Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ - Bác sĩ ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Người mắc bệnh gan nặng có nguy cơ tử vong cao khi thực hiện phẫu thuật gan. Đánh giá tiền phẫu sẽ giúp bác sĩ xem xét ảnh hưởng của thuốc mê và phương pháp phẫu thuật lên chức năng gan sau phẫu thuật ở những bệnh nhân mắc bệnh gan trước đó để đưa ra quyết định phù hợp.
1. Ảnh hưởng của gây mê và phẫu thuật đối với chức năng gan
Bệnh nhân mắc bệnh gan có nguy cơ bị tổn hại chức năng gan sau gây mê và phẫu thuật. Cụ thể:
- Các thuốc gây mê toàn thân có thể hủy hoại chức năng gan vì giảm dòng máu tới gan trong lúc phẫu thuật, dẫn tới thiếu máu cục bộ;
- Hạ huyết áp, xuất huyết, thiếu oxy máu trong lúc phẫu thuật cũng có thể gây tổn thương tới gan;
- Phẫu thuật cho những người đang mắc bệnh gan nặng làm tăng nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, nhiễm trùng, bệnh não, suy thận hoặc thậm chí tử vong.
Vì vậy, nên tránh phẫu thuật ở những bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan nặng.
2. Đánh giá tiền phẫu cho bệnh nhân mắc bệnh gan mãn tính
Việc đánh giá tiền phẫu cho người mắc bệnh gan nên chú ý tới mức độ rối loạn chức năng gan và ảnh hưởng lên các hệ cơ quan khác. Quy trình đánh giá bao gồm:
2.1 Hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng
Người mắc bệnh gan ở giai đoạn sớm có thể không có triệu chứng hoặc có triệu chứng không rõ ràng như mệt mỏi, sụt cân, rối loạn tiêu hóa,... Việc thăm khám lâm sàng cần được thực hiện kỹ càng để phát hiện các dấu hiệu như gan lách to, phù ngoại vi, nốt nhện đỏ, bụng báng, teo tinh hoàn, nữ hóa tuyến vú, tràn dịch màng phổi, mức độ bệnh não,... Ngoài ra, bác sĩ cần hỏi kỹ bệnh nhân về tiền sử uống rượu và tiền sử tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại,...
2.2 Thăm khám cận lâm sàng
Xét nghiệm công thức máu
Thực hiện xét nghiệm công thức máu đầy đủ giúp bác sĩ phát hiện tình trạng thiếu máu, giảm tiểu cầu hoặc tăng số lượng bạch cầu nếu có tình trạng nhiễm trùng. Xét nghiệm máu được sử dụng để:
- Kiểm tra chức năng gan:
- Thời gian prothrombin: Cho kết quả bất thường nếu suy yếu sự tổng hợp các yếu tố đông máu II, VII, IX và X; gan tổng hợp của các yếu tố này phụ thuộc vào vitamin K; thời gian bán hủy các yếu tố này thường dưới 24 giờ. Đây là chỉ số nhạy cảm nhất về thay đổi chức năng gan;
- Albumin: Albumin chỉ được tổng hợp trong gan và có thời gian bán hủy 21 ngày. Nếu xét nghiệm cho kết quả Albumin huyết thanh thấp thì có thể phản ánh tình trạng rối loạn chức năng gan, suy dinh dưỡng, thận hư, tình trạng kém hấp thu hoặc những tháng cuối của thai kỳ;
- Kiểm tra tổn thương tế bào gan: Men gan Alanine Aminotransferase (ALT) có ở gan, đặc trưng cho tình trạng rối loạn chức năng gan; Aspartate Aminotransferase (AST) có ở các tổ chức như gan, cơ xương, tim, thận. Các xét nghiệm này được sử dụng nhằm phát hiện các tổn thương tế bào gan. 2 xét nghiệm được thực hiện gồm:
- Tỷ lệ AST/ALT: Kết quả >4 là bệnh Wilson, kết quả >2 là tình trạng tổn thương gan do rượu, còn kết quả <1 là tình trạng viêm gan không do rượu và không xơ gan;
- Men gan cũng tăng trong các trường hợp viêm đường mật, sỏi ống mật chủ, viêm gan do thiếu máu (<10.000 IU/L). Đôi khi có trường hợp viêm gan nhưng không tăng men gan;
- Kiểm tra tắc nghẽn mật:
- Bilirubin tăng do tan máu, viêm gan, xơ gan, chít hẹp đường mật, ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc,... Triệu chứng vàng da rõ ràng khi bilirubin toàn phần >3mg/dl. Tăng bilirubin kết hợp kèm theo tăng urobilirubin niệu phản ánh tình trạng rối loạn chức năng tế bào gan, ứ mật trong gan và tắc mật ngoài gan. Còn hiện tượng tăng bilirubin không kết hợp gặp ở các trường hợp tan máu hoặc dị tật bẩm sinh về phản ứng kết hợp bilirubin;
- Alkaline phosphatase máu (ALP) được sản xuất bởi gan, ruột non, thận và xương. ALP tăng nhẹ khi bị tổn thương tế bào gan hoặc ung thư di căn gan, ALP tăng cao hơn khi có tình trạng ứ mật trong gan hoặc tắc mật. Ngoài ra, tăng ALP còn gặp ở phụ nữ mang thai, người mắc bệnh xương,... nên cần xét nghiệm thêm Gama glutamine (GGT) để loại trừ nguồn tăng ALP ở ngoài gan.
Xét nghiệm đánh giá chức năng thận
Xét nghiệm đánh giá chức năng thận, bất thường về kali máu, hạ natri máu,... nên thực hiện trước phẫu thuật cho người bệnh gan. Nguyên nhân vì hạ natri máu nặng phối hợp với bệnh gan tiến triển có thể gây rối loạn ý thức. Cần tránh điều chỉnh hạ natri máu nhanh mà nên thực hiện từ từ, tốt nhất là hạ natri máu ở mức <10mmol/l trong 24 giờ.
Các xét nghiệm cần thiết khác
- Kiểm tra tim mạch: Trước khi phẫu thuật gan, cần kiểm tra tim mạch của bệnh nhân, bao gồm ECG và siêu âm tim nếu người bệnh có những yếu tố nguy cơ về rối loạn chức năng thất trái, tổn thương van tim, mắc bệnh cơ tim hoặc bệnh lý mạch máu phổi. Nếu người bệnh có dấu hiệu mắc bệnh mạch vành cần làm điện tim gắng sức, đánh giá chức năng thất trái hoặc thực hiện đồng thời cả 2 phương pháp trên;
- Kiểm tra phổi: Chụp X-quang ngực hoặc siêu âm ngực để chẩn đoán tràn dịch màng phổi và nên dẫn lưu bớt dịch màng phổi trước khi phẫu thuật gan. Đồng thời, nên kiểm tra chức năng phổi để xác định bệnh nhân có mắc bệnh phổi tắc nghẽn hoặc co thắt hay không.
Đánh giá tiền phẫu trước khi phẫu thuật gan là việc làm cần thiết để giúp bác sĩ nắm rõ tình trạng sức khỏe bệnh nhân, có những điều chỉnh, thay đổi phù hợp, từ đó có quyết định điều trị chính xác và nâng cao cơ hội điều trị thành công, giảm nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân.