Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ cao cấp, Tiến sĩ Vũ Văn Tâm - Bác sĩ Nội truyền nhiễm - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Hầu hết các bệnh truyền nhiễm đều là bệnh lây và diễn biến khá phức tạp, làm cho cơ thể người bệnh suy sụp nhanh chóng nếu không nhận được sự trợ giúp y tế kịp thời. Hiểu rõ về đặc điểm chung của các bệnh truyền nhiễm sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong việc nhận biết bệnh và kịp thời chữa trị.
1. Bệnh truyền nhiễm là gì?
Bệnh truyền nhiễm hay còn gọi là bệnh lây. Đây là nhóm bệnh thường gặp ở tất cả các châu lục nhưng đặc biệt là ở các nước có khí hậu nóng ẩm (nhiệt đới). Căn nguyên bệnh truyền nhiễm do vi sinh vật gây ra, hay còn gọi là mầm bệnh. Bệnh có khả năng lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau và đôi khi trở thành dịch với số lượng người mắc rất lớn. Bệnh thường diễn biến theo các giai đoạn.
2. Lịch sử nghiên cứu bệnh truyền nhiễm
Bệnh truyền nhiễm đã được biết từ thời cổ xưa. Ở thời Hypocrat, bệnh truyền nhiễm được người ta biết đến với tên gọi là “bệnh dịch” để nói lên tính chất nặng và phát triển rộng của bệnh. Thời bấy giờ người ta cho rằng bệnh có liên quan đến “Khí độc”. Đến thế kỷ XVI, học thuyết về “Lây” ra đời thay cho quan niệm “Khí độc”.
Học thuyết về sự lây lan bệnh từ người mắc bệnh sang người khỏe được D.S. Samoilovitra đề xuất vào năm 1784, tác giả cho rằng nguyên nhân gây ra bệnh truyền nhiễm là một cơ thể sống rất nhỏ bé.
Tuy vậy, mãi cho đến đầu thế kỷ XIX, với sự ra đời của kính hiển vi, những căn cứ khoa học về bệnh truyền nhiễm mới được chứng minh do việc tìm ra một số vi khuẩn. Những thành tựu về vi khuẩn học ở nửa cuối thế kỷ XIX là cơ sở để tách bệnh học truyền nhiễm ra khỏi bệnh học nội khoa chung. Sự phát sinh và phát hiện ngày càng nhiều các vi sinh vật gây bệnh khiến các bệnh truyền nhiễm ngày càng phong phú.
Theo các nghiên cứu dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, ngày nay số bệnh truyền nhiễm đã được nghiên cứu lên tới hàng trăm và theo sự phát triển thì sẽ có thêm những bệnh truyền nhiễm mới được đưa vào danh mục các bệnh truyền nhiễm.
3. Đặc điểm chung của bệnh truyền nhiễm
Bệnh truyền nhiễm là bệnh do vi sinh vật gây ra, hay còn gọi là mầm bệnh. Thông thường, mỗi một bệnh là do một loại mầm bệnh gây nên, trong trường hợp cá biệt có thể do 2 hoặc nhiều mầm bệnh gây nên (sốt rét do P.falciparum + P.vivax kết hợp...)
Bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người khoẻ bằng bằng một đường hoặc nhiều đường khác nhau.
Bệnh truyền nhiễm phát triển theo các giai đoạn kế tiếp nhau: Nung bệnh, khởi phát, toàn phát, lui bệnh, hồi phục. Sau khi mắc bệnh, cơ thể người có đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Tùy theo bệnh, thể bệnh và cơ địa mà miễn dịch được hình thành với mức độ khác nhau, thời gian tồn tại cũng khác nhau.
4. Bệnh truyền nhiễm lây qua những con đường nào?
Bệnh truyền nhiễm có khả năng phát triển thành dịch (thậm chí là đại dịch). Bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người khoẻ bằng nhiều đường khác nhau. Bệnh truyền nhiễm được phân loại theo đường lây là phân loại theo Grama Xép Ski (Nga) và chia ra 5 nhóm bệnh:
- Bệnh lây truyền theo đường tiêu hoá
- Bệnh lây truyền theo đường hô hấp
- Bệnh lây theo đường máu
- Bệnh truyền nhiễm lây truyền theo đường da và niêm mạc.
- Bệnh truyền nhiễm có thể lây bằng nhiều đường khác nhau.
5. Các giai đoạn phát triển của bệnh truyền nhiễm là gì?
Bệnh truyền nhiễm diễn ra qua các giai đoạn sau:
- Thời kỳ nung bệnh
Thời gian được tính từ lúc mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể người cho đến trước khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Trong thời kỳ này, người bệnh không cảm thấy triệu chứng. Thời gian dài hay ngắn phụ thuộc vào loại bệnh truyền nhiễm mắc phái, số lượng mầm bệnh, độc tính của mầm bệnh và sức đề kháng của cơ thể bệnh nhân. Thời kỳ nung bệnh có thể rất ngắn (hàng giờ) nhưng có thể rất dài (hàng tháng), có không ít trường hợp người mang mầm bệnh kéo dài (thể tiềm tàng hoặc thể người lành mang khuẩn).
- Thời kỳ khởi phát
Khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện nhưng chưa phải lúc bệnh nặng và rầm rộ nhất. Bệnh có thể khởi phát theo một trong 2 kiểu: từ từ hoặc đột ngột. Hầu hết đều có sốt và và sốt cũng là một trong những triệu chứng khởi phát của bệnh truyền nhiễm.
- Thời kỳ toàn phát
Khi bệnh phát triển rầm rộ nhất và thể hiện đầy đủ các triệu chứng, đồng thời là lúc bệnh nặng nhất. Các biến chứng (nếu có) thường hay xuất hiện trong thời kỳ này.
- Thời kỳ lui bệnh
Phụ thuộc vào khả năng chống đỡ của cơ thể người bệnh kết hợp với tác động điều trị, mầm bệnh và các độc tố dần dần được loại trừ. Người bệnh sẽ cảm thấy đỡ dần, những triệu chứng dần dần mất đi. Tuy nhiên vẫn có một số bệnh truyền nhiễm diễn biến kéo dài, tái phát hoặc để lại hậu quả nghiêm trọng.
- Thời kỳ hồi phục (lại sức)
Sau khi mầm bệnh và độc tố được loại trừ ra khỏi cơ thể thì những cơ quan bị tổn thương sẽ dần dần bình phục, trở lại hoạt động bình thường hoặc chỉ còn những rối loạn nhẹ, không đáng kể. Bệnh nhân có thể ra viện về nhà, có thể nghỉ ngơi hoặc có thể tiếp tục lao động trở lại. Tuy nhiên, cần phải được tiếp tục theo dõi vì một số trường hợp có tái phát.
6. Nguyên tắc phòng chống bệnh truyền nhiễm
- Phòng chống đặc hiệu
Vắc xin: Đã có vắc xin phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn và vi rút gây ra: Sởi, Ho gà, Bại liệt, Uốn ván, Viêm gan...
- Phòng chống không đặc hiệu
- Thực hiện vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống sôi.
- Thực hiện vệ sinh môi trường, nơi ở, nơi làm việc...
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.