Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thành Long - Chuyên gia tư vấn tâm thần, Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Nghiện game có thể diễn ra liên tục hoặc theo từng giai đoạn. Các dấu hiệu phải kéo dài ít nhất 12 tháng. Nếu xuất hiện đầy đủ triệu chứng ở mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chẩn đoán sớm hơn.
1. Dấu hiệu nghiện game
Trong Phân loại Thống kê Quốc tế về Bệnh tật và Các vấn đề Sức khỏe liên quan (ICD 11), cập nhật vào tháng 5, WHO đưa nghiện game vào nhóm các rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi hành vi chơi dai dẳng, tái diễn, dù là trực tuyến hay ngoại tuyến.
Theo đó, ba dấu hiệu nghiện game điển hình ở một người gồm:
- Khó kiểm soát mức độ chơi game (như tần suất, cường độ, thời gian, bối cảnh); thậm chí mất kiểm soát đối với việc chơi game. Ví dụ trẻ không thể thoát ra được cám dỗ chơi game, có quyết định chơi game hay không, khi nào thì dừng lại,...
- Ưu tiên chơi game hơn các hoạt động thường ngày khác: Người nghiện game tăng mức độ ưu tiên dành cho việc chơi game. Trò chơi điện tử được ưu tiên hơn các lợi ích cuộc sống khác và hoạt động thường ngày. Thậm chí trẻ nghiện game online còn có xu hướng trì hoãn những việc cấp bách, ví dụ như hạn chót làm bài tập, ôn thi,...
- Tiếp tục hoặc chơi game ngày càng nhiều, bất chấp sự xuất hiện của những hậu quả tiêu cực.
2. Hậu quả của nghiện game
Hiện nay, tình trạng nghiện game, đặc biệt là nghiện game online ở giới trẻ ngày càng tăng dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của một người. Ngoài việc lấy đi mất thời gian và sức lực của con người, game online còn tác động trực tiếp làm thay đổi cảm xúc và suy nghĩ của cá nhân và ảnh hưởng đến các mặt khác của đời sống xã hội.
Về mặt sức khỏe
- Rối loạn giấc ngủ: Người nghiện game online có thể không ngủ cả ngày hoặc ngủ rất ít, số giờ ngủ trong ngày chỉ khoảng 3 - 4 giờ gây mệt mỏi, dễ cáu gắt, chán chường, mất hết sức sống.
- Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc giảm cân, sức khỏe giảm sút: Do nghiện game online mà ăn uống rất thất thường hoặc ăn rất ít. Sụt cân, sức khỏe kém đi, kiệt sức và mệt mỏi rất hay gặp ở bệnh nhân nghiện game online.
- Rối loạn hoạt động tâm thần vận động: Thay đổi tâm thần vận động bao gồm kích động, vận động chậm, chậm chạp khi giao tiếp, giọng nói nhỏ, số lượng ít, nội dung nghèo nàn, thậm chí không nói.
- Rối loạn trí nhớ: Giảm trí nhớ ngắn, trí nhớ dài hạn thì vẫn còn được duy trì tương đối tốt trong một thời gian dài.
Về mặt tinh thần
- Thường xuyên có cảm giác cô đơn, bức bối khó chịu và bị trầm cảm, cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi.
- Nhận thức sai về giá trị sống: Quá chìm đắm trong một trò game online khiến những hình ảnh trong game in sâu vào suy nghĩ, thậm chí bệnh nhân coi đó là định hướng cho cuộc sống của mình.
- Ảo tưởng hoặc đa nhân cách nếu người chơi nhập vai quá mức. Sự ảo tưởng có thể dẫn đến những hành vi kinh khủng, quái đản trong quan hệ cộng đồng và có xu hướng hung hăng, bạo lực hơn.
Về mặt xã hội
- Các quan hệ trong cuộc sống trở nên tẻ nhạt và khó khăn do người nghiện game ngày càng xa rời thực tế, ít liên quan đến cuộc sống thực của mình.
- Sự giảm sút giao lưu với bạn bè xung quanh, ít quan tâm đến đời sống gia đình.
- Bỏ bê việc học tập và các công việc hàng ngày, trẻ em học hành sa sút học hành, người lớn thậm chí có thể mất việc và tan vỡ các mối quan hệ xã hội.
Nghiện game là bệnh, thuộc nhóm đối tượng bị rối loạn. Tuy nhiên, khi đã nghiện game và lấn sâu vào thế giới ảo khiến cho người chơi rất khó mà thoát ra được. Do đó, người nghiện game cần được sự quan tâm, cũng như hỗ trợ nhiều của người thân và gia đình để có thể thoát khỏi tình trạng này. Gia đình có con nhỏ bị nghiện game online lại càng không nên nóng ruột, quát tháo hay nặng lời, đánh mắng trẻ. Thay vào đó, sự quan tâm đúng mực, đúng cách sẽ giúp trẻ nhiều hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.