Bài viết được viết bởi Dược sĩ Nguyễn Huy Khiêm - Dược sĩ lâm sàng, Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Đau dạ dày (đau vùng thượng vị) là vấn đề phổ biến rất nhiều người gặp phải, có thể kèm theo một số triệu chứng như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua hay cảm giác đau, bỏng rát vùng ngực. Đây có thể là những dấu hiệu gợi ý về nguy cơ mắc bệnh lý viêm loét dạ dày – tá tràng. Để làm giảm tức thời cơn đau dạ dày, cũng như cải thiện và giảm nhẹ các triệu chứng kèm theo, người bệnh có thể tham khảo thông tin dưới đây.
1. Các thuốc giảm đau thông thường ít có tác dụng
Paracetamol hay Acetaminophen (với các biệt dược thường gặp: Efferalgan, Panadol, Hapacol, Tylenol,...) là thuốc giảm đau không cần kê đơn được sử dụng khá phổ biến, tuy nhiên thuốc hầu như không hiệu quả để giảm đau do tình trạng viêm loét dạ dày – tá tràng gây nên. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh có tiền sử viêm loét dạ dày – tá tràng nhưng gặp phải các cơn đau do nguyên nhân khác (như đau đầu, đau cơ, đau xương khớp,...), paracetamol là một lựa chọn hiệu quả và an toàn do thuốc không có tác dụng phụ gây nên tình trạng viêm loét đường tiêu hoá như một số thuốc giảm đau khác.
Không sử dụng các thuốc thuộc nhóm chống viêm giảm đau không steroid (NSAIDs) với các hoạt chất thường gặp: ibuprofen (biệt dược: Gofen, Alaxan,...), diclofenac (biệt dược: Voltaren,...), meloxicam (biệt dược: Mobic,...), do các thuốc này sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng viêm loét ống tiêu hoá, thậm chí gây xuất huyết tiêu hoá (với biểu hiện: đi ngoài phân đen hoặc phân máu, nôn dịch đen hoặc dịch máu, đau bụng dữ dội,...).
2. Thuốc giảm đau dạ dày không cần kê đơn
Để giảm đau tức thì trong trường hợp đau dạ dày cần sử dụng các thuốc có tác dụng trung hòa acid dịch vị dạ dày, cũng như băng se niêm mạc vùng bị tổn thương trợt loét. Nhóm thuốc này được gọi chung là thuốc antacid – bao niêm mạc dạ dày.
Các thuốc phổ biến trên thị trường bao gồm: Maalox, Phosphalugel, Gastropulgite,.... Đây là nhóm thuốc mà người bệnh có thể mua tại hiệu thuốc mà không cần đơn kê của bác sĩ.
3. Phòng tránh và điều trị triệt để tình trạng đau dạ dày
- Ăn uống điều độ, tránh bỏ bữa
- Hạn chế sử dụng các chất kích ứng đường tiêu hoá (bia, rượu, thuốc lá, thuốc giảm đau NSAIDs,...)
- Vận động thể dục thường xuyên, tránh bị stress
- Nếu tình trạng đau dạ dày diễn ra thường xuyên, hoặc có các biến chứng nghiêm trọng (như xuất huyết tiêu hoá), cần đến thăm khám tại cơ sở y tế với bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá để sàng lọc và điều trị dứt điểm các nguyên nhân gây viêm loét đường tiêu hoá (như vi khuẩn HP,...)
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.