Đau đầu sau tai: Đừng chủ quan

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đau đầu sau tai là một bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Cơn đâu có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân như do đau dây thần kinh chẩm, viêm xương chũm, rối loạn khớp thái dương-hàm hay các vấn đề nha khoa khác.

1. Nguyên nhân gây đau đầu sau tai là gì ?

1.1. Đau dây thần kinh chẩm

Đau dây thần kinh chẩm là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau đầu. Dây thần kinh chẩm xuất phát từ đốt sống cổ 2 (C2) và (C3), đi lên và chi phối da đầu vùng gáy. Đau dây thần kinh chẩm xuất hiện khi dây thần kinh chẩm, hoặc các dây thần kinh chạy từ trên cùng của tủy sống qua da đầu, bị tổn thương hoặc bị viêm. Do các triệu chứng tương tự nên đau thần kinh chẩm thường bị nhầm lẫn với đau nửa đầu. Hầu hết bệnh nhân thường đau ở một bên đầu, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cả hai bên đầu.

Một số bệnh nhân còn cảm thấy đau phía sau mắt cùng bên. Các triệu chứng đau dây thần kinh chẩm gồm đau liên tục, cơn đau thường bắt đầu tại nền hộp sọ và có thể đau lan sang phía sau hay dọc theo phần bên đầu, rát bỏng, bưng bưng (đau thành nhịp)

Đau thần kinh chẩm có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Bệnh có thể xuất hiện thứ phát do liên quan đến một bệnh lý nền như: viêm xương khớp của cột sống cổ cao, chấn thương các dây thần kinh chẩm lớn, chẩm nhỏ, các dây thần kinh chẩm lớn , chẩm nhỏ hoặc rễ cổ C2, C3 bị chèn ép do thay đổi thoái hoá cột sống cổ, bệnh đĩa đệm cột sống cổ,...

1.2 Viêm xương chũm

Xương chũm nằm sau tai. Viêm xương chũm là hiện tượng tổn thương lan vào xương chũm ở xung quanh sào bào - tai giữa. Viêm xương chũm xảy ra phổ biến ở trẻ em hơn ở người lớn. Viêm xương chũm gây sưng, đỏ, chảy dịch từ tai, đau tai, nhất là khi nằm vào ban đêm, cơn đau có thể lan ra nửa đầu và vùng thái dương, vùng đỉnh, xuống hàm. Đặc biệt khi ấn vào vùng sào bào, mỏm chũm và bờ sau xương chũm bệnh nhân sẽ cảm thấy đau dữ dội. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây sốt, mệt mỏi và mất thính giác.

1.3 Rối loạn khớp thái dương hàm

Khớp thái dương hàm là khớp ở hai bên đầu ở phía trước của tai, giúp hàm mở và đóng. Nếu khớp này bị trật, chấn thương hoặc tổn thương do viêm khớp, bệnh nhân sẽ rất khó mở miệng, khó nhai nuốt thức ăn. Đau ở khớp thái dương hàm có thể là do căng thẳng, nghiến răng, viêm khớp, chấn thương... Đau do rối loạn khớp thái dương hàm có thể nhầm với đau nửa đầu, đau tai, đau và tăng nhãn áp.

1.4 Các vấn đề khác về nha khoa

Các vấn đề về nha khoa như như áp xe răng, có thể gây ra cơn đau đầu sau tai. Khi giải quyết dứt điểm các vấn đề này, cơn đau của bệnh nhân sẽ dần thuyên giảm.


Đau dây thần kinh chẩm là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau đầu
Đau dây thần kinh chẩm là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau đầu

2. Chẩn đoán nguyên nhân gây đau đầu sau tai

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau đầu sau tai, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số đánh giá sau:

  • Xét nghiệm máu.
  • Nuôi cấy dịch tiết từ tai. Nếu phát hiện viêm hoặc nhiễm trùng tai, bệnh nhân có thể được giới thiệu đến một chuyên gia tai, mũi, họng.
  • Nếu bác sĩ nghi ngờ đau thần kinh chẩm, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc chặn thần kinh để xác nhận chẩn đoán là đau thần kinh chẩm.
  • Để chẩn đoán rối loạn khớp thái dương hàm cần phải thông quá các xét nghiệm hình ảnh.
  • Nếu bệnh nhân bị đau đầu dai dẳng mà vẫn không rõ nguyên nhân, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện một số đánh giá hình ảnh sau: tia X, chụp CT, chụp cộng hưởng từ (MRI).

Bệnh nhân có thể được chỉ định chụp CT nếu bị đau đầu dai dẳng không rõ nguyên nhân
Bệnh nhân có thể được chỉ định chụp CT nếu bị đau đầu dai dẳng không rõ nguyên nhân

3. Điều trị đau đầu sau tai

Đau dây thần kinh chẩm

  • Điều trị không phẫu thuật: Chủ yếu là sử dụng các thuốc giảm đau để giảm triệu chứng cho bệnh nhân. Bệnh nhân cơ thể tự giảm đau bằng cách chườm ấm, nghỉ ngơi hay dùng vật lý trị liệu, như xoa bóp. Nếu cơn đau nặng hơn, bệnh nhân nên dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc giãn cơ. Các thuốc chống co giật như Carbamazepine và Gabapentin cũng có thể giúp giảm triệu chứng.
  • Phong bế dây thần kinh qua da: Phong bế dây thần kinh qua da có thể tại các dây thần kinh chẩm hoặc tại các hạch thần kinh C2, C3. Bác sĩ sẽ sử dụng steroid để phong bế dây thần kinh.
  • Kích thích thần kinh chẩm: Sử dụng máy kích thích thần kinh đưa xung điện tới dây thần kinh chẩm. Trong trường hợp này, các xung điện có thể giúp chặn các tín hiệu đau đến não Phương pháp này ít xâm hại đến cơ thể và các cấu trúc xung quanh cũng sẽ không bị tổn thương vĩnh viễn.
  • Phẫu thuật : phẫu thuật thường được chỉ định ở bệnh nhân đau nhiều, kéo dài và không đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân để cân nhắc kỹ lợi ích và những nguy cơ mà phẫu thuật có thể gây ra.
  • Giải ép mạch máu vi phẫu: là kỹ thuật bộc lộ dây thần kinh bị ảnh hưởng, xác định các mạch máu có thể chèn ép các dây thần kinh và nhẹ nhàng tách chúng ra khỏi điểm chèn ép.

Viêm xương chũm

Viêm xương chũm thường được điều trị bằng kháng sinh. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với kháng sinh điều trị, bệnh nhân có thể cần thực hiện rạch màng nhĩ. Đối với các trường hợp rất nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu cắt bỏ xương chũm.

Rối loạn khớp thái dương hàm

Nếu bệnh nhân bị đau do rối loạn khớp thái dương hàm, một số phương pháp điều trị có thể áp dụng bao gồm:

  • Thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm hoặc thuốc giãn cơ
  • Nẹp miệng hoặc bảo vệ miệng
  • Vật lý trị liệu
  • Loại bỏ dịch khớp
  • Dùng corticosteroid
  • Phẫu thuật.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Thạc sĩ Lê Dương Tiến đã có 20 kinh nghiệm làm chuyên môn về chuyên khoa Nội. Đặc biệt bác sĩ Tiến có nhiều năm kinh nghiệm về nội cơ xương khớp, thần kinh, nội tiết và tim mạch và hiện là Bác sĩ Nội tổng hợp Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe