Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da Liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Dày sừng ánh nắng hay dày sừng quang hóa là một mảng da sần sùi, có vảy trên vùng da này, phát triển sau nhiều năm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vị trí gặp phải của dày sừng quang hóa là trên mặt, môi, tai, cẳng tay, da đầu, cổ hoặc mu bàn tay. Mặc dù tổn thương da loại này thường phát triển chậm và lành tính, nếu không được điều trị thì sẽ tăng nguy cơ dày sừng quang hóa sẽ chuyển thành ung thư da giai đoạn sớm.
1. Dày sừng ánh nắng là gì?
Dày sừng ánh nắng hay dày sừng quang hóa là một trong những bệnh lý da liễu thường gặp. Sự phát triển của tiền ung thư da thường gặp vì nhiều người hiếm khi bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời bằng kem chống nắng, mũ rộng vành, khẩu trang, áo chống nắng tối màu. Nếu không có biện pháp bảo vệ chống nắng, các tia có hại của ánh nắng mặt trời có thể gây hại cho làn da. Mặc dù cơ thể có thể tự “sửa chữa” một số tổn thương này, các tia nắng mặt trời vẫn tiếp tục gây hại cho làn da không được bảo vệ. Qua nhiều năm, tổn thương này tích tụ và có thể gây ra những thay đổi tiền ung thư cho da, trở thành ung thư da giai đoạn sớm.
Hơn nữa, những người sử dụng (hoặc đã sử dụng) giường tắm nắng, đèn chiếu nắng hoặc cả hai cũng có nguy cơ bị dày sừng ánh sáng, tương tự như dày sừng ánh nắng. Cơ chế là do lượng bức xạ có hại do giường tắm nắng tạo ra tương tự như bức xạ của mặt trời và trong một số trường hợp có thể mạnh hơn.
Do đó, cần chú ý đến làn da để có thể kiểm soát sự phát triển tiền ung thư. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người đã dành nhiều thời gian ở ngoài trời mà không bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời hoặc sử dụng giường tắm nắng.
2. Những dấu hiệu da bị dày sừng ánh nắng như thế nào?
Dày sừng ánh nắng hay dày sừng quang hóa phát triển khi da bị tổn thương nặng do tia cực tím (UV) từ mặt trời hoặc dùng giường tắm nắng trong nhà. Theo đó, tổn thương da dạng này có xu hướng xuất hiện trên da bị tổn thương nặng nhất bởi ánh nắng mặt trời. Đó là lý do tại sao chúng thường xuất hiện trên mặt, tai, da đầu hói, tay, cổ hoặc môi.
Nếu không được điều trị, một số dày sừng quang hóa sẽ biến thành ung thư da giai đoạn sớm của một loại ung thư da được gọi là ung thư biểu mô tế bào vảy.
Sau đây là các dấu hiệu của da bị dày sừng ánh nắng cần nhận biết để tích cực ngăn chặn phát triển tiền ung thư có thể xuất hiện trên da hoặc môi:
- Một mảng có cảm giác thô ráp trên da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời trước khi có thể nhìn thấy tổn thương thực thể.
- Một hoặc nhiều nốt sần có vảy, có thể trông giống như mụn nhọt hoặc các nốt da bị kích ứng.
- Nhiều nốt nổi vảy trên da có thể trông giống như phát ban hoặc mụn trứng cá.
- Một mảng da nổi lên, có cảm giác thô ráp trên da, có thể có màu đỏ, hồng, màu da hoặc xám.
- Khu vực da phẳng, có vảy trông giống như vết đồi mồi.
- Môi khô, có vảy nhưng không bao giờ lành (hoặc đã lành và lại tái phát).
- Có vảy, mảng trắng trên một (hoặc cả hai) môi. Các mảng trắng trên môi có thể là dấu hiệu cho thấy người bệnh đang mắc tình trạng tiền ung thư trên môi.
- Mất màu trên một hoặc cả hai môi.
Theo đó, tổn thương da do dày sừng quang hóa khá đa dạng với nhiều màu sắc khác nhau, như một vết sưng hoặc mảng da giống như mụn có vảy có màu từ đỏ hoặc hồng, màu giống da đến màu xám, màu vàng, nâu hoặc rám nắng hay cả màu trắng.
Bên cạnh đó, trong khi hầu hết người bệnh chỉ nhìn thấy dày sừng quang hóa là sự thay đổi trên làn da, một số khác lại có thể có cảm giác ngứa, đốt hoặc châm chích hay cảm thấy mềm hoặc đau khi chạm vào. Mặt khác, có người còn thấy chảy mủ, chảy máu, dính vào quần áo gây khó chịu.
Như vậy, nếu đã nhận thấy sự thay đổi trên da, đây có thể là chứng dày sừng hoạt hóa, hãy bảo vệ sức khỏe bằng cách đến gặp bác sĩ da liễu. Nếu thay đổi đó thực sự là do dày sừng quang hóa, người bệnh sẽ có nhiều nguy cơ phát triển thành ung thư da giai đoạn sớm. Lúc này, dưới sự điều trị và chăm sóc của bác sĩ da liễu, người bệnh sẽ được phát hiện sớm ung thư da khi còn khả năng điều trị cao.
3. Các nguyên nhân gây ra dày sừng ánh nắng là gì?
Làn da bị tổn thương nặng do ánh nắng mặt trời sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển dày sừng ánh nắng. Tuy nhiên, còn những điều kiện khác cũng có thể làm tăng nguy cơ gây bệnh, chẳng hạn như giường tắm nắng hoặc đèn chiếu nắng.
Tất cả đều là nguồn chiếu tia UV, có thể làm hỏng các tế bào sừng trên da. Các tế bào này sống ở lớp ngoài cùng của da và tạo nên cấu trúc cho làn da. Hơn nữa, những người có nhiều khả năng bị dày sừng ánh nắng cũng sẽ có một số yếu tố nguy cơ nhất định, bao gồm:
- Da trắng (dễ bị bỏng mà hiếm khi bị rám nắng).
- Tóc vàng hoặc đỏ tự nhiên.
- Mống mắt sáng màu.
- Tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời mà hiếm khi được bảo vệ đầy đủ.
- 50 tuổi trở lên.
- Người nhận ghép nội tạng.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu.
- Da bạch tạng.
- Mắc bệnh khô da sắc tố, hội chứng Rothnord-Thomson hoặc hội chứng Bloom.
Trong đó, hầu hết những người mắc phải dày sừng ánh nắng là đã dành nhiều thời gian ở ngoài trời mà không bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và đã từ 50 tuổi trở lên. Tuy vậy, nếu đã sử dụng giường thuộc da hoặc sống ở một vùng có nắng ấm quanh năm, một người vẫn có thể phát triển bệnh dày sừng ánh nắng ở độ tuổi trẻ hơn, như ở độ tuổi 20 hoặc sớm hơn.
Bên cạnh đó, bất kỳ người bệnh sau nhận nội tạng cấy ghép đều có xu hướng phát triển dày sừng ánh nắng. Nguyên nhân là vì các loại thuốc đã dùng để chống cơ thể thải ghép sẽ ức chế hệ thống miễn dịch đến mức cơ thể khó chữa lành bất kỳ tổn thương nào do tia UV của mặt trời gây ra. Điều này làm cho dày sừng ánh nắng sẽ phát triển nhanh chóng hơn.
Trong trường hợp nhận thấy một mảng sần sùi trên da hoặc môi nứt nẻ không lành, các bác sĩ da liễu khuyên nên đi khám vì nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, một số dày sừng ánh nắng sẽ biến thành một loại ung thư da được gọi là ung thư biểu mô tế bào vảy.
Tóm lại, dày sừng ánh nắng là thuật ngữ mô tả những tổn thương trên lớp da bên ngoài do tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím của ánh sáng mặt trời. Đây cũng là khởi đầu của ung thư da giai đoạn sớm, thường xuất hiện nhiều nhất sau tuổi 50. Một số người sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác, như khi có làn da trắng, tóc vàng hoặc đỏ và mắt sáng màu, ghép tạng,... Tuy nhiên, dù bất cứ đối tượng nào, việc bảo vệ da tránh tia UV khi ra ngoài luôn là điều cần thiết; đồng thời, cần nhớ thăm khám chuyên khoa da liễu sớm khi có tổn thương nghi ngờ trên da.
Chuyên khoa da liễu lâm sàng của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang đảm nhận chẩn đoán, điều trị, dự phòng và phục hồi chức năng các bệnh lý thuộc chuyên ngành Phong và Da liễu (da và các phần phụ của da gồm lông, tóc, móng, tuyến mồ hôi). Bên cạnh đó, còn bao gồm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, và các bệnh lý liên quan đến da liễu do nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt là những căn bệnh thường gặp ở khoa da liễu như: Nám da, tàn nhang, mụn/sẹo/rạn da, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc dị ứng/kích ứng, các bệnh về sắc tố da, lão hoá da, nấm, giang mai, sùi màu gà, vi nấm sâu gây bệnh nội tạng, ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào gai, ung thư hắc tố, hôi nách, bớt sắc tố bẩm sinh, u máu, các khối u lành tính ở da, móng chọc thịt, nốt ruồi,...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo: mayoclinic.org, webmd.com, aad.org, dalieu.vn, hellobacsi.com, hoanmysaigon.com, msdmanuals.com