Phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan B có thể lây nhiễm cho em bé trong thời gian từ tuần thứ 28 của thai kỳ cho đến khoảng 7 ngày sau sinh. Vậy câu hỏi mà các bà mẹ quan tâm chính là đang uống thuốc viêm gan B có thai được không?
1. Viêm gan B khi mang thai có nguy hiểm không?
Viêm gan B có khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con ở bất kỳ giai đoạn nào từ khi mang thai và cả giai đoạn cho con bú. Mỗi giai đoạn nhiễm viêm gan B sẽ thay đổi tỷ lệ lây nhiễm sang thai nhi:
Nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B trong những tháng đầu thai kỳ thì nguy cơ em bé bị nhiễm thấp hơn (dưới 3%), vì trẻ vẫn được bảo vệ qua nhau thai nên máu của mẹ không thể tiếp xúc trực tiếp với máu của thai nhi. Tuy nhiên khi sang tuần thai thứ tư, lá nuôi tế bào một trong bốn lớp của nhau thai biến mất sẽ khiến nhau thai trở nên mỏng manh hơn và đây chính là nguy cơ lớn cho sự lây nhiễm viêm gan B (10%). Thời điểm nguy hiểm nhất để virus viêm gan B có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể của trẻ là giai đoạn chuyển dạ khi sinh với tỷ lệ lây nhiễm lên tới 90%. Đây là thời điểm tử cung co thắt, các mạch máu ở nhau thai cũng bị co thắt lại khiến máu của mẹ dễ dàng tiếp xúc với trẻ hoặc trong quá trình sinh nở, trẻ tiếp xúc với dịch âm đạo của mẹ khiến khả năng lây nhiễm cực cao
Nếu mẹ không điều trị viêm gan B khi mang thai hay khi sinh ra em bé không được ngăn ngừa lây nhiễm thì tỉ lệ cao trẻ sẽ bị viêm gan B. Điều này khiến chức năng gan của trẻ bị tổn thương, có thể phát triển thành viêm gan mạn tính, xơ gan vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra viêm gan B cũng có thể gây ra vàng da sơ sinh. Mẹ bị viêm gan B cũng dễ sinh thiếu tháng, gây ảnh hưởng cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
2. Đang uống thuốc viêm gan B có thai được không?
Thực tế, phụ nữ bị viêm gan B vẫn có thể mang thai, nếu xét nghiệm HbsAg âm tính hoặc dương tính nhưng định lượng dưới 5 đơn vị thì mẹ vẫn có thể có em bé bình thường. Tuy nhiên đối với phụ nữ vẫn đang trong thời gian điều trị viêm gan B bằng thuốc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi mang thai để kiểm soát tải lượng virus một cách tốt nhất trước khi quyết định có em bé.
3. Điều trị viêm gan B khi mang thai như thế nào?
Mục tiêu của việc điều trị viêm gan B khi mang thai là giảm nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con, ngăn ngừa sự phát triển và tăng sinh siêu vi B trong cơ thể mẹ. Phụ nữ mang thai sẽ cần nhập viện để được điều trị khi có các triệu chứng của viêm gan. Một số phương pháp điều trị viêm gan B khi mang thai gồm có:
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và nghỉ ngơi khoa học:
- Để điều trị viêm gan B khi mang thai, mẹ cần thường xuyên theo dõi sức khỏe định kỳ, xây dựng chế độ ăn uống khoa học theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Hạn chế ăn chất béo hoặc sử dụng các loại nước ngọt, các chất kích thích, có cồn như bia rượu. Việc hạn chế loại chất này sẽ góp phần hạn chế sự phát triển của siêu vi B trong cơ thể mẹ
- Tăng cường cung cấp vitamin, khoáng chất bằng các loại rau củ, trái cây. Để điều trị viêm gan B khi mang thai, nên ưu tiên lựa chọn các loại rau củ có màu xanh đậm hay màu đỏ, cham như cà rốt, cà chua, bí đỏ,... vì chứa các dưỡng chất tốt cho sức khỏe
- Bổ sung thêm các protein không chứa chất béo để đảm bảo chế độ dinh dưỡng, ăn các món chế biến từ thịt gà, thịt nạc bò, cá hồi, cá thu, các loại hạt và đậu,...
- ·Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, yêu đời, vận động nhẹ nhàng, tăng cường nghỉ ngơi, hạn chế lao động quá sức, ngủ sớm
Sử dụng thuốc cho các trường hợp cụ thể:
- Nếu tình trạng của mẹ cần sử dụng thuốc thì mẹ có thể dùng Tenofovir, 3 tháng cuối thai kỳ có thể sử dụng Tenofovir hoặc Lamivudine
- Đối với phụ nữ đang bị viêm gan B mạn muốn có thai thì phải ngừng thuốc Entecavir trước khi có thai trong vòng 2 tháng, sau đó chuyển sang dùng Tenofovir
- Với những trường hợp mẹ đang bị viêm gan B mạn nhưng bất ngờ có thai thì cũng được chỉ định sử dụng Tenofovir, vào các tháng cuối của thai kỳ có thể chuyển sang sử dụng thuốc Lamivudine.
4. Phòng tránh việc lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con như thế nào?
Ngoài việc điều trị viêm gan B thì mẹ cũng cần chủ động phòng tránh lây nhiễm virus viêm gan B cho bé thông qua một số phương pháp như sau:
Khám sàng lọc trước sinh:
- Việc khám sàng lọc nhiễm viêm gan B mạn trước sinh là rất quan trọng giúp quá trình điều trị được tiến hành sớm và tăng tỷ lệ hiệu quả
- Nếu thai phụ có hàm lượng virus cao trong máu, bác sĩ có thể dùng các loại thuốc để kiểm soát bệnh. Ngoài ra, thai phụ mắc viêm gan cần thường xuyên kiểm tra tình trạng bệnh trong suốt quá trình mang thai.
- Người đang điều trị viêm gan B bằng Interferon muốn mang thai cần ngừng thuốc từ 6 tháng trở lên vì thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi
Tiêm vắc-xin cho mẹ trong thời kỳ mang thai:
- Đối với mẹ bầu bị mắc viêm gan B khi vào 3 tháng cuối thai kỳ có thể được chỉ định tiêm globulin miễn dịch khoảng 3 lần vào mỗi tháng. Các mũi tiêm này nhằm hạn chế sự lan virus từ mẹ sang bé trong tử cung khi chuyển dạ.
- Bên cạnh tiêm phòng thì mẹ cũng cần có chế độ dinh dưỡng, hoạt động và nghỉ ngơi khoa học để có nền tảng sức khỏe tốt
Tiêm vắc-xin cho trẻ ngay khi sinh ra:
- Trẻ có thể được bảo vệ khỏi virus bằng cách tiêm vắc-xin viêm gan B và 0,5 ml globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG) tại các vị trí riêng biệt trong vòng 12 giờ sau sinh. Hai loại thuốc này đều là sản phẩm an toàn và hiệu quả, nếu sử dụng đúng cách thì trẻ có hơn 90% cơ hội được bảo vệ chống lại nhiễm trùng viêm gan B
- Hai loại thuốc trên cần được tiêm ngay trong 12 giờ đầu sau sinh, vì không có cơ hội thứ hai để bảo vệ trẻ sơ sinh một khi thời gian vàng bị bỏ lỡ
- Ngoài ra trẻ cũng cần được tiến hành tiêm vắc-xin viêm gan thông thường kết hợp với các mũi tiêm bảo vệ chống lại bệnh khác khi trẻ lần lượt đến các mốc 6 tuần, 3 tháng và 5 tháng tuổi. Vắc-xin viêm gan có thể bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm viêm gan B lên tới 95%
- Em bé sinh ra có mẹ nhiễm HBV cần được xét nghiệm huyết thanh sau tiêm chủng lúc 9-12 tháng để xác nhận được bảo vệ chống lại HBV và không bị nhiễm bệnh
Tóm lại, mẹ bầu bị viêm gan B nên theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên, khám thai đúng lịch để có những nhận định chính xác về tình trạng sức khỏe cũng như dự phòng tốt trong trường hợp xảy ra sự cố.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.