Trước đây, chúng ta thường cho rằng dưỡng da chỉ thông qua các loại kem dưỡng, tuy nhiên ngày nay dưới những tác dụng tuyệt vời của các loại mặt nạ thì xu hướng làm đẹp mới đã dần trở nên đa dạng hơn. Vậy trong các phương pháp chăm sóc sắc đẹp thì phương pháp làm đẹp thông qua việc đắp mặt nạ có tốt không?
1. Đắp mặt nạ có tác dụng gì?
Đắp mặt nạ có tốt không? Công dụng của mặt nạ hoàn toàn phụ thuộc vào 2 yếu tố đó là: loại mặt nạ và tình trạng da cũng như mong muốn mà người sử dụng hướng đến.
Mặt nạ là một phương pháp hiệu quả để chăm sóc da, hầu hết các loại mặt nạ đều chứa nhiều thành phần có tác dụng chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị chuyên sâu cho da ở dạng cô đặc cao. Tác dụng mặt nạ có được thông qua sự tiếp xúc trực tiếp của các thành phần mặt nạ với làn da trong một khoảng thời gian nhất định, thường là khoảng 10-20 phút. Đây là khoảng thời gian vừa đủ giúp các dưỡng chất thẩm thấu vào bề mặt da và phát huy tác dụng.
Mặc dù, mặt nạ có thể khắc phục nhanh chóng tình trạng viêm và các mảng khô da, tuy nhiên những lợi ích này chỉ là tạm thời và người sử dụng thường phải kết hợp với các sản phẩm chăm sóc da chuyên biệt khác để duy trì độ ẩm da. Mặt khác, đắp mặt nạ vẫn có thể mang đến một số rủi ro cho da như gây khô da, kích ứng, nổi mẩn đỏ và mụn. Do đó, tùy thuộc vào mục đích của người sử dụng để xác định được loại mặt nạ và các thành phần bên trong sao cho phù hợp nhất.
XEM THÊM: Sau khi tẩy da chết xong có nên đắp mặt nạ?
2. Lựa chọn thành phần dưỡng chất theo từng loại da
Để lựa chọn loại mặt nạ thích hợp, người sử dụng cần xác định được loại da của mình và lựa chọn thành phần mặt nạ phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng và quyết định việc đắp mặt nạ có tốt không vì các thành phần phù hợp với da sẽ giúp giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả nhất.
2.1. Da mụn hoặc viêm
Mặc dù, mặt nạ không phải là phương pháp trị mụn lâu dài nhưng chúng có thể giúp làm dịu da bị viêm tức thời và ngăn ngừa mụn. Mặt nạ có chứa axit salicylic, benzoyl peroxide và các thành phần tự nhiên như sữa chua và đu đủ có thể giúp loại bỏ tế bào da chết và các chất gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Ngoài ra, bột yến mạch và lô hội là những thành phần có tác dụng làm dịu da trong khi mặt nạ đất sét và than hoạt có thể hấp thụ lượng dầu thừa trên da.
2.2. Da sạm màu
Người dùng đang gặp vấn đề về da sạm màu nên tìm đến các loại mặt nạ chứa vitamin C, đây là thành phần tin cậy có khả năng ngăn ngừa da bị tăng sắc tố. Bên cạnh đó, axit Kojic, axit azelaic và rễ cam thảo cũng có tác dụng làm sáng da, ngăn ngừa các mảng tăng sắc tố trên da.
Một số thành phần khác có khả năng tẩy tế bào chết như axit alpha hydroxy (AHA), axit lactic và dứa sẽ giúp loại bỏ các đốm sạm màu trên bề mặt da.
2.3. Da khô
Da khô cần nguồn cung cấp dưỡng ẩm rất nhiều, đồng nghĩa với việc người dùng cần sử dụng các loại mặt nạ chứa nhiều axit hyaluronic để giữ nước. Ngoài ra, một số chất dưỡng ẩm khác có thể sử dụng như quả bơ hoặc bơ hạt mỡ cũng có thể làm mềm và mịn da.
2.4. Da nhiều nếp nhăn
Các nếp nhăn sâu trên da thường cần đến sự giúp đỡ của các bác sĩ chuyên khoa da liễu, tuy nhiên một số loại mặt nạ có thể giúp giảm thiểu sự xuất hiện của nếp nhăn. Bên cạnh tác dụng ngăn sạm da thì vitamin C là thành phần có thể ngăn ngừa nếp nhăn khá hiệu quả. Loại vitamin này là một chất chống oxy hóa, tăng cường sản xuất collagen và giúp da săn chắc.
Vitamin E là một lựa chọn chống lão hóa hiệu quả khác bên cạnh resveratrol và axit ferulic. Những thành phần này có tác dụng bảo vệ da khỏi những tác nhân gây ra nếp nhăn, chẳng hạn như ô nhiễm môi trường và tác hại của ánh nắng mặt trời.
2.5. Da dầu
Bất cứ thành phần gì giúp loại bỏ lượng dầu thừa và giúp giảm tắc nghẽn lỗ chân lông đều được xem là lý tưởng cho da dầu. Người sử dụng nên tìm các loại mặt nạ có chứa các thành phần như:
- Axit salicylic;
- Axit glycolic;
- Lưu huỳnh;
- Than hoạt.
Về những thành phần tự nhiên có thể chọn đến sữa chua và dứa để tẩy tế bào chết cho da.
XEM THÊM: Tần suất sử dụng mặt nạ trong quy trình chăm sóc da
3. Lựa chọn loại mặt nạ thích hợp
Các thành phần chính của mặt nạ cần phải phù hợp với từng loại da của người sử dụng. Có rất nhiều loại mặt nạ khác nhau nhưng việc lựa chọn thường rất dễ dàng vì thành phần và loại mặt nạ thường sẽ đi đôi với nhau.
3.1. Mặt nạ bùn
Đây là loại mặt nạ có thể thích hợp cho mọi loại da với công dụng làm sạch sâu. Mặc dù, loại mặt nạ này tương đối giống với mặt nạ đất sét, nhưng vì nguồn gốc của nó là làm từ nước nên khả năng dưỡng ẩm sẽ tốt hơn.
Các công thức mặt nạ bùn khác nhau sẽ bao gồm các thành phần khác nhau, nhưng đa số sẽ bao gồm một số loại axit và chiết xuất trái cây thiên nhiên.
3.2. Mặt nạ đất sét
Các chuyên gia về thẩm mỹ cho biết, mặt nạ đất sét rất giàu các loại khoáng chất nên có khả năng phục hồi làn da rất tốt.
Hiện nay, có 2 loại mặt nạ đất sét chính là mặt nạ đất sét kaolin và đất sét bentonite đều có tác dụng loại bỏ dầu thừa trên da, rất thích hợp cho cả da dầu và da bị mụn. Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý rằng mặt nạ đất sét có thể hơi khô, vì vậy các loại da khô có thể không thật sự thích hợp.
3.3. Mặt nạ than hoạt
Hiện nay, có rất ít bằng chứng ủng hộ việc sử dụng mặt nạ than hoạt. Tuy nhiên, vì than hoạt tính đã được sử dụng để hấp thụ các chất độc bên trong cơ thể nên người ta cho rằng mặt nạ than hoạt cũng có thể loại bỏ bụi bẩn và các tạp chất khác khỏi bề mặt da.
3.4. Mặt nạ dạng kem hoặc gel
Với thành phần chính là axit hyaluronic, mặt nạ dạng kem dày có thể rất tốt cho làn da khô vì acid hyaluronic là một chất bổ sung độ ẩm lành mạnh.
Bên cạnh đó, thành phần của mặt nạ dạng gel thường bao gồm dưa chuột và lô hội có khả năng làm mềm, dịu da nên rất lý tưởng cho những người có làn da nhạy cảm.
3.5. Mặt nạ tẩy tế bào chết
Các chất hóa học có tác dụng tẩy tế bào chết như axit glycolic và axit lactic là những thành phần chính trong loại mặt nạ này. Các axit nhẹ này có tác dụng loại bỏ các tế bào chết tích tụ trên bề mặt da, mang lại làn da tươi sáng và mịn màng hơn.
3.6. Mặt nạ Enzyme
Các enzym tự nhiên có nguồn gốc từ trái cây như dứa và đu đủ là một biện pháp tẩy tế bào da chết hữu hiệu. Ưu điểm đặc biệt của mặt nạ này là không gây kích ứng, giúp da đều màu và sáng hơn.
3.7. Mặt nạ lột
Với cấu tạo giống như cao su rất dễ loại bỏ, những chiếc mặt nạ loại này phù hợp nhất cho những người không thích sự phiền phức.
Mặt nạ lột có thể thích hợp cho nhiều loại da khác nhau. Một số có chứa axit glycolic và axit salicylic mang lại khả năng có tẩy tế bào chết và chống lại mụn trứng cá. Một số khác thành phần chứa nhiều axit hyaluronic giúp dưỡng ẩm hoặc các chất chống oxy hóa như vitamin C và E.
3.8. Mặt nạ giấy
Đây là loại mặt nạ phổ biến ở Hàn Quốc, hầu hết chúng đều chứa axit hyaluronic, các ceramide và các chất chống oxy hóa nên đắp mặt nạ giấy mang lại khả năng dưỡng ẩm cao, khôi phục hàng rào bảo vệ da và chống lại các gốc tự do. Loại mặt nạ này đặc biệt rất tốt cho:
- Da khô;
- Da bị viêm;
- Da nhiều nếp nhăn.
3.9. Mặt nạ ngủ
Loại mặt nạ này phù hợp sử dụng ban đêm nên được gọi là mặt nạ ngủ và chúng có tác dụng dưỡng ẩm rất mạnh mẽ. Thành phần của mặt nạ ngủ bao gồm AHA, nghệ và bơ hạt mỡ. Khi được tiếp xúc với làn da trong nhiều giờ, các thành phần này có thể tạo ra nhiều lợi ích cho da của người sử dụng.
XEM THÊM: Mặt nạ rau diếp cá có tốt không và có nên đắp hàng ngày?
4. Một số thành phần có trong mặt nạ cần tránh
Mặc dù, mặt nạ chứa rất nhiều thành phần có lợi nhưng một số thành phần bổ sung khác có thể gây kích ứng. Để hạn chế tình trạng da bị đỏ hoặc khô, người dùng cần kiểm tra thành phần để tìm các chất có thể gây phản ứng xấu với da. Những chất đó có thể bao gồm:
- Hương thơm;
- Cồn;
- Parabens;
- Phẩm màu;
- Tinh dầu.
Những người có làn da nhạy cảm hoặc dễ bị kích ứng như bệnh vẩy nến cần hết sức cẩn thận khi sử dụng mặt nạ. Khi đó, người bệnh không nên lạm dụng mặt nạ chứa các thành phần làm khô da và chất tẩy da chết mạnh (như axit salicylic hoặc retinoids).
Bên cạnh đó, người đắp mặt nạ nên thận trọng với các loại thuốc đang sử dụng khác để xem có bất kỳ dụng phụ nào ảnh hưởng đến da hay không. Ví dụ điển hình là việc sử dụng corticosteroid kéo dài có thể làm mỏng da, một số kháng sinh và thuốc kháng histamin làm da tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Những tác động này cùng với việc đắp mặt nạ mạnh có thể gây hại thay vì giúp ích cho da.
5. Những lưu ý khi đắp mặt nạ tại nhà
Người đắp mặt nạ có thể gặp nhiều tác dụng phụ từ việc sử dụng kỹ thuật chăm sóc da DIY (Do It Yourself). Tuy nhiên, nếu tuân thủ các quy tắc thì việc đắp mặt nạ tại nhà vẫn an toàn và hiệu quả. Một thao tác rất đơn giản là thoa một lượng nhỏ thành phần mặt nạ lên vùng da sau tai để kiểm tra các phản ứng không mong muốn trước khi đắp lên mặt.
5.1. Một số thành phần nên sử dụng
Người dùng mong muốn tẩy da chết và làm sáng da có thể sử dụng axit lactic có trong sữa và sữa chua. Nha đam và các loại trái cây như đu đủ cũng có thể da sáng hơn.
Đối với người muốn làm dịu làn da bị viêm, nghệ có thể là lựa chọn tuyệt vời. Còm đối với làn da khô da có thể khắc phục bằng các nguyên liệu tự nhiên như mật ong và bơ.
5.2. Thành phần cần tránh
Người đắp mặt nạ nên tránh xa bất cứ thành phần nào có tính axit như giấm táo, chanh và nước cốt chanh... vì chúng thể dẫn đến kích ứng hoặc thậm chí bỏng da.
Đắp mặt nạ bằng lòng trắng trứng cũng là một ý tưởng không tốt, vì điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng, đặc biệt là khi là có vết thương hở. Một số thành phần có độ kiềm cao như baking soda cũng có thể gây khó chịu cho da.
5.3. Loại mặt nạ và tần suất sử dụng
Tần suất đắp mặt nạ phụ thuộc vào công thức mặt nạ và loại da người đắp. Ví dụ, những người có làn da nhạy cảm chỉ nên đắp mặt nạ 1 lần mỗi tuần để tránh gặp những phiền toái.
Tuy nhiên, đắp mặt nạ sẽ trở nên hoàn hảo nhất khi người dùng đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Một số mặt nạ, chẳng hạn như mặt nạ đất sét và chứa công thức dưỡng ẩm có thể sử dụng an toàn 2 hoặc 3 lần một tuần. Những loại khác như mặt nạ tẩy tế bào chết hay các loại chống lão hóa chỉ nên dùng 1 lần mỗi tuần để tránh kích ứng.
5.4. Một số lưu ý khác để tối ưu hóa hiệu quả đắp mặt nạ
Người sử dụng khi đã tìm ra công thức mặt nạ phù hợp và tần suất sử dụng có thể áp dụng một số số mẹo và thủ thuật đơn giản sau để tối ưu hóa tác dụng của mặt nạ:
Làm sạch da trước khi tiến hành dưỡng ẩm da với mặt nạ:
- Vệ sinh da sạch sẽ, kỹ lưỡng trước khi đắp bất kỳ loại mặt nạ nào;
- Sử dụng sữa rửa mặt dưỡng ẩm có độ pH trung tính và nhẹ nhàng, rửa sạch lại bằng nước ấm để lỗ chân lông mở ra, sẵn sàng cho việc đắp mặt nạ;
- Sau khi đã gỡ bỏ mặt nạ, người dùng hãy sử dụng kem dưỡng ẩm dày, không chứa dầu và axit hyaluronic để giảm thiểu các kích ứng tiềm ẩn và lưu giữ các thành phần mặt nạ trên da lâu hơn.
Kiên trì và có thể sử dụng nhiều mặt nạ cùng lúc:
- Sử dụng mặt nạ một lần duy nhất sẽ không mang lại hiệu quả. Sử dụng thường xuyên có thể giúp người dùng đạt được mục tiêu của mình;
- Cần kiên trì và quyết tâm sử dụng cùng một loại mặt nạ trong ít nhất 6 đến 8 tuần;
- Nếu có nhiều vấn đề về da và muốn tiết kiệm thời gian, người dùng có thể đắp nhiều loại mặt nạ. Ví dụ, một số vùng da cần tẩy tế bào chết trong khi một số vị trí khác cần kiểm soát dầu nhờn trên da.
Không đắp mặt nạ quá lâu: Người sử dụng có thể lầm tưởng rằng đắp mặt nạ càng lâu thì hiệu quả càng cao. Điều này hoàn toàn sai lầm vì mỗi loại mặt nạ đều có thời gian sử dụng cụ thể, do đó không được sử dụng lâu hơn hướng dẫn. Một mặt nạ chỉ được đắp trong 10 phút nhưng nếu bạn sử dụng kéo dài trong 1 giờ có thể làm tăng cảm giác khó chịu.
Giá cả không nói lên chất lượng: Mặt nạ đắt tiền nhất không nhất thiết phải là tốt nhất. Một số loại mặt nạ sẽ không phù hợp với làn da người sử dụng và điều đó có thể không liên quan nhiều đến giá cả mà phụ thuộc hoàn toàn vào các thành phần bên trong.
Không có loại mặt nạ nào cho tác dụng kỳ diệu, bên cạnh việc đắp mặt nạ thì việc sử dụng sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm và kem chống nắng hàng ngày còn quan trọng hơn rất nhiều đối với một làn da đẹp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com