Trẻ em bị đau bụng là tình trạng thường gặp. Tuy nhiên đôi khi cha mẹ không rõ trẻ em bị đau bụng là do đâu. Tìm hiểu chứng đau bụng không rõ nguyên nhân ở trẻ em để sớm nhận biết các biểu hiện bệnh lý có thể kịp thời thăm khám và điều trị.
1. Trẻ em bị đau bụng là do đâu?
Trẻ bị đau bụng không rõ nguyên nhân khiến cha mẹ lo lắng, mặc dù đau bụng ở trẻ là một vấn đề sức khỏe thường gặp. Đó có thể là đau bụng cấp tính hoặc mãn tính.
Cơn đau bụng cấp tính ở trẻ có các đặc điểm sau:
- Đau quằn quại.
- Đổ mồ hôi.
- Mặt tái xanh.
- Cơn đau khiến trẻ khóc thét.
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trẻ em bị đau bụng:
- Viêm ruột thừa: Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị đau bụng cấp tính. Bệnh xuất hiện ở trẻ từ 2 tuổi với những biểu hiện gần giống với người lớn như đau vùng bụng phải ở khu vực hố chậu, cơn đau từ nhẹ chuyển sang nặng và đau liên tục, trẻ bị sốt nhẹ và buồn nôn, nôn kèm theo. Khi thăm khám lâm sàng, trẻ có thể kêu đau và có phản xạ gạt tay của bác sĩ khi bác sĩ sờ vào vùng bụng đang bị đau của trẻ. Dưới 2 tuổi, trẻ em bị đau bụng rất khó chẩn đoán viêm ruột thừa vì triệu chứng không rõ ràng, làm phát hiện bệnh chậm và dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, thủng ruột thừa. Biểu hiện viêm ruột thừa ở trẻ dưới 2 tuổi là ngoài đau bụng, đầy hơi, trẻ còn bị sốt nhẹ, nôn trớ, mặt tái và lờ đờ, quấy khóc.
- Chứng lồng ruột: Lồng ruột là một trong những bệnh thường gặp khiến trẻ em bị đau bụng cấp tính. Trẻ bụ bẫm, trẻ trai trong độ tuổi từ 3 tháng - 2 tuổi là đối tượng thường bị bệnh, nhất là những trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi. Ngoài đau bụng, trẻ bị lồng ruột còn có biểu hiện nôn và đại tiện ra máu.
- Tắc ruột: Trẻ bị tắc ruột có biểu hiện chướng bụng, nôn ra thức ăn hoặc dịch mật có màu xanh hoặc vàng.
- Thoát vị nghẽn: Trẻ em bị đau bụng do thoát vị nghẽn nếu không được phát hiện kịp thời có thể khiến hoại tử đoạn ruột bị nghẽn. Ngoài đau bụng, trẻ còn có triệu chứng buồn nôn và bí đại tiện.
- Giun chui ống mật: Một số trường hợp trẻ em bị đau bụng là do giun ở trong đường tiêu hóa, giun chui ống mật, với các biểu hiện như trẻ đau xung quanh rốn đến mức phải lăn lộn, đổ mồ hôi, khóc thét. Tình trạng này có thể tái phát nhiều lần và dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm như tắc ống mật, sỏi mật, áp xe gan.
- Ngộ độc thức ăn: Trong một số trường hợp trẻ em bị đau bụng là do ngộ độc thức ăn. Ngoài đau bụng, ngộ độc còn khiến trẻ bị tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng, thậm chí trong phân còn có lẫn máu, có thể kèm theo sốt.
- Rối loạn tiêu hóa: Trẻ bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa thường kèm theo chán ăn, nôn trớ nhiều, trẻ khó chịu và hay quấy khóc. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em có thể do dùng thuốc bừa bãi, lạm dụng thuốc kháng sinh.
- Vệ sinh ăn uống kém: Trẻ em bị đau bụng còn có thể do khâu lựa chọn và chế biến thực phẩm chưa đảm bảo vệ sinh. Khi trẻ còn nhỏ và hệ tiêu hóa chưa được hoàn thiện, ăn uống không hợp vệ sinh có thể khiến trẻ bị đau bụng, tiêu chảy do đường ruột bị nhiễm khuẩn.
- Sỏi tiết niệu: Đau bụng ở trẻ cũng có thể do sỏi tiết niệu gây ra, tuy nhiên nguyên nhân này hiếm thấy. Hoặc viêm đường tiết niệu cũng gây đau bụng, đặc biệt là vùng bụng dưới. Cơn đau do nhiễm khuẩn đường niệu có thể gây đau bụng dữ dội.
Khi thấy trẻ bị đau bụng không rõ nguyên nhân nào kể trên, tốt nhất là cha mẹ nên đưa trẻ thăm khám bác sĩ để trẻ được điều trị kịp thời.
2. Khi thấy trẻ bị đau bụng không rõ nguyên nhân nên làm gì?
Trẻ bị đau bụng không rõ nguyên nhân không phải là tình trạng hiếm gặp. Khi thấy trẻ bị đau bụng hay các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa nói chung như hay nôn trớ, đầy hơi, chướng bụng, biếng ăn, tiểu khó, tiểu đau, đại tiện ra máu,... cần đưa trẻ thăm khám bác sĩ. Nếu phát hiện bệnh cần tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Trong một số trường hợp, trẻ em bị đau bụng có thể cần được xử trí cấp cứu ngay như viêm ruột thừa, lồng ruột, tắc ruột, thoát vị nghẽn,...Vì vậy, nên cho trẻ kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện trẻ có bị nhiễm giun hay viêm đường tiết niệu không,...
Khi trẻ em bị đau bụng, cần cho bé nghỉ ngơi, giúp bé ổn định tinh thần, đồng thời theo dõi những biểu hiện bất thường (nếu có) để cho trẻ thăm khám bác sĩ kịp thời.
Nếu trẻ em bị đau bụng có kèm tiêu chảy, nôn mửa, đó có thể là biểu hiện của ngộ độc thức ăn. Khi đó, cần chú ý bù nước và điện giải cho trẻ bằng dung dịch oresol và cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa để đường ruột của trẻ nhanh chóng hồi phục.
Trẻ em bị đau bụng kèm theo sốt có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt (từ 38,5 độ C). Tránh lạm dụng thuốc hạ sốt để giúp trẻ giảm đau vì đôi khi tác dụng của thuốc có thể che giấu triệu chứng của bệnh, dẫn đến chẩn đoán phát hiện bệnh không kịp thời và chính xác. Ngoài ra, không được tự ý sử dụng kháng sinh nếu không có sự chỉ định từ bác sĩ.
Đau bụng không rõ nguyên nhân ở trẻ em là tình trạng thường gặp. Cha mẹ cần tìm hiểu một số nguyên nhân khiến trẻ bị đau bụng và theo dõi biểu hiện kèm theo để kịp thời đưa trẻ thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.