Đau đầu, đau nhức răng kèm mắt mờ là bệnh gì?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Mẹ em bị đau đầu, răng đau nhức và nóng mặt, nóng như lửa vậy, mắt hơi mờ nhòe kiểu như khô rát tuyến lệ hay sao ấy. Tại mẹ hay dụi mắt. Mẹ em cũng thường xuyên bị đổ mồ hôi lạnh sau gáy lưng. Vậy bác sĩ cho em hỏi đau đầu, đau nhức răng kèm mắt mờ là bệnh gì? Em cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Nghĩa (1993)

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Bác sĩ đa khoa - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Đau đầu, đau nhức răng kèm mắt mờ là bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Mẹ của bạn có hai bệnh chính là:

  • Bệnh lý răng: Bạn nên đưa mẹ đến khám chuyên khoa Răng hàm mặt kiểm tra để tư vấn điều trị.
  • Rối loạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh: Đau đầu, nóng mặt, bốc hỏa, đổ mồ hôi.

Các triệu chứng báo hiệu sự bắt đầu vào giai đoạn tiền mãn kinh ở phụ nữ thường không giống nhau tùy mỗi người. Hầu hết, nữ giới bước vào thời kỳ tiền mãn kinh đều gặp phải những vấn đề khó chịu mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc giảm sút nội tiết tố sinh dục nữ estrogen.

Những dấu hiệu của sự rối loạn trong thời kỳ tiền mãn kinh bao gồm cảm giác bất thường về kinh nguyệt, xuất hiện những cơn bốc hỏa (cảm thấy nóng bừng đột ngột, lan khắp vùng ngực). Triệu chứng đổ mồ hôi về đêm, chóng mặt, choáng ngất, cảm giác ngột ngạt khó thở, rối loạn nhịp tim, mất tập trung và suy giảm trí nhớ. Bên cạnh đó, tính khí cũng trở nên thất thường và hay gắt gỏng. Ngoài ra, các dấu hiệu thường gặp khác, bao gồm khô da, giảm ham muốn tình dục, khô rát âm đạo, biểu hiện của loãng xương, đau nhức xương khớp và có nguy cơ gây ra các vấn đề về tim mạch.

Đối với người phụ nữ, tiền mãn kinh và mãn kinh là hai giai đoạn xảy đến một cách hoàn toàn tự nhiên. Đôi khi, chúng diễn ra rất bình thường mà không biểu hiện thành bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng cũng có khi, tiền mãn kinh xảy ra sớm và kéo dài, đem đến rất nhiều sự bất tiện, ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sức khỏe và công việc.

Sự suy giảm estrogen chính là thủ phạm hàng đầu gây ra những rắc rối kể trên. Vì vậy, nếu muốn mọi việc quay trở về đúng “quỹ đạo”, tốt hơn hết là sử dụng liệu pháp thay thế hormon dưới sự cân nhắc của bác sĩ Sản phụ khoa. Việc dùng hormon như thế nào là tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người.

Bên cạnh đó, phụ nữ khi đến tuổi mãn kinh nên chọn chế độ ăn uống chứa ít chất béo, ít cholesterol, giàu canxi (chẳng hạn như sữa, tôm, cua, trứng),... Các loại thực phẩm giàu omega-3, isoflavones và phytosterols (như cá, đậu tương) rất tốt cho phụ nữ mãn kinh. Bởi vì các chất này có công dụng tương tự như estrogen (cũng giống như bổ sung estrogen thiếu hụt cho cơ thể). Ngoài ra, phụ nữ nên hạn chế tối đa những món ăn, gia vị cay nóng để tránh gây ra cơn bốc hỏa. Sử dụng vitamin E hằng ngày cũng là biện pháp tốt cần được cân nhắc.

Song song với chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập thể dục thể thao như đi bộ, bơi lội, tập aerobic,... thì việc thăm khám sức khỏe ở giai đoạn này hết sức quan trọng. Bởi giai đoạn này, khi rối loạn nội tiết tố thay đổi cũng làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý ở độ tuổi trung niên. Theo đó, nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể cải thiện những triệu chứng khó chịu, giúp chị em phụ nữ khỏe mạnh, không bị ảnh hưởng quá nhiều khi nội tiết tố thay đổi.

  • Khám chuyên khoa Phụ khoa.
  • Khám phụ khoa, khám vú.
  • Siêu âm tử cung, buồng trứng qua đường bụng.
  • Lấy bệnh phẩm làm phiến đồ tế bào cổ tử cung – âm đạo.
  • Chụp X-quang tuyến vú (2 bên).
  • Đo độ loãng xương.
  • Thực hiện các xét nghiệm khác để phát hiện các bệnh lý tiền mãn kinh nếu có.

Nếu bạn còn thắc mắc về đau đầu, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe