Dấu hiệu viêm cổ tử cung thường không dễ nhận biết ở giai đoạn đầu, nhưng khi bệnh tiến triển, các triệu chứng có thể trở nên rõ ràng và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Viêm cổ tử cung là tình trạng viêm nhiễm tại vùng cổ tử cung, thường do vi khuẩn, virus hoặc các tác nhân gây bệnh khác. Vậy dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh viêm cổ tử cung là gì?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCKI Lê Thị Phương - Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Viêm cổ tử cung là gì?
Để hiểu rõ hơn về dấu hiệu viêm cổ tử cung và cách điều trị hiệu quả, chúng ta cần bắt đầu bằng việc tìm hiểu căn bản về bệnh lý này.
Viêm cổ tử cung là tình trạng sưng viêm và lở loét tại cổ tử cung, do các tác nhân như vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Bệnh được phân thành hai loại chính: viêm cổ tử cung cấp tính và mãn tính. Khi viêm cấp tính tái phát nhiều lần hoặc không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể phát triển thành viêm mãn tính.
Dấu hiệu viêm cổ tử cung thường khá giống với viêm âm đạo, bao gồm tiết huyết trắng đục kèm mùi khó chịu, ngứa ngáy, xuất huyết âm đạo và cảm giác đau rát khi quan hệ tình dục. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này thường là do nhiễm khuẩn.
Mặc dù viêm cổ tử cung không phải là bệnh khó chữa, nhưng nếu không được điều trị, bệnh có thể làm suy giảm chức năng miễn dịch của tử cung và âm đạo, tăng nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, nhiễm Chlamydia và thậm chí là HIV.

2. Dấu hiệu viêm cổ tử cung
Rất nhiều phụ nữ mắc viêm cổ tử cung nhưng không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, khiến bệnh dễ bị bỏ sót và chỉ được phát hiện khi khám định kỳ hoặc khi khám các bệnh lý khác. Tuy nhiên, một số triệu chứng và dấu hiệu viêm cổ tử cung chị em thường gặp phải bao gồm:
- Ra khí hư bất thường: Có thể xuất hiện dịch màu vàng, trắng đục hoặc xám nhạt.
- Xuất huyết âm đạo bất thường: Ra máu sau khi quan hệ tình dục hoặc giữa các kỳ kinh nguyệt.
- Đau, ngứa âm đạo.
- Đau rát khi quan hệ tình dục.
- Đau buốt khi tiểu tiện.

3. Nguyên nhân
Không chỉ các dấu hiệu viêm cổ tử cung, nguyên nhân gây bệnh cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Phần lớn các trường hợp viêm cổ tử cung xuất phát từ nhiễm khuẩn qua đường tình dục. Tóm lại, các nguyên nhân gây viêm tử cung có thể bao gồm:
3.1 Giao hợp không an toàn
Quan hệ tình dục không an toàn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm cổ tử cung. Các tình huống cụ thể dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm có thể bao gồm:
- Không sử dụng bao cao su: Tăng nguy cơ lây nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn và virus qua đường tình dục.
- Quan hệ quá thô bạo: Có thể gây tổn thương cổ tử cung, làm cho các tác nhân gây viêm nhiễm dễ dàng phát triển.
- Quan hệ với bạn tình có bệnh lý lây truyền như bệnh lậu, giang mai, sùi mào gà hoặc các loại mụn cóc sinh dục.
Để phòng tránh viêm tử cung và bảo vệ sức khỏe, chị em phụ nữ nên thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn. Một số lời khuyên hữu ích bao gồm:
- Luôn sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su hoặc vòng tránh thai và đảm bảo dùng đúng cách.
- Hạn chế số lượng bạn tình để giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Trao đổi thẳng thắn với bạn tình về các vấn đề sức khỏe liên quan đến tình dục.
- Tôn trọng cảm giác của bản thân và sẵn sàng nói “không” khi chưa sẵn sàng.
- Kiềm chế bản thân khi đang sử dụng chất kích thích.
3.2 Viêm âm đạo
Viêm âm đạo nếu không được điều trị kịp thời có thể tạo điều kiện cho ký sinh trùng, nấm và vi khuẩn xâm nhập lên cổ tử cung, gây ra viêm nhiễm và thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Để giảm thiểu nguy cơ viêm âm đạo dẫn đến viêm cổ tử cung, chị em nên duy trì các thói quen vệ sinh hợp lý như:
- Sử dụng giấy vệ sinh đúng cách, giữ vệ sinh vùng kín sau khi quan hệ.
- Thay băng vệ sinh thường xuyên trong kỳ kinh nguyệt.
- Chọn chất liệu quần lót thoáng khí và thay quần lót đều đặn.
3.3 Dị ứng
Việc sử dụng dung dịch vệ sinh, bao cao su hoặc chất bôi trơn không rõ nguồn gốc hoặc dùng sai cách có thể gây kích ứng và làm tăng nguy cơ khiến cổ tử cung bị viêm.
Để tránh những rủi ro này, các cặp đôi nên chú ý:
- Chỉ sử dụng chất bôi trơn theo đúng mục đích, tránh các sản phẩm không rõ thành phần.
- Chọn bao cao su đúng kích thước, phù hợp với cơ địa và dùng đúng cách để giảm nguy cơ dị ứng.
3.4 Nạo phá thai
Những phụ nữ có tiền sử nạo phá thai, đặc biệt là trong các điều kiện không an toàn hoặc khi việc chăm sóc sau phẫu thuật không đảm bảo, thường có nguy cơ cao mắc viêm cổ tử cung. Những trường hợp này dễ dẫn đến tổn thương vùng cổ tử cung, tạo điều kiện cho vi khuẩn và viêm nhiễm phát triển.
Do đó, nếu bắt buộc phải nạo phá thai, việc lựa chọn một cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để thực hiện thủ thuật là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm và biến chứng nguy hiểm, mà còn bảo vệ khả năng sinh sản của người phụ nữ về sau.
3.5 Quan hệ tình dục quá sớm, quá nhiều
Phụ nữ quan hệ tình dục từ quá sớm có thể đối mặt với nguy cơ mang thai khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hoàn thiện, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa. Thêm vào đó, việc quan hệ với tần suất cao, có nhiều bạn tình trong cùng một thời điểm hoặc có bạn đời không chung thủy cũng đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ khiến cổ tử cung bị viêm.
Để bảo vệ sức khỏe, ngoài việc sử dụng các biện pháp an toàn, các cặp đôi nên duy trì đời sống tình dục điều độ, lành mạnh và hạn chế rủi ro từ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe phụ khoa.
3.6 Vệ sinh cá nhân không đúng cách
Viêm nhiễm cổ tử cung còn có thể bắt nguồn từ thói quen vệ sinh cá nhân không đúng cách, chẳng hạn như mặc quần áo lâu ngày không giặt, thường xuyên mặc quần bó sát, sử dụng nước thụt rửa sâu vào âm hộ hoặc không vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ.
Để giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm vùng kín, nữ giới nên duy trì thói quen vệ sinh đúng cách. Sử dụng các dung dịch vệ sinh phù hợp và sử dụng đúng cách sẽ giúp bảo vệ sức khỏe vùng kín và ngăn ngừa viêm nhiễm hiệu quả.
3.7 Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường
Ở một số phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường (trên 7 ngày) có thể gây ra hiện tượng rong kinh, rong huyết, làm cho cổ tử cung luôn trong trạng thái mở. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm xâm nhập, dẫn đến nguy cơ viêm cổ tử cung.
Trong trường hợp này, phụ nữ nên trao đổi với bác sĩ phụ khoa để xác định nguyên nhân chính xác và được điều trị kịp thời, giúp ngăn ngừa bệnh trở nên dai dẳng và nghiêm trọng hơn.
4. Các phương pháp điều trị
4.1 Sử dụng thuốc
Tùy vào nguyên nhân và dấu hiệu viêm cổ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Nếu viêm cổ tử cung do các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn. Trong trường hợp viêm do virus (như mụn rộp sinh dục), thuốc kháng virus sẽ được kê đơn.
Điều quan trọng cần lưu ý là xét nghiệm và điều trị viêm cổ tử cung cũng nên được thực hiện với bạn tình, dù họ có triệu chứng hay không, để ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm.

4.2 Liệu pháp Laser
Tương tự như phương pháp nhiệt trị liệu, liệu pháp laser trong điều trị viêm cổ tử cung sử dụng tia laser cường độ cao để đốt cháy, loại bỏ các mô bất thường. Trong quá trình này, bệnh nhân sẽ được gây mê và nằm ở tư thế cố định. Bác sĩ sử dụng thiết bị chuyên dụng để giữ âm đạo ở trạng thái mở, sau đó chiếu tia laser trực tiếp vào các mô tế bào bị tổn thương nhằm loại bỏ viêm nhiễm.

4.3 Đốt điện
Đốt điện, còn gọi là nhiệt trị liệu, là một thủ thuật ngoại trú nhằm đốt cháy và loại bỏ các tế bào bị viêm nhiễm trong cổ tử cung. Sau khi bệnh nhân nằm ổn định ở tư thế chuẩn bị, bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị để giữ âm đạo mở. Tiếp theo, bác sĩ dùng một tăm bông chuyên dụng để vệ sinh sạch sẽ cổ tử cung, rồi sử dụng que tỏa nhiệt để phá hủy các mô bị viêm nhiễm.
Trong thủ thuật này, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ để giảm bớt cảm giác khó chịu trong quá trình thực hiện.
4.4 Phẫu thuật lạnh
Trong trường hợp dấu hiệu viêm cổ tử cung kéo dài và khó điều trị, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật lạnh, hay còn gọi là liệu pháp đóng băng. Thủ thuật này sử dụng nhiệt độ cực lạnh để phá hủy các tế bào bất thường, với dụng cụ chính là que tỏa lạnh chứa nitơ lỏng.
Phẫu thuật lạnh thường ít gây đau, nhưng một số bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng chuột rút, chảy máu và trong trường hợp hiếm hoi có thể xảy ra nhiễm trùng hoặc để lại sẹo.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp Gói khám và sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản, giúp khách hàng phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm để điều trị kịp thời, tiết kiệm chi phí, đồng thời sàng lọc nguy cơ ung thư phụ khoa, đặc biệt là ung thư cổ tử cung.
Với đội ngũ bác sĩ phụ khoa giàu kinh nghiệm, Vinmec sẵn sàng khám và điều trị cho bệnh nhân. Nếu có các dấu hiệu viêm cổ tử cung, Quý Khách hãy đến khám sớm để điều trị kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.