoặc người thân có bất cứ nghi ngờ nào hoặc có các dấu hiệu rối loạn chức năng sàn chậu thì nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe