Đặc điểm trầm cảm ở đàn ông

Mặc dù đa số bệnh nhân trầm cảm là nữ giới nhưng vẫn có không ít đấng mày râu đối mặt với tình trạng này. Trầm cảm ở nam giới có những đặc điểm khác biệt. Không chỉ là stress nặng hay thay đổi tình tính, đàn ông bị trầm cảm còn thể hiện qua khả năng tư duy, hành vi và dấu hiệu sức khỏe.

1. Dấu hiệu trầm cảm ở nam giới

Trầm cảm đang ngày càng gia tăng và từng được xem là bệnh của phái yếu, tuy nhiên thực tế mỗi năm ở Mỹ có hơn 6 triệu đàn ông bị trầm cảm. Đặc điểm bệnh trầm cảm ở đàn ông có sự khác biệt so với phụ nữ, với những dấu hiệu như:

  • Mệt mỏi: So với phụ nữ, đàn ông bị trầm cảm có nhiều nguy cơ trải qua cảm giác mệt mỏi, hoạt động chậm chạp hơn.
  • Rối loạn giấc ngủ: Triệu chứng trầm cảm ở nam giới phổ biến là ngủ quá nhiều hoặc quá ít, mất ngủ hoặc thức dậy rất sớm. Một số bệnh nhân có thể ngủ đến 12 giờ/ ngày nhưng vẫn cảm thấy kiệt sức hoặc chỉ ngủ được 2 giờ đồng hồ là thức dậy.
  • Các vấn đề về sức khỏe: Mặc dù là một tình trạng sức khỏe tâm thần, nhưng trầm cảm ở đàn ông cũng làm thay đổi mức độ serotonin và norepinephrine - chất truyền tin não chi phối nỗi đau và tâm trạng, tạo ra các triệu chứng thể chất. Đau bụng hoặc đau lưng, táo bón hoặc tiêu chảy, đau đầu... là những vấn đề về thể chất có liên quan đến trầm cảm.
  • Khó chịu: Các đấng mày râu bị trầm cảm thường dễ phản ứng mạnh với những chuyện bình thường do luôn cảm thấy khó chịu và suy nghĩ tiêu cực.
  • Khó tập trung: Trầm cảm ở đàn ông làm suy yếu khả năng xử lý thông tin và tập trung vào công việc, thay vào đó là những suy nghĩ tiêu cực chiếm đầy ý thức của họ.
  • Giận dữ: Một số quý ông trầm cảm sẽ có biểu hiện tức giận, hung hăng hay thù địch. Có người dù nhận ra họ sai nhưng vẫn cố bảo thủ chứng minh mình đúng.
  • Căng thẳng (stress): Đây không chỉ là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán và xác định mức độ trầm cảm ở nam giới, mà còn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến căn bệnh này. Căng thẳng kéo dài sẽ tác động đến cả thể chất và tâm lý.
  • Lo lắng: Rối loạn lo âu và trầm cảm có mối liên hệ với nhau. Trên thực tế, nam giới ít cảm thấy lo lắng hơn phụ nữ khi bị trầm cảm. Nếu có, họ sẽ dễ dàng chia sẻ cảm giác này với bác sĩ, ví dụ như đề cập đến vấn đề công việc, những khó khăn trong cuộc sống của bản thân và gia đình.
  • Lạm dụng rượu: Người nghiện rượu có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp hai lần người bình thường. Thay vì tìm giải pháp y tế, bệnh nhân trầm cảm thường sử dụng rượu hoặc thậm chí là ma túy để che dấu cảm xúc.
  • Rối loạn sinh dục: Trầm cảm là một nguyên nhân phổ biến khiến quý ông mất ham muốn và rối loạn cương dương. Mặc khác, rối loạn cương dương và hờ hững chuyện chăn gối cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm.
  • Không thể tự quyết định: Đàn ông bị trầm cảm hầu như mất khả năng đưa ra lựa chọn hay quyết định như một người bình thường, do não của họ gặp vấn đề về xử lý thông tin.
  • Suy nghĩ tự tử: Dù không nhiều nam giới có suy nghĩ này, nhưng nếu có thì nguy cơ tử vong của họ sẽ cao gấp 4 lần phụ nữ do đàn ông thường chọn các phương pháp dễ chết người hơn, đặc biệt là đàn ông lớn tuổi.

Một số triệu chứng trầm cảm khác có thể xảy ra ở nam giới bao gồm: Thèm ăn hoặc chán ăn, thay đổi cân nặng, không còn niềm vui, có cảm giác tội lỗi hoặc trống rỗng, tránh tiếp xúc xã hội, tham gia vào cờ bạc, quan hệ tình dục không an toàn,...

Những thay đổi hành vi trên xảy ra có thể là do quý ông cố gắng che giấu căn bệnh của mình vì không muốn bị đánh giá là yếu đuối như phụ nữ. Nỗ lực theo đuổi “chuẩn mực nam tính” có thể khiến đàn ông bị ức chế tâm lý, lâu dần dẫn đến hành động tự hủy hoại bản thân.


Trầm cảm ở nam giới có những đặc điểm khác biệt
Trầm cảm ở nam giới có những đặc điểm khác biệt

2. Nguyên nhân trầm cảm ở nam giới

Có 5 nguyên nhân phổ biến khiến đàn ông bị trầm cảm, bao gồm:

  • Mất cân bằng chất hóa học trong não: Cụ thể là chất dẫn truyền thông tin giữa các tế bào thần kinh dopamine và serotonin. Người bị trầm cảm có lượng dopamine trong não thấp, khiến họ không còn động lực để làm bất cứ điều gì. Trong khi đó, suy giảm serotonin sẽ khiến bệnh nhân bị rối loạn thèm ăn, tâm trạng và ham muốn tình dục.
  • Mức hormone testosterone thấp: Các nhà khoa học cho biết liệu pháp thay thế testosterone có thể giúp cải thiện tâm trạng, vì hormone này thúc đẩy sản xuất dopamine.
  • Căng thẳng: Stress nặng và lâu dài làm tăng mức cortisol, dẫn đến cạn kiệt và phá vỡ hệ thống dopamine của cơ thể. Khi ấy, đàn ông bị trầm cảm bắt đầu cảm thấy thờ ơ và mất đi động lực. Lượng cortisol cao quá mức cũng có thể ảnh hưởng vùng đồi thị ở não - vốn có chức năng điều hòa ý thức, giấc ngủ và sự cảnh giác... Đồng thời, cortisol còn tác động đến hạch hạnh nhân, khiến người bệnh nhạy cảm hơn với các kích thích cảm xúc tiêu cực.
  • Do ngoại cảnh: Bệnh trầm cảm ở đàn ông có thể bắt nguồn từ việc họ được kỳ vọng quá nhiều. Phái mạnh buộc phải làm được nhiều thứ trong xã hội, đồng thời phải kiềm chế cảm xúc, không được chia sẻ cảm giác buồn bã, trống rỗng với người thân. Ngoài ra, một số căn bệnh mắc phải khi lớn tuổi cũng góp phần gây ra trầm cảm ở nam giới. Bên cạnh đó, họ có thể gặp các vấn đề tiêu cực xảy ra trong cuộc sống như mất việc, ly hôn, mất người thân... gây ra nỗi đau tinh thần khó vượt qua.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể tăng nguy cơ trầm cảm bao gồm thuốc chống co giật, statin, thuốc benzodiazepin, corticosteroid và thuốc chẹn beta. Các quý ông cũng dễ sa đà vào các thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc lá hoặc các hành vi nguy hiểm khác để cải thiện tâm trạng, từ đó ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần.

Để điều trị trầm cảm ở đàn ông, các bác sĩ khuyên phái mạnh nên duy trì thói quen tập thể dục, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, thay đổi lối sống tích cực và hạn chế các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến tâm lý. Nếu phát hiện cách hành xử của bản thân hoặc người đàn ông mà bạn quen biết đã thay đổi, hãy quan tâm đến họ nhiều và cân nhắc đến bác sĩ kiểm tra tổng quát để được chẩn đoán chính xác, từ đó có phác đồ điều trị trầm cảm ở đàn ông phù hợp.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe