Sốt thương hàn hay cảm thương hàn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do vi khuẩn Salmonella gây ra. Hàng năm, bệnh sốt thương hàn ảnh hưởng đến hơn 21 triệu người trên toàn thế giới, tập trung ở các quốc gia đang phát triển tại các khu vực: Đông Nam Á, Ấn Độ, Nam Mỹ và châu Phi.
Dấu hiệu bệnh thương hàn phổ biến trên lâm sàng bao gồm: sốt cao, rối loạn tiêu hóa, nổi ban đỏ nhỏ, đôi khi có thể kèm theo đau đầu, đau họng. Kháng sinh là biện pháp điều trị chính khi mắc bệnh.
1. Tổng quan
Sốt thương hàn là bệnh lý nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn Salmonella Typhi. Đây là bệnh lý nghiêm trọng do độc lực nặng nề của vi khuẩn Salmonella và là mối đe dọa cho sức khỏe của con người trong thế giới hiện đại ngày nay. Tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh thường không cao ở những nước phát triển.
Dấu hiệu bệnh thương hàn thường gặp là sốt, đau bụng, rối loạn tiêu hóa dạng táo bón hoặc tiêu chảy, đau đầu, ... Phương pháp điều trị chính là nội khoa với các thuốc kháng sinh đặc hiệu. Ở những bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc, các dấu hiệu bệnh thương hàn thường thuyên giảm sau vài ngày. Bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng, thậm chí có thể tử vong nhưng tỉ lệ này không cao.
Sốt thương hàn là bệnh lý nhiễm khuẩn đã có vắc-xin phòng ngừa nhưng hiệu quả thực sự không cao. Các khuyến cáo trên thế giới thường đề nghị sử dụng vắc-xin cho những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hoặc đi đến các khu vực dịch tễ với tỷ lệ mắc bệnh thương hàn cao trong cộng đồng.
2. Tác nhân gây bệnh sốt thương hàn
Salmonella typhi là nguyên nhân gây bệnh sốt thương hàn. Đây là một loại vi khuẩn có độc lực mạnh, gây nên tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng. Vi khuẩn Salmonella typhi thường có mặt ở những nguồn thực phẩm hoặc nguồn nước bẩn, không được vệ sinh. Vì thế đường lây bệnh phổ biến nhất là đường phân miệng.
Điều này nghĩa là khi ăn thực phẩm nhiễm bẩn hoặc uống nước từ nguồn nước vệ sinh kém, chứa vi khuẩn hoặc tiếp xúc với chất thải của bệnh nhân như phân, nước tiểu, đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Việc lây truyền bệnh từ người sang người còn được ghi nhận từ những người khỏe mạnh mang mầm bệnh. Nhiều người nhiễm vi khuẩn Salmonella typhi nhưng không biểu hiện triệu chứng hoặc những người mắc bệnh sốt thương hàn sau điều trị còn tồn dư một lượng nhỏ vi khuẩn trong cơ thể cũng là những nguồn lây nhiễm cho người khác trong cộng đồng.
Những đối tượng có nguy cơ dễ mắc phải tác nhân gây bệnh Salmonella typhi như:
- Trẻ em, mặc dù lâm sàng không biểu hiện nặng nề như người lớn
- Người đi đến các vùng dịch tễ của bệnh sốt thương hàn
- Người chịu trách nhiệm xử lý vi khuẩn Salmonella typhi
- Người tiếp xúc thân mật với bệnh nhân sốt thương hàn, nhất là khi không đảm bảo vệ sinh, không rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc người bệnh.
- Hệ miễn dịch suy yếu như mắc HIV, các bệnh lý nội khoa nặng nề hoặc sử dụng thuốc corticoid trong thời gian dài, các thuốc điều trị ung thư, ...
3. Dấu hiệu bệnh thương hàn
Dấu hiệu bệnh thương hàn thường xuất hiện trên lâm sàng sau một thời kỳ ủ bệnh kéo dài khoảng 1 đến 3 tuần. Điều này có nghĩa là 1 đến 3 tuần sau từ khi vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, người bệnh sẽ bắt đầu biểu hiện các triệu chứng lâm sàng của bệnh sốt thương hàn. Theo các khoảng thời gian khác nhau, triệu chứng lâm sàng có thể thay đổi khác nhau. Trong tuần lễ đầu tiên của bệnh, dấu hiệu bệnh thương hàn thường rầm rộ với:
- Sốt cao khởi phát đột ngột, mức nhiệt thường lên đến trên 39 độ C, đôi khi đạt ngưỡng 40 độ C
- Đau đầu, mệt mỏi
- Đau nhức các cơ toàn thân
- Đau bụng
- Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón. Tiêu chảy là biểu hiện thường gặp ở trẻ em, ngược lại người lớn thường phải trải qua táo bón.
- Nổi các ban đỏ nhỏ trên bề mặt da. Vị trí thường thấy của các ban đỏ là ngực và bụng. Dấu hiệu này thường không tồn tại lâu, biến mất hoàn toàn sau khoảng 2 đến 5 ngày.
Vào thời điểm này, sốt thương hàn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể diễn tiến sang tuần thứ hai với các biểu hiện lâm sàng nặng nề hơn như:
- Sốt cao liên tục, kéo dài
- Rối loạn tiêu hóa nặng nề hơn
- Sụt cân nhiều
- Bụng chướng
Vào các giai đoạn sau của sốt thương hàn, bệnh nhân có thể phải đối diện với tình trạng mê sảng, suy kiệt, giới hạn vận động. Những dấu hiệu bệnh thương hàn diễn tiến theo hướng nặng nề cho đến tuần thứ ba kể từ thời điểm khởi phát nếu không được điều trị.
Bệnh nhân mắc bệnh sốt thương hàn rất dễ tử vong hoặc gặp nhiều biến chứng nguy hiểm trong giai đoạn này. Biến chứng đáng lo ngại nhất là chảy máu đường tiêu hóa, có thể kèm thủng ruột. Người bệnh khi có biến chứng thường có biểu hiện đau bụng đột ngột dữ dội, rối loạn huyết động, nghi ngờ một tình trạng nhiễm khuẩn máu.
Các biến chứng khác của sốt thương hàn có thể gặp với tỷ lệ thấp hơn là viêm phổi, viêm cơ tim, viêm tụy, viêm não màng não, nhiễm trùng cột sống, ... Vì thế, nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần được đưa đến các cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị kịp thời.
Đối với những người đi đến các vùng dịch tễ, cần được tư vấn tiêm vắc-xin phòng ngừa. Những người này sau khi trở về nhà từ các vùng dịch tễ nếu phát hiện các triệu chứng bất thường cần đến khám ngay để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn và thăm khám.
Chẩn đoán bệnh sốt thương hàn có thể dựa vào dấu hiệu bệnh thương hàn trên lâm sàng đã được kể trên, kết hợp với việc khai thác tiền sử và các yếu tố dịch tễ. Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn một trường hợp bệnh nhân mắc sốt thương hàn, xét nghiệm phân và xét nghiệm máu tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn Salmonella typhi cần được thực hiện.
4. Điều trị bệnh sốt thương hàn
Vì sốt thương hàn là bệnh lý nhiễm khuẩn nên kháng sinh là phương pháp điều trị đóng vai trò chủ đạo. Lựa chọn loại kháng sinh cụ thể thích hợp với từng trường hợp cụ thể như với phụ nữ mang thai hay đang cho con bú sẽ được bác sĩ đưa ra quyết định.
Bệnh nhân không nên tự ý điều trị, ngưng thuốc hoặc kéo dài thời gian sử dụng không cần thiết, hạn chế tỷ lệ kháng thuốc. Vi khuẩn gây bệnh thương hàn kháng thuốc đang là một khó khăn trong quá trình điều trị bệnh.
Bên cạnh kháng sinh, người bệnh nên được nhận các phương pháp điều trị bổ sung, nâng cao cải thiện tổng trạng. Lưu ý, người bệnh cần uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất do sốt cao và tiêu chảy nặng nề, chế độ ăn cần được duy trì lành mạnh và đầy đủ.
Nhiều nước đang phát triển trên thế giới đang đẩy mạnh công tác phòng bệnh sốt thương hàn bằng nhiều biện pháp khác nhau. Trong đó việc tiêm vắc-xin phòng bệnh sốt thương hàn là một việc làm không thể thiếu. Vắc-xin phòng bệnh sốt thương hàn nên được tư vấn ở những đối tượng có nguy cơ cao như người đi đến các vùng dịch tễ của sốt thương hàn.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng tránh bệnh sốt thương hàn, được sản xuất bởi công ty Sanofi (Pháp), đảm bảo an toàn từ khâu nhập, bảo quản đến sử dụng. Tiêm chủng tại Vinmec có những ưu điểm:
- Việc tiêm chủng được thực hiện bởi những bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên có chuyên môn nghiệp vụ cao, vắc-xin chất lượng đảm bảo đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế nên đạt hiệu quả tối ưu, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt và an toàn nhất.
- Trong và sau quá trình tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
- Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái như đang dạo chơi và có tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
- Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt để đảm bảo chất lượng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.