Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ cao cấp, Tiến sĩ Vũ Văn Tâm - Bác sĩ Nội truyền nhiễm - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Bệnh truyền nhiễm được phân thành nhiều loại bao gồm bệnh truyền nhiễm nhóm A, bệnh truyền nhiễm nhóm B và bệnh truyền nhiễm nhóm C. Trong đó, bệnh truyền nhiễm nhóm C được xem là “nhẹ” nhất nhưng tuyệt đối không được chủ quan, xem nhẹ các bệnh trong danh mục này.
1. Bệnh truyền nhiễm nhóm C là gì?
Bệnh truyền nhiễm nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, có khả năng lây truyền không nhanh.
2. Danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm C
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, Danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm C bao gồm:
- Bệnh giang mai
Bệnh giang mai lây chủ yếu qua con đường quan hệ tình dục không an toàn, do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên.
- Bệnh phong
Là bệnh lây truyền, tuy nhiên lây chậm, ít và rất khó lây. Chủ yếu lây qua tiếp xúc gần gũi, nhiều và thường xuyên với nguồn nhiễm bệnh, tỷ lệ lây lan giữa vợ - chồng chỉ từ 3 - 5%.
- Bệnh lậu
Lây truyền chủ yếu qua đường tình dục (âm đạo, hậu môn, miệng, họng). Bệnh lậu có thể lây truyền từ mẹ sang con khi chuyển dạ sinh nở gây lậu mắt ở trẻ sơ sinh.
- Bệnh mắt hột
Là viêm kết giác mạc lây lan, tiến triển mạn tính ở người, do Chlamydia Trachomatis. Tổn thương đặc trưng ở kết giác mạc: hột mắt hột, tăng sản nhú gai, màng máu, dẫn đến sẹo hoá kết giác mạc gây lông quặm, lông siêu và có thể mù loà.
- Bệnh sốt mò
Là bệnh truyền sang người qua trung gian ấu trùng mò, mò vừa là vật chủ vừa là vectơ truyền bệnh. Người bị nhiễm bệnh khi bị ấu trùng mò đốt và không có khả năng truyền bệnh từ người sang người.
- Bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsackie)
Vi rút Cốc-xác-ki là nguyên nhân gây ra một nhóm bệnh bao gồm viêm họng, tay chân miệng, viêm tim. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng, phân và những giọt khí dung của người bệnh.
- Bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm
Tác nhân gây bệnh chốc là tụ cầu vàng hoặc liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người.
- Bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia)
Bệnh lây truyền qua đường phân - miệng, thường có triệu chứng giống hội chứng Lỵ nhưng phân không có máu. Ở những ca bệnh nặng (hiếm gặp) có thể có tổn thương ở niêm mạc của tá tràng và hỗng tràng.
- Bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus)
Là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường ăn uống, bệnh thường nhẹ và ít nguy hiểm nhưng nếu phát hiện chậm và không được điều trị kịp thời vẫn có thể gây tử vong.
Bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia)
Bệnh truyền ngẫu nhiên sang người do các côn trùng chân đốt, tổn thương đặc trưng là viêm các mạch máu nhỏ do mầm bệnh sống và sinh sản trong nội mô động mạch/tĩnh mạch nhỏ và mao mạch.
- Bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia)
Cũng do Chlamydia Trachomatis (giống bệnh đau mắt hột) trong các dịch tiết ở cổ tử cung, âm đạo, niệu đạo gây bệnh. Những người bị bệnh nhưng không được điều trị và không có biểu hiện triệu chứng có khả năng lây lan nhiều nhất nếu quan hệ tình dục không an toàn.
- Bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans)
Bệnh nấm đường sinh dục nữ hay viêm âm hộ - âm đạo, bệnh không lây qua quan hệ tình dục.
- Bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia)
Nocardia có thể gây bệnh ở da, phổi, não, tim khiến bệnh nhân đau ngực, khó thở, kèm theo sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, sút cân. Lây truyền trực tiếp từ đất qua vết xây xước trên da, phổ biến nhất là vết đâm xuyên của gai.
- Bệnh do vi rút Hecpet (Herpes)
Bệnh lây truyền từ người sang người. HSV1 lây qua tiếp xúc miệng - miệng, nước bọt. HSV 2 lây qua quan hệ tình dục, mẹ lây và trong thời kỳ chu sinh.
- Bệnh do vi rút Xi-ô-mê-ga-lô (Cytomegalo)
Là bệnh nhiễm trùng hàng đầu gây ra điếc, chậm phát triển trí tuệ và mù bẩm sinh. Đường miệng và đường hô hấp là đường lây nhiễm nổi bật nhất
- Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Hanta (Hanta)
Con người nhiễm bệnh do hít phải những vật thể trong không khí hình thành từ chất thải hay do vết cắn của động vật gặm nhấm có nhiễm vi rút. Vi rút Hanta gây ra các thể bệnh có tỷ lệ tử vong cao.
- Bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas)
Là bệnh trùng roi đường sinh dục nữ hay viêm âm đạo do trùng roi. Bệnh lây qua đường tình dục là chủ yếu, ngoài ra còn lây qua bồn tắm, khăn tắm ẩm ướt.
- Các bệnh do giun
Lây truyền qua đường ăn uống do nuốt phải trứng giun trong đất bị nhiễm phân người, bệnh không lây trực tiếp từ người sang người.
- Bệnh sán dây
Gồm 2 loại là sán dây lợn và sán dây bò, người ăn phải thịt lợn, thịt bò có ấu trùng sán chưa được nấu chín sẽ phát triển thành sán trưởng thành, ký sinh ở ruột non.
- Bệnh sán lá gan
Gồm sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Người ăn phải ấu trùng nang chưa được nấu chín sẽ vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược lên gan, phát triển thành sán lá gan nhỏ trưởng thành ký sinh và gây bệnh ở đường mật. Người ăn sống các loại rau mọc dưới nước hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn.
- Bệnh sán lá phổi
Người hoặc động vật ăn phải tôm, cua có ấu trùng nang chưa được nấu chín sẽ vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng, rồi xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào phế quản để làm tổ. Thời gian từ khi ấu trùng phát triển thành sán trưởng thành khoảng 5-6 tuần.
- Bệnh sán lá ruột
Người hoặc lợn ăn rau thủy sinh có ấu trùng sán lá ruột chưa nấu chín, ấu trùng sẽ mất vỏ nang ở tá tràng, sau đó bám vào ruột non để ký sinh và phát triển thành sán trưởng thành.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.