Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Hen suyễn là một bệnh lý mạn tính. Hen suyễn nặng nếu không được phát hiện và xử trí có thể dẫn tới nguy kịch tính mạng.
1. Hen suyễn là gì?
Hen suyễn hay hen phế quản là một bệnh lý mãn tính gây viêm đường hô hấp, xảy ra các phản ứng co thắt và bài tiết chất nhầy.
Ở bệnh nhân hen, hệ thống cây phế quản rất dễ bị viêm và nhạy cảm hơn bình thường. Người bệnh dễ bị khó thở do tắc nghẽn luồng khí hoặc co thắt phế quản gây ra ho, thở khò khè và tức ngực.
Mức độ cơn hen tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn của đường dẫn khí. Nếu người bệnh chỉ có cảm giác khó thở nhẹ, khò khè ít thì cơn hen được xác định là mức độ nhẹ. Ngược lại, khi người bệnh khó thở dữ dội, có tiếng rít hay toàn thân tím tái, lơ mơ thì đây là cơn hen ác tính, có khả năng đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Ngoài cơn hen, người bệnh có cuộc sống hoàn toàn bình thường, không có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào. Theo đó, việc đánh giá cơn hen là cần thiết nhằm lên kế hoạch điều trị lâu dài, vừa phòng ngừa cơn, vừa kiểm soát cơn một cách hiệu quả.
2. Đánh giá mức độ nặng của cơn hen bằng lưu lượng đỉnh kế là gì?
Việc đo lường mức độ tắc nghẽn đường dẫn khí là cách xác định trực tiếp mức độ nặng của cơn hen.
Dụng cụ để đo mức độ tắc nghẽn của đường thở là các công cụ thường dùng đo chức năng hô hấp trong các phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, trong thực tế, có một thiết bị cầm tay đơn giản hơn, tiện lợi sử dụng tại nhà như lưu lượng đỉnh kế( peak flow meter).
Nguyên tắc hoạt động của lưu lượng đỉnh kế là đo lưu lượng khí thoát ra từ đường dẫn khí lớn của phổi.
3. Đối tượng và thời điểm cần đánh giá mức độ nặng của cơn hen phế quản bằng lưu lượng đỉnh (PEF: peak expiratory flow)?
Lưu lượng đỉnh kế là thiết bị cần sẵn có đối với những người thường xuyên xuất hiện các cơn hen khó kiểm soát hoặc mức độ các cơn hen khi xuất hiện là từ trung bình đến nặng và phải kiểm soát cơn hằng ngày một cách chặt chẽ, phối hợp nhiều nhóm thuốc.
Ngoài ra, dụng cụ này cũng sẽ cần thiết với những người mới được chẩn đoán hen phế quản hay chẩn đoán hen ở trẻ nhỏ. Đối với các trẻ từ 3 tuổi trở lên, trẻ đã có khả năng nhận thức để chủ động tự đo được lưu lượng đỉnh cho mình khi vào cơn để báo cho cha mẹ hay người chăm sóc xử trí kịp thời.
Nhờ việc đo lưu lượng đỉnh, người chăm sóc hay bản thân bệnh nhân có thể sớm nhận ra các vấn đề sau đây để kịp thời dùng thuốc cắt cơn hợp lý, ngăn chặn triệu chứng diễn tiến quá nhanh vượt quá khả năng kiểm soát hay phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra
Lưu ý là không được đo lưu lượng đỉnh khi bệnh nhân vào cơn hen mức độ nặng hay ác tính. Bởi việc cần làm lúc này là cấp cứu tối đa cho người bệnh, bất chấp thông số lưu lượng đỉnh. Thời điểm thích hợp được lựa chọn là vào buổi sáng, khi cơ thể cảm thấy khỏe khoắn nhất và trước khi dùng thuốc phòng ngừa cơn. Và nên đo thêm buổi chiều, vì thông thường lưu lượng đỉnh kế buổi chiều là cao nhất trong ngày.
4. Cách thức thực hiện đánh giá mức độ nặng của cơn hen bằng lưu lượng đỉnh kế như thế nào?
Trước khi đo, cần kiểm tra thanh chỉ số của dụng cụ trở về đúng vạch số 0. Tư thế người bệnh thoải mái, ngồi hay đứng thẳng lưng để hít thở tối đa và thống nhất cùng một tư thế ở tất cả các lần đo liên tục.
Cách đo:
4.1. Hít vào một hơi tối đa
4.2. Ngậm ống
Người bệnh cần biết cách ngậm đầu ống của lưu lượng đỉnh kế đúng cách sao cho vừa khít, không làm rò rỉ khí và cũng không để môi, lưỡi che ống đo làm giảm kết quả đạt được.
4.3. Thổi ra
người bệnh sử dụng toàn lực hô hấp một cách tối đa để thổi ra toàn bộ thể tích khí trong lồng ngực thật mạnh, nhanh chỉ trong một lần thổi.
4.4. Đọc và ghi lại thông số
Đọc và ghi lại thông số đạt được trên lưu lượng đỉnh kế. Lặp lại tối đa thêm hai lần đo tương tự và chọn ra kết quả đạt được cao nhất. Việc đo lặp lại hơn ba lần sẽ không giúp cải thiện kết quả thêm vì đã làm giảm sức cơ hô hấp.
Nên đo PEF 2 lần mỗi ngày, sáng và chiều. PEF thông thường thấp nhất buổi sáng và cao nhất về chiều, thay đổi theo từng người bệnh, môi trường, cường độ hoạt động...
Nếu đo lưu lượng đỉnh trong cơn, loạt đo đầu tiên cần thực hiện tương tự như trên. Sau đó, người bệnh được sử dụng thuốc cắt cơn làm giãn phế quản. Chờ từ 10 đến 20 phút cho thuốc đạt hiệu quả tác dụng là tiến hành đo lại loạt thứ hai để đối chiếu. Chọn lấy tỷ lệ giữa lưu lượng đỉnh trước khi dùng giãn phế quản và sau khi dùng thuốc cao nhất trong các lần đo để đánh giá.
5. Cách thức nhận định mức độ nặng của cơn hen bằng lưu lượng đỉnh kế như thế nào?
Để nhận định mức độ nặng của cơn hen bằng lưu lượng đỉnh kế một cách chuẩn xác và khách quan, cần đảm bảo tránh được các yếu tố làm ảnh hưởng đến kết quả đo, bao gồm: Khả năng hợp tác của người bệnh, cách thức ngậm ống và thở ra hết sức cũng như độ chính xác của dụng cụ đo.
Đối với trẻ em, chú ý lựa chọn mức nền của lưu lượng đỉnh là phù hợp với giới tính, tuổi và chiều cao của trẻ.
Đối với người lớn, thông số này được lấy khi bản thân cảm giác khỏe nhất, không có các bệnh lý cấp tính tại cơ quan khác vì cũng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hô hấp.
Tóm lại, lưu lượng đỉnh kế là dụng cụ cần có tại mỗi gia đình có người mắc bệnh hen phế quản. Bằng cách sử dụng thuận tiện, đơn giản, kết quả tương đối chính xác, đây là một công cụ hữu dụng hỗ trợ trong kiểm soát cơn hen bước đầu tại nhà cũng như theo dõi sự cải thiện của chức năng hô hấp về lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.